Bản chất của việc công nhân cà phê đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

16/03/2016 03:06 PM



Hình minh họa

Vậy bản chất của vụ việc như thế nào, có phải công nhân cà phê ở các Công ty TNHH MTV Cà phê trên địa bàn tỉnh đóng 100% tiền BHXH, BHYT, BHTN; có phải các doanh nghiệp cà phê đã vi phạm luật, buộc người lao động đóng không đúng BHXH, BHYT, BHTN?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, tất cả các doanh nghiệp trồng và chăm sóc cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, các Nông trường thay vì tập trung toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch về đơn vị để chế biến, tiêu thụ, bán lấy tiền để chi trả lương cho người lao động thì họ thực hiện giao vườn cây, thu hoạch cà phê cho công nhân và thu lại một phần sản phẩm (hoặc quy ra tiền) để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư. Từ năm 1995, khi thực hiện chính sách đóng BHXH thì kinh phí đóng BHXH cũng được hạch toán vào sản phẩm giao khoán, các hợp đồng giao khoán đều ghi mức đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng với mức đóng theo quy định của pháp luật.

Hình minh họa

Nhìn vào hình thức rất dễ nhầm lẫn rằng công nhân đóng 100% tiền BHXH, BHYT, BHTN, tuy nhiên, với việc giao khoán sản phẩm thì toàn bộ chi phí chi thường xuyên, tiền đóng thuế, chi phí đóng bảo hiểm phát sinh đều phải lấy từ sản phẩm cà phê, hạch toán đóng toàn bộ BHXH, BHYT, BHTN vào hợp đồng giao khoán hay công nhân phải đóng sản phẩm giao khoán về cho Công ty để đơn vị đóng BHXH cho người lao động không có gì khác nhau. Như vậy, không phải là công nhân cà phê đóng 100% tiền bảo hiểm bắt buộc các loại mà do đặt thù của cơ chế khoán, các doanh nghiệp đã hạch toán toàn bộ chi phí đóng bảo hiểm bắt buộc các loại vào sản phẩm, để từ đó thu nộp về đơn vị và đóng cho cơ quan BHXH.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Hạ, Giám đốc công ty TNHH MTV Cà phê Cư Pul cho rằng việc các doanh nghiệp cà phê đưa kinh phí đóng BHXH, BHYT, BHTN vào đơn giá khoán sản phẩm là tạo điều kiện cho công nhân chủ động trong sản xuất kinh doanh, trên cơ sở tính số tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đơn vị đưa trực tiếp số tiền (hoặc quy ra sản phẩm) phải đóng vào hợp đồng, định kỳ 6 tháng người lao động nộp cho đơn vị để đóng cho cơ quan BHXH, việc hạch toán chi tiết từng khoản đóng (tiền thuế, phí đầu tư, phí công đoàn, BHXH, BHYT, BHTN…) là nhằm mục đích minh bạch hóa các khoản phải đóng của người lao động. Công nhân được chủ động trong quy trình sản xuất, trên cơ sở số tiền tính toán cứ nộp đầy đủ về đơn vị là xong, không phải tập trung sản phẩm thu hoạch về Nông trường, đơn vị cũng không phải giám sát, bảo vệ trong quá trình thu hoạch. Chủ trương khoán sản phẩm, đưa kinh phí đóng các loại hình bảo hiểm bắt buộc vào hợp đồng giao khoán là chủ trương chung của toàn ngành, được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh đều áp dụng giống nhau.
Những phản ánh, khiếu nại của một số công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Cư Pul về nội dung đóng BHXH, BHYT, BTN đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giải quyết tại Quyết định số 777/QĐ-UB ngày 09/6/2004 và Thanh tra Chính phủ kết luận tại Báo cáo số 737/TTCP-BC ngày 18/3/2005, theo đó: “Nông trường đưa vào Hợp đồng để thu cả 20% tức là người lao động phải đóng 100% BHXH và thu qua sản phẩm cà phê quả tươi là đúng quy định và phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh theo phương thức giao khoán vườn cà phê; người lao động khiếu nại sai về số phải thu BHXH”
Như vậy, việc hạch toán toàn bộ số phải đóng BHXH, BHYT, BHTN vào Hợp đồng giao khoán cà phê là phù hợp, đúng quy định và được áp dụng ở tất cả các doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh, được thực hiện từ niên vụ cà phê 1995 đến nay. Không phải các doanh nghiệp cà phê thực hiện sai các quy định về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN.


Trương Văn Bá