Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Thay đổi từ tư duy

12/03/2020 04:04 PM


Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được thực hiện kể từ năm 2008, đây là chính sách xã hội mới, rất nhân văn, thể hiện sự công bằng xã hội trong việc thụ hưởng các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

Chính sách nhân văn nhưng triển khai còn khó

Theo chính sách BHXH tự nguyện, người lao động đủ từ 15 tuổi trở lên (không giới hạn tối đa), có thu nhập đều có quyền đăng ký tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, trong trường hợp không tiếp tục tham gia để hưởng 02 chế độ trên thì người dân có thể hưởng chế độ BHXH một lần, kể từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện cũng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền để đóng BHXH tự nguyện.
Điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí khi người lao động đã hết tuổi lao động theo luật định và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Về phương thức tham gia cũng rất linh hoạt, người lao động có thể đóng BHXH tự nguyện theo hằng tháng, 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần, một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.Về mức đóng (tại thời điểm đóng) có thể chọn đóng từ 700.000 đồng/tháng đến 29.800.000 đồng/tháng,tương ứng với số tiền phải đóng hàng tháng (22%) là từ 154.000 đồng đến 6.556.000 đồng, chưa tính mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng nhóm đối tượng tham gia.
Mặc dù chính sách BHXH tự nguyện rất nhân văn, áp dụng rất linh hoạt nhưng trong thực tế triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, sau 10 năm thực hiện, đến nay cả nước chỉ mới có 574.088 người tham gia, tại Đắk Lắk số người tham gia BHXH tự nguyện cũng chỉ mới có 6.979 người, con số quá nhỏ so với lực lượng lao động trong độ tuổi đủ điều kiện tham gia. Những hạn chế, trở ngại trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ nhận thức của người lao động, những tập quán, thói quen, tâm lý... khiến người dân chưa thật sự quan tâm đến chế độ, chính sách cho chính mình.

Tư vấn BHXH tự nguyện cho người dân (Ảnh: Phạm Loan)

Thay đổi từ tư duy để phát triển BHXH tự nguyện

Đa số người dân thường có tâm lý ỷ lại, chủ quan, xem việc nuôi dưỡng ông, bà, cha, mẹ khi về già là bổn phận đương nhiên của con cháu. Tuy nhiên nếu một gia đình công nhân, làm công hưởng lương mà phải nuôi dưỡng thêm ông bà, cha mẹ thì đó là một gánh nặng mà không nhiều gia đình có thể vượt qua. Nhìn vào thực tế cuộc sống, việc chúng ta phải lo lắng, chăm sóc cho con cái, đầu tư ăn học, nên người, có việc làm ổn định, có gia đình hạnh phúc là bổn phận đương nhiên. Tuy nhiên song song với việc đầu tư cho con cái, chúng ta phải biết đầu tư một cách hợp lý cho chính bản thân, làm sao để chúng ta có thể tự chủ cuộc sống khi về già đó là cách lo tốt nhất cho con cháu về sau. Thiết nghĩ việc tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu sau này, có thu nhập khi không còn sức lao động, nghỉ ngơi an nhàn mà không lo đến chuyện cơm áo gạo tiền, không phụ thuộc vào con cháu, là cách đầu tư lâu dài cho con cháu.
Đối với nhiều người, tâm lý “nước đến chân mới nhảy” là khá phổ biến. Trong thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, chúng tôi gặp không ít trường hợp khi ốm đau phải nhập viện điều trị mới đi mua thẻ bảo hiểm y tế; khi hết tuổi lao động, không có thu nhập, nhìn mọi người nhận lương hưu mới cảm thấy ân hận tại sao lúc trẻ mình không tích góp, tham gia BHXH để hôm nay được nhận lương hưu như mọi người. Tham gia BHXH tự nguyện là một quá trình lâu dài, do vậy người lao động cần chủ động, lo sớm và thực hiện tham gia khi còn trong độ tuổi lao động để chủ động cho cuộc sống về sau.
Để đảm bảo chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống đòi hỏi cơ quan tham mưu thực hiện chính sách và những người trực tiếp thực hiện chính sách cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người lao động, thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ, thói quen để từ đó thay đổi hành động, mọi người dân đều hiểu biết và tự giác tham gia. Có như vậy mới đảm bảo được sự ổn định, phát triển lâu dài của chính sách, tiến tới BHXH cho mọi người lao động./.

Trương Văn Bá