Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên - Vai trò của ngành Giáo dục

03/11/2017 07:24 AM




Từ năm học 1994-1995, Liên Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Liên bộ số 14, sau đó được thay thế bằng Thông tư liên tịch số 40/1998/TTLT-BGD ĐT-BYT, đến ngày 7/8/2003 Liên Bộ Tài chính - Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 77/2003/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện thống nhất toàn quốc, trong đó có HSSV…cho đến khi Luật BHYT năm 2008 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 quy định HSSV là một trong những nhóm đối tượng thực hiện BHYT bắt buộc từ ngày 01/01/2010; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, quy định rõ BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó HSSV thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Theo đó Luật BHYT quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia BHYT của đối tượng HSSV do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực BHYT giai đoạn 2016-2020, cũng giao trách nhiệm cho ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV.

Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT có quy định: Cơ sở giáo dục thu tiền BHYT của HSSV nộp vào quỹ BHYT.

Đối với công tác y tế học đường, tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT quy định tỷ lệ % trích lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho  HSSV. Mức trích bằng 7% tổng thu quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục có tham gia BHYT, kể cả HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác.

Với tính nhân văn, nhân đạo không vì mục đích kinh doanh, bên cạnh việc đảm bảo những quyền lợi cho HSSV theo đúng quy định, một trong những ưu điểm nổi bật của BHYT HSSV là trích một phần kinh phí để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV ngay tại trường học. Quỹ BHYT HSSV xem như một nguồn tài chính quan trọng giúp nhà trường khôi phục, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế trường học, phục vụ giáo dục thể chất, hướng dẫn phòng chống các bệnh học đường, phòng chống các tệ nạn xã hội và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV… Trong những năm qua được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện BHYT HSSV trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện có hiệu quả, số HSSV tham gia năm sau cao hơn năm trước. Cùng với việc vận động HSSV tham gia BHYT, quyền lợi về BHYT ngày càng được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, hàng trăm lượt HSSV được khám, chữa bệnh tại tuyến Trung ương, nhiều trường hợp bị bệnh hiểm nghèo đã được phát hiện bệnh sớm, nhiều em đã được quỹ BHYT chi trả tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tăng dần qua các năm, tại tỉnh Đắk Lắk năm 2017 số tiền được trích gần 10 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc xây dựng, cũng cố và phát triển hệ thống y tế trường học phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV là việc làm cần thiết, trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn thu không đủ chi, thì sự đóng góp của toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế tại trường học là cần thiết và được xã hội đồng tình, ủng hộ. Ngay từ đầu năm học ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo các trường học triển khai thực hiện công tác BHYT cho HSSV. Ngày 08/9/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 4122/BGDĐT-GDTC về việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT HSSV, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tăng cường tuyên truyền giáo dục cho HSSV thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, đảm bảo năm học 2017 - 2018 và những năm tiếp theo có 100% HSSV tham gia BHYT; Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo đúng quy định. Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân các cấp về hỗ trợ mức đóng đối với HSSV từ ngân sách địa phương; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BHYT, xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm.

Để đạt được tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, các ngành, trong đó vai trò chủ đạo là ngành Giáo dục và Đào tạo, sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, HSSV.... tỷ lệ tham gia BHYT trong HSSV chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 21- NQ/TW của bộ chính trị./.




Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và thu nợ