Biên chế và sổ hưu

02/11/2018 08:28 AM



Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Khi đã vào biên chế là cứ yên tâm công việc của mình đã thật sự ổn đinh, và khi đủ tuổi đời,  đủ thời gian công tác thì đương nhiên sẽ nhận sổ hưu và sổ hưu như là ước mơ của phần đông người lao động không nằm trong biên chế.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi.

Sổ hưu không còn là đặc quyền của “người nhà nước”, chế độ hưu trí là một chính sách an sinh xã hội lớn, mọi người lao động đều có quyền tham gia và thụ hưởng. Để chế độ hưu trí nói riêng và chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) nói chung trở thành một chính sách phổ quát, mọi người dân đều có quyền thụ hưởng là một quá trình lâu dài, gặp không ít những khó khăn, thử thách. Qua đó đánh dấu từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong quá trình xây dựng, đổi mới.

Từ năm 1995, khi thực hiện Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, mọi người lao động có hưởng lương trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều bắt buộc đóng BHXH và có quyền thụ hưởng các chế độ BHXH. Đối tượng tham gia và hưởng BHXH đã được mở rộng một bước, không chỉ người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước mà cả những người làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...đều là đối tượng bắt buộc đóng BHXH. Sau hai mươi năm, từ năm 1995-2015 những người lao động không thuộc cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đã được nhận lương hưu.

Năm 2006, Luật BHXH được ban hành thay thế cho Điều lệ BHXH, đối tượng tham gia BHXH được mở rộng hơn, ngoài đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động có hưởng lương trong các cơ quan, doanh nghiệp...thì từ năm 2008, tất cả mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí, chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già. Theo đó, từ ngày 01/01/2018 người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, có thể nói đây là một bước tiến mới trong việc thực hiện công bằng trong đóng và hưởng các chế độ BHXH, phương thức đóng BHXH tự nguyện cũng linh hoạt  hơn, người lao động có thể đóng hàng tháng, hàng quý, sáu tháng một lần, hàng năm và đóng trước một lần cho 5 năm, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện khi hết tuổi lao động (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) mà đã có 10 năm tham gia BHXH trở lên thì được đóng BHXH một lần cho thời gian còn thiếu cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu ngay sau thời điểm đóng đủ cho cơ quan BHXH (đóng một lần cho những năm còn thiếu không quá 10 năm).

Khi tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện, người dân chắc chắn sẽ được hưởng chế độ hưu trí nếu đủ các điều kiện về thời gian tham gia và tuổi đời, và thời gian hưởng chế độ hưu trí là không hạn chế (quỹ BHXH được nhà nước bảo hộ), người hưởng lương hưu được hưởng trọn đời cho đến khi chết. Mức thời gian hưởng ít nhất cũng bằng 4 năm (48 tháng). Người hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế suốt đời, như vậy, khi về già dù nhiều bệnh tật nhưng rất yên tâm vì người hưởng lương hưu đã có thẻ bảo hiểm y tế.

Theo quy định của Luật BHXH hiện nay, vấn đề “biên chế và sổ hưu” đã không còn là duy nhất, có nghĩa là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên đều được quyền tham gia BHXH, điều đặc biệt chế độ hưu trí không phân biệt BHXH trong hay ngoài Nhà nước, họ là ai? Người dân hay cán bộ biên chế, chỉ cần đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian tham gia họ sẽ được hưởng lương hưu và đều được gọi chung một cụm từ duy nhất đó là “cán bộ hưu trí” họ được hưởng các quyền lợi như nhau, quan trọng hơn về mặt tinh thần, đó là họ có thể tự lo cho mình khi về già mà không phiền hà đến gia đình, xã hội... vì vậy, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội là phải vào cuộc một cách quyết liệt , đồng bộ trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, để mọi người dân biết và tích cực tham gia góp phần ổn định cuộc sống khi không còn sức lao động. /.


Trương Văn Bá