Bệnh do vi rút Zika được thanh toán BHYT

06/04/2016 01:23 AM


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (giữa), công bố hai ca bệnh do vi rút Zika
đầu tiên tại Việt Nam

Phát hiện 02 ca mắc Zika tại Việt Nam

Cụ thể là một bệnh nhân nữ 64 tuổi trú tại Phước Hòa, Tp.Nha Trang (Khánh Hoà) khởi phát bệnh ngày 26/3 với triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân, đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, nên đã được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hoà. Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân dương tính với vi rút Zika.
Bệnh nhân thứ 2 là nữ 33 tuổi, trú tại phường Thạch Mỹ Lợi, quận 2, Tp.Hồ Chí Minh, khởi phát bệnh ngày 29/3 với các triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 do lo ngại bị bệnh rubella. Kết quả xét nghiệm đối chiếu chéo 4 lần giữa các Viện đều cho kết quả dương tính với vi rút Zika. Bệnh nhân này có chồng làm việc ở Malaixia - nước đã có ca bệnh do vi rút Zika, nhưng không có biểu hiện bệnh. Trước đó 1 tuần, con gái bệnh nhân được xác định mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh nhân này đang mang thai 8 tuần.

Theo PGS.Trần Đắc Phu, cả hai bệnh nhân này đều đã được điều trị khoẻ mạnh. Tuy nhiên, do bệnh nhân đang mang thai nên sẽ tiếp tục được giám sát để xem vi rút Zika có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hay không. PGS.Trần Đắc Phu cũng khẳng định kết quả giám sát người nhà và các hộ gia đình xung quanh của hai bệnh nhân này chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm vi rút Zika.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, người dân không nên quá hoang mang vì không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm vi rút Zika cũng bị ảnh hưởng. Ngay tại Brazil, trong số hơn 6.000 ca mắc bệnh đầu nhỏ cũng chỉ xác định hơn 900 ca có liên quan đến vi rút Zika. Đồng thời, chỉ thai phụ dưới 12 tuần tuổi (thời gian thai nhi phát triển ống thần kinh) thì thai nhi mới bị ảnh hưởng.

PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng chia sẻ, hội chứng não bé (đầu nhỏ) từ trước đến nay ở Việt Nam khá ít ca. Trong đó có khoảng 20% không tìm được nguyên nhân. Còn 80% ca mắc còn lại có 3 nguyên nhân phổ biến như: nhiễm trùng (nhiễm ký sinh trong, mắc rubella từ mẹ hoặc hiện nay là có thêm do vi rút Zika); đột biến nhiễm sắc thể; và nhiễm độ do chiếu xạ, hoá chất. “Để xem thai nhi có bị chứng đầu nhỏ hay không chỉ cần siêu âm, đo vòng đầu, đây là những kỹ thuật không khó” - PGS.TS Trần Danh Cường cho biết.

Phụ nữ mang thai nên thận trọng


Một ca mắc bệnh đầu nhỏ nghi do virus Zika tại Brazil. (Ảnh: Nguồn Internet)

Về xét nghiệm và điều trị bệnh do vi rút Zika, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết, bệnh do vi rút Zika là dịch bệnh thông thường nên chỉ bệnh nhân có thẻ BHYT và được chỉ định làm xét nghiệm tìm virus Zika thì mới được thanh toán BHYT theo quy định. Nếu bệnh nhân có BHYT mà mắc bệnh Zika cũng sẽ được bảo hiểm thanh toán. Còn các bệnh nhân không có BHYT, sẽ phải tự chi trả.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đối với dịch bệnh do vi rút Zika hiện nay, Bộ Y tế không khuyến cáo hạn chế du lịch, đi lại. Tuy nhiên, các phụ nữ mang thai nhất là mang thai dưới 12 tuần nên cân nhắc khi đi vào vùng dịch, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt như: mặc quần dài, áo dài tay, đi ngủ mắc màn, xoa kem chống muỗi. Hiện, Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố phát động chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) trong người dân.

Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản T.Ư để hướng dẫn cho cán bộ y tế cơ sở kỹ thuật siêu âm, đo vòng đầu đối với các thai phụ mắc Zika ở 3 tháng đầu mang thai, để sàng lọc. Hai tuần sẽ tiến hành đo vòng đầu của thai nhi một lần và đo với vòng đầu tiêu chuẩn trong sự phát triển của thai nhi. Nếu nghi ngờ thai nhi mắc chứng đầu nhỏ, thì chuyển lên tuyến trên để được chẩn đoán chính xác hơn.

“Hơn 80% người nhiễm vi rút này không có biểu hiện bệnh. Tỷ lệ người lành mang vi rút rất cao trong cộng đồng và khó phòng ngừa. Còn 20% có triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, phát ban, mệt mỏi, dễ bị chẩn đoán nhầm sang sốt xuất huyết hoặc sốt phát ban thông thường. Hiện chỉ có thể xét nghiệm máu để tìm ra bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc tử vong là rất thấp, hầu hết tự khỏi” – PGS.Trần Đắc Phu cho biết./.

Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam