Có lương hưu là vui lắm rồi!..

11/03/2021 10:50 PM


Bài cuối Chú trọng tăng sức hấp dẫn Từ những quy định mới mở rộng của chính sách và sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống BHXH, thời gian qua số người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức…

Tăng nhanh diện bao phủ

 

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, lực lượng lao động của Việt Nam có khoảng 55 triệu người, trong đó có khoảng 48,3 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, bước đầu đã có trên 1,128 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2019 và bằng cả 12 năm trước cộng lại. Số người tham gia BHXH tự nguyện cũng đã chiếm khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn gấp đôi so với chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra.

Dự kiến, đến năm 2021, BHXH Việt Nam phấn đấu vận động được trên 1,7 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp đến tận người dân, nhằm nâng cao nhận thức và khích lệ nhiều người tham gia vào chính sách này.

Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2030 của đất nước đã nêu rõ mục tiêu mở rộng số người tham gia BHXH: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hoà nguyên tắc đóng- hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Đổi mới cách tiếp cận, tăng cường phối hợp, lồng ghép, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hoá. Tiếp tục hiện đại hoá quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH… Đây chính là căn cứ để BHXH Việt Nam tiếp tục đề ra quyết tâm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển BHXH tự nguyện trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh- Phó Vụ trưởng Vụ HCSN (Bộ Tài chính) cho rằng, phát triển BHXH tự nguyện đạt được như trên là do Nhà nước đã ban hành các cơ chế hỗ trợ đối với người tham gia. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về chính sách này ngày càng được chú trọng, đổi mới cả về nội dung và hình thức, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, gần gũi, tiếp cận trực tiếp với người dân. BHXH Việt Nam cũng nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT và cải cách TTHC, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tham gia vào chính sách…

Tiếp tục tăng sự hấp dẫn của chính sách

Cũng theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, hiện nay, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa thực sự hấp dẫn để có thể thu hút được nhiều người tham gia và “giữ chân” người dân tham gia BHXH tự nguyện lâu dài. Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện được NSNN hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, mức hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo là 46.200 đồng/tháng, người thuộc hộ nghèo là 38.500 đồng/tháng, đối với các đối tượng còn lại là 15.400 đồng/tháng. Vì người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng BHXH, nhưng tỷ lệ hỗ trợ từ NSNN chỉ tính trên mức đóng thấp nhất mà người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn nên mức hỗ trợ này chưa đủ hấp dẫn. Do đó, việc phát triển người tham gia mới trong những năm qua còn hạn chế và số kinh phí hỗ trợ còn khiêm tốn. Năm 2019, tổng kinh phí NSNN đã thực hiện hỗ trợ là 102 tỷ đồng; năm 2020 tăng lên hơn 120 tỷ đồng. Trong khi đó, cả nước vẫn còn khoảng 25 triệu người chưa tham gia BHXH tự nguyện.

Do vậy, để khắc phục những hạn chế trên, bà Vân Anh cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần nhận diện rõ nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo quy định của Luật BHXH 2014, người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là NLĐ không có HĐLĐ, lao động mùa vụ hoặc các công việc nhất định nhưng không quá 3 tháng. Như vậy, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là nông dân và người làm trong lĩnh vực lâm- ngư- diêm nghiệp, NLĐ có việc làm không cố định, là những người có thu nhập thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, do chưa có quy định phải tham gia BHXH bắt buộc nên nhóm đối tượng là hộ kinh doanh cá thể với khoảng 5,3 triệu người hầu như chưa được tiếp cận với chính sách.

Theo quy định hiện hành, hàng tháng, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đóng 8% trên mức tiền lương tháng vào quỹ BHXH, BHYT và người SDLĐ đóng 17,5% trên mức tiền lương tháng vào quỹ BHXH, BHYT. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH bắt buộc và người tham gia BHXH tự nguyện tương đương nhau, song mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện để tính lương hưu là mức bình quân thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng, còn mức bình quân thu nhập để tính lương hưu người tham gia BHXH bắt buộc chỉ tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5-20 năm cuối trước khi nghỉ hưu tùy thời gian tham gia BHXH. Do đó, cần “nới lỏng” chính sách đóng BHXH để thu hút đối tượng tham gia.

Ngoài ra, bà Vân Anh cũng lưu ý, chính sách BHXH cần bổ sung một số chế độ ngắn hạn đối với BHXH tự nguyện. Trước hết, cần bổ sung chế độ ốm đau, thai sản, vì chế độ này tác động trực tiếp đến lợi ích trước mắt của người tham gia, nhất là người tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là người thuộc nhóm đối tượng khó khăn, có thu nhập thấp. Đồng thời, nghiên cứu giảm mức đóng BHXH đối với các hộ gia đình tham gia BHXH tự nguyện trong một khoảng thời gian nhất định (5-10 năm); khuyến khích họ tham gia nhằm đảm bảo cuộc sống khi về già.

Cùng với đó, nâng tỷ lệ hỗ trợ từ NSNN đối với người tham gia BHXH tự nguyện với mức thu hút người chưa tham gia vào hệ thống và giữ những người đã tham gia tiếp tục ở lại hệ thống. Tỷ lệ hỗ trợ cụ thể đối với nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cần xem xét trên cơ sở định hướng về điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, dự kiến số hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 cũng như khả năng của NSNN. Ngoài ra, cần nghiên cứu kết hợp giữa BHXH với BHYT để tạo thành một chế độ bảo hiểm toàn diện, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ trong ngắn hạn và đảm bảo cuộc sống cho họ sau khi về hưu.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội