Về quản lý người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng

24/04/2020 02:13 PM


Quản lý người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng là một khâu nghiệp vụ hết sức quan trọng trong công tác quản lý BHXH. Đây là khâu quyết định đến đời sống và lòng tin của người thụ hưởng các chế độ BHXH đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như cơ quan BHXH.

Thời gian qua, công tác quản lý chi trả BHXH, BHTN nói chung và quản lý người hưởng các chế độ BHXH nói riêng đã được BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố đặc biệt quan
tâm. Nhiều biện pháp quản lý cùng với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã giúp quản lý chặt chẽ quỹ BHXH, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị - xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác quản lý chi trả các chế độ BHXH, quản lý người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng cần tiếp tục được kiện toàn hơn nữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế không ngừng phát sinh từ thực tiễn:

Một là, mặc dù BHXH Việt Nam đã xây dựng phần mềm để quản lý và chi trả các chế độ BHXH hằng tháng từ rất sớm, đầu năm 1998 đã chính thức vận hành, đến nay đã được BHXH Việt Nam đầu tư nâng cấp để đáp ứng yêu cầu quản lý, cơ sở dữ liệu người hưởng các chế độ BHXH đã hình thành quản lý tập trung toàn quốc nhưng còn bất cập, khó khăn trong quản lý và chi trả BHXH. Cụ thể, chưa kiểm soát được việc chi trả trùng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; trường hợp nhận lương hưu tại 02 tỉnh vẫn còn xảy ra. Thông tin cá nhân người hưởng trên danh sách chi trả với hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ tại BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, thành phố chưa trùng khớp. Đối với hồ sơ di chuyển, phần mềm chưa có tính năng bắt buộc báo giảm nơi chuyển đi, phải báo tăng nơi chuyển đến, chưa kiểm soát chặt chẽ được việc di chuyển, còn có thể xảy ra việc lạm dụng (có thể lợi dụng sơ hở này để trục lợi, nếu phát hiện có vấn đề thì báo giảm bằng cách cho “chuyển đi”; khó có thể kiểm soát được).

Hai là, một số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng nhận lương hưu qua thẻ ATM nhưng không có đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết hoặc chưa cung cấp thông tin cá nhân cần thiết cho cơ quan chi trả BHXH. Cơ quan chi trả BHXH gặp khó khăn trong công tác quản lý người hưởng, đặc biệt người hưởng ở nước ngoài hay là người ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trong khi thời hạn ủy quyền là vô thời hạn. Ba là, tình trạng báo giảm chậm khi người hưởng bị chết còn xảy ra gây khó khăn trong công tác quản lý chi trả BHXH. Khi người hưởng chết nhưng thông tin cá nhân trên các giấy tờ như: chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng tử… không trùng khớp với thông tin cá nhân trên hồ sơ hưởng BHXH hằng tháng đang lưu trữ tại cơ quan BHXH; gây rất nhiều khó khăn trong quản lý chi trả cũng như khi giải quyết chế độ tử tuất. Đối với trường hợp giảm do báo tử, phần mềm chưa hỗ trợ kiểm soát, đối chiếu việc báo tử với việc giải quyết chế độ tử tuất để giúp cho công tác quản lý và giải quyết chế độ chặt chẽ, đúng quy định, ngăn ngừa việc lạm dụng; vẫn có trường hợp cố tình không báo tử để trục lợi, nếu phát hiện có vấn đề thì sửa chữa giấy chứng tử hoặc thay thế giấy chứng tử mới để chủ động báo giảm “chết” là xong.

Bốn là, tình trạng người có quyết định hưởng lương hưu nhưng không nhận lương hưu vẫn còn xảy ra. Cá biệt, có trường hợp 25 năm chưa nhận lương hưu; cùng với đó rất nhiều trường hợp chậm lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc chưa đến nhận khoản trợ cấp BHXH một lần sau điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm; khó quản lý và gây khó khăn trong công tác chi trả và quản lý người hưởng.

Nguyên nhân

Một là, các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, còn nghiêng về tạo sự thuận lợi đối với người hưởng các chế độ BHXH (chưa có quy định cụ thể về việc yêu cầu cung cấp thông tin của người hưởng BHXH với cơ quan chi trả BHXH). 

Hai là, cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH nói chung và người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng mặc dù đã hình thành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo tính duy nhất. Chưa có giải pháp đồng bộ đối với trường hợp thông tin cá nhân không trùng khớp với thông tin trên sổ BHXH hoặc hồ sơ hưởng các chế độ BHXH.

Ba là, phần mềm quản lý và chi trả BHXH tuy đã nâng cấp nhưng chưa có đầy đủ các tính năng hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu quản lý chi trả và quản lý người hưởng các chế độ BHXH.

Giải pháp khắc phục 

Một là, đối với các quy định của pháp luật về công tác chi trả và quản lý người hưởng, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để có quy định phù hợp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng và cơ quan quản lý chi trả BHXH.

Hai là, đề nghị BHXH Việt Nam rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình nghiệp vụ cũng như chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, các phòng/bộ phận thuộc BHXH tỉnh/huyện liên quan đến công tác quản lý chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH phù hợp với các quy định, quy trình nghiệp vụ có liên quan bảo đảm liên thông, đồng bộ. Đặc biệt cần có giải pháp xử lý phù hợp đối với người không nhận lương hưu hoặc tồn đọng, chậm lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH kéo dài. Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, đối chiếu Danh sách chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ tại cơ quan BHXH; nếu chưa khớp thì điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu người hưởng các chế độ BHXH tập trung toàn quốc. Quy trình điều chỉnh và quản lý dữ liệu theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Việc rà soát, đối chiếu này cần kết hợp với việc cấp mã số BHXH đối với người hưởng BHXH để bảo đảm tính duy nhất phục vụ yêu cầu quản lý chi trả và giải quyết chế độ tử tuất theo đúng quy định, đặc biệt đối với trường hợp thông tin cá nhân không trùng khớp trên các loại giấy tờ và hồ sơ hưởng BHXH. Lưu ý trong quá trình rà soát, đối chiếu, nếu phát hiện trường hợp không có hồ sơ lưu trữ tại cơ quan BHXH các cấp thì phải tổ chức kiểm tra ngay để có giải pháp xử lý kịp thời tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Ba là, đề nghị nâng cấp phần mềm quản lý và chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt các cảnh báo hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu quản lý khắc phục các bất cập đã nêu trên. 

Bốn là, đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền đến người hưởng các chế độ BHXH, BHTN nói chung người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng nói riêng, nắm được các quy định về quản lý chi trả, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện để cơ quan BHXH và cơ quan đại diện chi trả BHXH, BHTN hoàn thành nhiệm vụ.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Tập trung kiểm tra công tác báo tăng, giảm (lưu ý các trường hợp báo giảm: chết, chuyển đi) kịp thời phát hiện các trường hợp chủ động báo tăng, báo giảm trái với quy định để xử lý nghiêm khắc.

Sáu là, tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với hệ thống ngân hàng, hệ thống bưu điện trong công tác chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH trên địa bàn./.

Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương