Chế độ bảo hiểm xã hội : Những thay đổi áp dụng từ 01/01/2016

03/03/2016 02:33 PM



Thay đổi cách tính lương hưu
Luật mới cũng quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa (75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH).
Từ 01/01/2018, lao động nữ đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; từ năm thứ 16 trở đi thì được cộng thêm 2% mỗi năm. Như vậy, lao động nữ phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu ở mức tối đa bằng 75%. Lao động nam đóng BHXH 16 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, theo lộ trình tăng dần tới năm 2022 thì phải tham gia BHXH 20 năm để hưởng mức 45%. Để được hưởng lương hưu ở mức tối đa 75% thì lao động nam phải đóng BHXH  35 năm .
Mở rộng chế độ thai sản
Lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con: Lần đầu tiên, Luật BHXH  bổ sung chế độ thai sản cho lao động nam. Theo đó , chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày. Nếu chỉ có người chồng tham gia BHXH thì khi vợ sinh con vẫn được nhận trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của lao động nam tham gia BHXH được tính trong 30 ngày đầu kể từ khi vợ sinh con.
Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ mang thai hộ đều được nghỉ thai sản: Quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2014 trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Lao động nữ mang thai hộ được nghỉ đi khám thai, nghỉ tối đa trong thời gian sinh con, hưởng chế độ thai sản như người mẹ nhờ mang thai hộ.
Khi con chưa đủ 6 tháng tuổi, chẳng may người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc không đủ sức khỏe chăm sóc con thì người cha nhờ mang thai hộ hoặc người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ. Nếu người cha hoặc người nuôi dưỡng đang tham gia BHXH mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương, còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ đã mất hoặc không đủ sức khỏe chăm sóc con.
Điều kiện hưởng thai sản là người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH đủ từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận con nuôi.
Tăng mức trợ cấp ốm đau
Mức trợ cấp ốm đau được điều chỉnh, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày (sau 180 ngày) tăng lên 50% theo Luật củ là 45% .Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý. Theo đó, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau: 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
BHXH bắt buộc bổ sung 3 nhóm đối tượng đóng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người lao động là công dân nước ngoài.
BHXH tự nguyện mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; đa dạng các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt theo quy định tại Nghị Định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.


Tăng quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, người Sử dụng lao động và cơ quan BHXH
Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình Hôi đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Người lao động được chủ sử dụng cung cấp thông tin về đóng BHXH định kỳ 6 tháng một lần, hằng năm niem yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định.
Luật BHXH năm 2014 cũng  giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan BHXH. Điểm này nhằm khắc phục trốn đóng, nợ đọng BHXH của doanh nghiệp.
Bổ sung nhiều quyền cho người lao động
Người lao động sẽ có tất cả những quyền sau: Được tham gia và hưởng các chế độ BHXH  theo quy định của Luật này; Được cấp và quản lý sổ BHXH; Nhận lương hưu và trợ cấp BHXH đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả như trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền hoặc thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng, thông qua người sử dụng lao động.
Người lao động được hưởng BHYT  trong các trường hợp: Đang hưởng lương hưu;  Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
Người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được diều trị ổn định; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng BHXH.
Người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.
Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH; định kỳ hằng năm được cơ quan BHXH  xác nhận về việc đóng BHXH; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH. Bên cạnh đó, người lao động được khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về BHXH theo quy định của pháp luật.

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 sẽ được tính như sau:
Người lao động nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Người lao động  nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:
Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ; Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ; Người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi.


Nguồn: Sưu tầm