Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Lợi đủ đường

23/09/2019 01:51 AM


Ông Điều Bá Được.

PV: Theo một thống kê công bố trước đây, có tới hơn 60% người nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi làm sau khi nghỉ. Vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất nam 62, nữ 60 và vẫn duy trì nghỉ trước tuổi với một số đối tượng, kỳ vọng tuổi nghỉ hưu bình quân sẽ tăng lên như thế nào, thưa ông?

Ông Điều Bá Được: Về số liệu những người nghỉ hưu mà vẫn tiếp tục làm việc, tôi cho rằng, phần lớn người nghỉ hưu ở Việt Nam nếu còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục làm việc. Chí ít, họ sẽ giúp cho con cháu hay công việc nội trợ của gia đình. Vì thế, điều đáng mừng, chúng ta vẫn tận dụng được nguồn nhân lực có kinh nghiệm để phát triển kinh tế đất nước.

Điều này cũng có logic với ý kiến đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng, có đến 17 năm những người sau 60 tuổi vẫn còn khỏe mạnh để tiếp tục làm việc. Cho nên, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam, lên 60 tuổi với nữ, trong đó cũng có quy định để có một số người nhận lương hưu sớm mà không quá 5 năm. Đồng thời, có quy định những người kéo dài tiếp tục thời gian làm việc không quá 65 tuổi, điều này sẽ làm tuổi nghỉ hưu bình quân tăng lên theo kỳ vọng của Ban soạn thảo. Tôi nghĩ đề xuất này có cơ sở.

Một trong những giải pháp bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho người lao động là vận động họ tham gia BHXH tự nguyện. Đối tượng đích của chính sách BHXH tự nguyện hiện nay là người lao động trong lứa tuổi nào? Hiện số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt con số bao nhiêu?

- Số người tham gia BHXH tự nguyện cả nước đã đạt gần 340.000 người. Theo quy định của chúng ta có nêu rõ, những người tham gia từ 15 tuổi trở lên có thu nhập là công dân Việt Nam không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện.

Theo mục tiêu của Nghị quyết 28, chúng ta hướng tới BHXH toàn dân, vì vậy chúng tôi thấy những người có thu nhập từ 15 tuổi trở lên nên tham gia BHXH. Chính sách của chúng ta hiện tại vẫn còn mở so với một số nước.Theo chúng tôi được biết, ở Hàn Quốc, những người có thu nhập từ 15 tuổi trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để bớt gánh nặng cho xã hội của họ. Còn ở Việt Nam hiện nay chúng tôi vẫn đang vận động những người có thu nhập từ 15 tuổi trở lên tham gia BHXH tự nguyện.

Có một thông tin được người tham gia chính sách BHXH tự nguyện quan tâm là “Tiết kiệm 5.000 đồng mỗi ngày, về già bạn sẽ có lương hưu”. Vậy nếu tham gia BHXH tự nguyện, mức thực đóng BHXH mỗi tháng sẽ là bao nhiêu, đóng bao nhiêu năm. Và mức lương hưu nhận được theo mức đóng trên là bao nhiêu tiền một tháng khi về già. Ngoài ra, chúng tôi sẽ được hưởng những chính sách nào khác không?

- Nhận định “Tiết kiệm 5.000 đồng mỗi ngày, về già bạn sẽ có lương hưu” là hoàn toàn chính xác, thậm chí tôi có thể phân tích được là chúng ta sẽ không sử dụng đến 5.000 đồng một ngày mà khi về già chúng ta vẫn có thể được nhận lương hưu.

Câu chuyện ở đây sẽ được thuận lợi hơn khi mà chúng ta sửa Luật BHXH như đề xuất của Bộ LĐTB&XH. Sau này, chúng ta sẽ giảm điều kiện về thời gian để được nhận lương hưu, thay vì 20 năm chúng ta sẽ giảm xuống 15 năm hoặc là 10 năm như là Nghị quyết T.Ư đã chỉ đạo.

