Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế - Thách thức trong triển khai để bảo đảm an sinh xã hội

10/01/2019 09:36 AM



Luật BHXH năm 2014 đã khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập về chính sách, chế độ BHXH thực thi trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng BHXH của người dân vì mục tiêu an sinh xã hội của mọi công dân theo Hiến định. Mục tiêu hướng tới là mở rộng độ bao phủ BHXH theo nhiều hướng tiếp cận nhằm gia tăng hơn nữa tỷ lệ số người tham gia BHXH theo các loại hình BHXH (trong đó chú trọng triển khai BHXH tự nguyện) một cách ổn định và bền vững. Luật BHXH cũng đã bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có chính sách hỗ trợ người dân tham gia loại hình BHXH tự nguyện. Giảm dần việc rời bỏ hệ thống BHXH của người đã tham gia bằng quy định hạn chế người được hưởng BHXH một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu, gia tăng tính tuân thủ việc tham gia BHXH của người lao động bằng nhiều biện pháp thông qua các quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện từ Trung ương tới địa phương và các cơ quan có liên quan về BHXH, các quy định thẩm quyền xử phạt cũng như gia tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về BHXH. Điều quan trọng để thu hút người dân mặn mà hơn với chính sách BHXH đó là bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người thụ hưởng trên cơ sở giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng BHXH giữa các đối tượng tham gia BHXH thuộc khu vực tư và khu vực nhà nước; giữa người lao động khu vực dân sự và lực lượng vũ trang theo hướng tiếp cận tiến dần tới sự công bằng về mức thụ hưởng cho mọi đối tượng tham gia BHXH theo một lộ trình phù hợp đáp ứng đầy đủ nguyên tắc mức hưởng BHXH trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH của người lao động. Thể hiện rõ các nguyên tắc bình đẳng giới trong các quy định của Luật BHXH. Theo đó, một số quy định được thể hiện theo hướng: Điều chỉnh để bảo đảm tốt hơn quyền thụ hưởng BHXH trong chế độ thai sản kể cả lao động nam và nữ; điều chỉnh cách tính mức hưởng lương hưu của lao động nữ theo hướng giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa nam và nữ khi có cùng điều kiện tham gia như nhau. Như vậy, Luật BHXH năm 2014 đã có những bước phát triển mới theo hướng tích cực và ngày càng hoàn thiện hơn so với các quy định trước đây và chính các điều đó vừa là cơ hội, vừa là những thách thức không nhỏ trong quá trình triển khai thực thi Luật BHXH trong thời gian tới. Về Luật BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện để chăm sóc sức khỏe cơ bản cho nhân dân. Luật BHYT là nhằm chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền của người bệnh và tạo nguồn lực quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tính đến hết năm 2018, cả nước có gần 87% dân số tham gia BHYT, tại Đắk Lắk có khoảng 86,8%, khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước về chính sách BHYT và tính ưu việt của BHYT. Mục tiêu của Đảng và nhà nước là tiến tới BHYT toàn dân, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm chính sách an sinh xã hội phù hợp xu thế chung của thế giới. Để tiến tới BHYT toàn dân và đạt mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển, Quốc hội nhiều lần sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, theo đó có nhiều nội dung đổi mới thể hiện rõ tính ưu việt của BHYT, đó là mở rộng đối tượng tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT; mở thông tuyến khám, chữa bệnh có BHYT; quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT; quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan… Như vậy, cùng với hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế, đầu tư nâng cao năng lực của ngành y tế, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có những bước tiến quan trọng, tạo cơ chế tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự công bằng trong việc thụ hưởng phúc lợi xã hội của mọi công dân, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng xã hội và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gần 16% số người dân còn lại chưa có BHYT đa số là người đồng bào dân tộc vừa thoát nghèo, mặc khác nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tư nhân chưa thật tự giác và chủ động, tính tuân thủ pháp luật chưa cao sẽ là một trong các thách thức lớn trước những quy định mới về tăng độ bao phủ và tính tuân thủ tham gia BHXH, BHYT khi thực thi các quy định này. Với mục tiêu và định hướng nhân văn bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, ngành BHXH phải chủ động vượt qua mọi thách thức, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, đưa Luật BHXH, Luật BHYT vào cuộc sống trên cơ sở tổ chức thực hiện một cách căn cơ và nghiêm túc chính là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Công tác tuyên truyền là quan trọng nhất, đó là tuyên truyền một cách sâu rộng những nội dung cơ bản nhất của Luật BHXH, Luật BHYT đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và trước hết tập trung nâng cao nhận thức của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quy định trong Luật. Nội dung tuyên truyền được xác định phải tương thích với đối tượng cần tác động, khắc phục tính hình thức và dàn trải. Xác định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, sự vào cuộc có hiệu quả của cơ quan thông tấn, báo chí... trong hoạt động tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHYT. Sự phối hợp chặt chẽ có nội dung, kế hoạch, có chương trình hành động thiết thực sẽ tác động tốt đối với người lao động trong nhận thức cũng như trong việc chủ động tham gia các loại hình BHXH theo luật định. Đổi mới các hình thức tuyên truyền, tránh hình thức. Lựa chọn hình thức nào có kết quả, theo đó, các cơ quan, tổ chức đánh giá lại hoạt động tuyên truyền này trong thời gian qua để có thể lựa chọn được các hình thức cần được tập trung hơn và mở rộng hơn trong thời gian tới.

Một số giải pháp nêu trên không ngoài mục đích khắc phục những thách thức đặt ra khi triển khai Luật BHXH, Luật BHYT trong thời gian tới. Giải quyết tốt các biện pháp nêu trên cũng sẽ mang lại những kết quả thiết thực cho việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT đến năm 2020, đó là: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Quản lý, sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.


Nguyễn Thị Xuân