Thứ nhất, về mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay, chúng ta đang thực hiện đóng theo mức thu nhập của người lao động lựa chọn, 22% của mức thu nhập của người lao động lựa chọn, tối thiểu bằng 700 nghìn đồng, bằng mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn hiện nay đang quy định và mức cao nhất là không quá 20 lần tiền lương cơ sở. Như vậy, nếu chúng ta đóng BHXH tự nguyện ở mức 5.000 đồng một ngày, tính ra, sẽ bằng gần mức cận nghèo tức là bằng thu nhập lựa chọn là 700 nghìn đồng để đóng. Khi chúng ta đóng mỗi tháng theo quy định là bằng 22% nhân với 700 nghìn đồng, tức là bằng 154 nghìn đồng. Trong 154 nghìn đồng này, Nhà nước hiện nay đang hỗ trợ cho những người tham gia BHXH tự nguyện tối thiểu là 10%, có nghĩa là những đối tượng này sẽ được hỗ trợ 15.400 đồng, và chỉ còn phải 138.600 đồng. Số tiền này chia cho 30 ngày thì sẽ chưa đến 5.000 đồng/ngày.

Thứ hai là được hỗ trợ cao hơn trong trường hợp những người tham gia là người thuộc hộ cận nghèo thì sẽ được hỗ trợ 25%, tức là tính ra sẽ được hỗ trợ 38.500 đồng chỉ còn phải đóng 115.500 đồng. Những người thuộc diện người nghèo được ở hỗ trợ cao hơn, ở mức 30%, bằng 46.200 đồng, chỉ phải đóng 107.800 đồng, chia cho 30 ngày, chỉ còn phải đóng hơn 3.000 đồng. Nếu người tham gia BHXH tự nguyện thực chất chỉ đóng không đến mức 5.000 đồng một ngày, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay phải đóng 20 năm tức là đóng 7.300 ngày, thì chúng ta sẽ được nhận lương hưu khi 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.

Về câu chuyện sẽ được hưởng mức lương hưu là bao nhiêu. Bây giờ không quan tâm đến chuyện trượt giá. Giả định số tiền đóng và sau 20 năm đóng, chúng ta được hưởng mức trên nền đóng là 700 nghìn đồng. Nếu là lao động nữ, và có 20 năm đóng BHXH, họ được hưởng tỷ lệ là 55% nhân với 700 nghìn đồng, thì sẽ được nhận 385 nghìn đồng/tháng. Với lao động nam, thời gian đóng 20 năm thì được hưởng 45% nhân 700 nghìn thì được 315 nghìn đồng.

Nội dung này, tôi nghĩ sau này, chúng ta sẽ tính toán như thế nào để cho tỷ lệ hưởng hướng tới mức bình đẳng. Tức là không có chuyện cùng đóng BHXH 20 năm, nhưng giới tính là nữ thì được 55% mà giới tính nam thì 45%. Đây là câu chuyện bài toán về sau. Hiện nay, vẫn đang thực hiện như thế này và quy định theo luật của chúng ta là, bình quân chúng ta vẫn điều chỉnh lương hưu hằng năm căn cứ trên chỉ số trượt giá (tức Chỉ số giá tiêu dùng) và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Hiện tại, chúng ta mới quan tâm đến một phần trong điều chỉnh lương hưu là hằng năm chúng ta vẫn điều chỉnh trên cơ sở Chỉ số giá tiêu dùng. Nếu chúng ta tính thêm điều chỉnh lương hưu này vào, người lao động sau 20 năm sẽ được hưởng mức lương phù hợp với mức đóng và bảo đảm giá trị, bởi vì chúng ta điều chỉnh mức để bảo đảm giá trị tiền đóng. Điều này khác với việc tham gia bảo hiểm thương mại. Không hề có thông tin là 12 sổ bảo hiểm trị giá một căn nhà, mà khi 20 năm sau, thì chỉ nhận được ba bát phở.

Nhưng riêng tiền đóng BHXH tự nguyện có một điều đặc biệt là được Nhà nước bảo hộ quỹ. Trong đó, quy định bảo hộ rất rõ ở chỗ là bảo toàn giá trị bằng cách tiền đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở Chỉ số giá tiêu dùng, có nghĩa là số tiền hôm nay chúng ta bỏ ra, thì chúng ta sẽ được nhận đúng giá trị đồng tiền đó được bảo toàn trên cơ sở chỉ số giá. Đấy là một cam kết của Nhà nước mà chúng tôi cho rằng đây là một lợi thế để bảo đảm cho người dân yên tâm mà tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài lương hưu, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng một chính sách thiết thực hiện nay là chính sách bảo hiểm y tế. Người dân được quỹ bảo hiểm xã hội đóng phần phí bảo hiểm y tế để người lao động khi về hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện chế độ theo Luật Khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, khi người hưởng lương hưu đóng BHXH tự nguyện qua đời, còn được hưởng chế độ mai táng và tử tuất./.
Nguồn: Theo daidoanket.vn