BHXH tự nguyện: Chỗ dựa tuổi già

06/10/2021 10:05 PM


Cầm cuốn sổ BHXH tự nguyện trong tay, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường (khu Nghĩa Khê, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) không khỏi xúc động: “Từ nay tôi đã yên tâm hơn về tuổi già của mình rồi”.

Những món quà đặc biệt...

Ông Nguyễn Văn Cường là một trong 8 hội viên cựu chiến binh (CCB) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được trao tặng sổ BHXH tự nguyện nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/2021).

 

Được tuyên truyền, nhiều người dân đã hiểu rõ lợi ích của BHXH tự nguyện

Trước đó, thực hiện Công văn số 537/CCB ngày 4/6/2021 của Hội CCB tỉnh Phú Thọ về việc triển khai rà soát, lựa chọn đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện cho hội viên CCB thuộc hộ nghèo, Hội CCB các huyện, thị xã, thành phố đã lập danh sách đề nghị và được BHXH tỉnh Phú Thọ trao tặng sổ BHXH cho 8 hội viên CCB nghèo trên địa bàn tỉnh. Tại Đoan Hùng có 2 hội viên CCB được nhận món quà ý nghĩa này, đó là ông Nguyễn Văn Cường (khu Nghĩa Khê, xã Hợp Nhất) và ông Nguyễn Quốc Long (khu 2, xã Minh Phú).

Với ông Cường, việc được tặng sổ BHXH tự nguyện có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực giúp ông cũng như các CCB khác hiểu và cố gắng vượt khó tham gia tiếp, để sau này có lương hưu, ổn định cuộc sống. “Có cuốn sổ này sẽ giúp chúng tôi có thể tích luỹ, sau này về già có lương hưu, đặc biệt với những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội đang lao động tự do, không có việc làm ổn định”- ông Cường chia sẻ.

Cũng được trao tặng sổ BHXH tự nguyện từ Hội CCB tỉnh Phú Thọ, ông Hoàng Kim Duyên (sinh năm 1968, hội viên Hội CCB khu 7, xã Tứ Xã- huyện Lâm Thao) chia sẻ: “Tôi rất cảm động với món quà vô cùng ý nghĩa và thiết thực này”.

Chung niềm vui với ông Duyên, ông Nguyễn Thành Long- Chủ tịch Hội CCB huyện Lâm Thao cho biết, cuốn sổ BHXH tự nguyện là món quà, tình cảm gửi tới các hội viên, nhằm góp một phần nhỏ giúp đỡ thành viên của Hội có hoàn cảnh khó khăn bớt đi phần nào gánh nặng trong cuộc sống, nhất là khi về già, không còn đủ sức khoẻ để lao động.

Khác với trường hợp ông Cường và ông Duyên, vợ chồng ông Phạm Anh Minh (xã Tiên Du, huyện Phù Ninh) vừa được chính con trai mình mua tặng cuốn sổ BHXH tự nguyện, với mong muốn sau này bố mẹ có thể an tâm dưỡng già. Anh Phạm Anh Khắc, con trai ông Minh chia sẻ: “Tuổi trẻ có tiền trong tay lại dễ tiêu hết mà không tiết kiệm được, nếu để một lúc có ngay số tiền lớn giúp đỡ gia đình thì rất khó. Vì vậy, sau khi được cán bộ BHXH huyện đến tận nhà tư vấn, tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho bản thân và bố mẹ”.

Anh Khắc cũng bảo, bằng cách tặng sổ BHXH tự nguyện và thẻ BHYT hộ gia đình, anh vừa tiết kiệm được tiền, vừa lo cho mình và bố mẹ có chỗ dựa lúc về già. Trách nhiệm của con cái là phải chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, việc anh đóng BHXH tự nguyện cho bố mẹ cũng chính là để giảm nhẹ lo toan tài chính cho mình và gia đình sau này.

Giống như anh Khắc, chị Trần Thị Hồng (xã Tiên Du, huyện Phù Ninh) cũng chọn cách tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho bố mẹ, coi như một cách giúp bố mẹ yên tâm dưỡng già. Do chị gái đã đi lấy chồng xa nên chị Hồng lo sau này lập gia đình sẽ không thường xuyên chăm sóc bố mẹ được. “Bố mẹ tôi bây giờ vẫn còn khoẻ, vẫn làm việc tự lo cho mình được, nhưng sau này về già, con cái không cận kề. Thế nên, tôi chọn cho bố mẹ tham gia BHXH tự nguyện, tích luỹ cùng bố mẹ ngay từ bây giờ, để sau này về già có lương hưu. Như vậy, chị em tôi cũng yên tâm hơn”- chị Hồng chia sẻ.

Niềm tin vào chính sách

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, chính sách BHXH tự nguyện đã và đang đi vào cuộc sống, được nhiều người đón nhận. Nhiều người dân đã coi việc tham gia BHXH tự nguyện là sự lựa chọn đúng đắn “tích luỹ khi trẻ, an hưởng khi già”.

Tham gia BHXH tự nguyện khi đã ở độ tuổi ngũ tuần, cô Phạm Thị Luyến (sinh năm 1966, xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy) cho biết, cả đời cô chỉ biết đến đồng ruộng, những năm gần đây khi sức khỏe giảm sút, cô mới bắt đầu tính đến việc tích lũy để có thể tự chủ về kinh tế, không phải dựa vào con cái khi già yếu. Hằng năm cô Luyến đều tham gia BHYT đề phòng bị ốm đau bệnh tật. Trong một lần được nghe cán bộ BHXH huyện tuyên truyền, giải thích, cô đã nhanh chóng nắm bắt những lợi ích mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại, quyết định tham gia ngay.

Lặng ngắm cuốn sổ BHXH tự nguyện được cán bộ BHXH trao tận tay, cô Luyến xúc động bảo: “Tôi nghĩ dù bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện ở độ tuổi 55 có hơi muộn nhưng không có nghĩa là không thể. Vì vậy, tôi đã quyết định chọn phương thức đóng BHXH cho 5 năm về sau đến khi 60 tuổi, tôi đóng tiếp 5 năm, khi 65 tuổi tôi đủ điều kiện đóng cho 10 năm còn thiếu để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng của Đảng và Nhà nước. Vậy là yên tâm an hưởng tuổi già”.

Sau khi tham dự một buổi tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, bà Trần Thị Tin (45 tuổi, khu 5, xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng) đã quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, với mức đóng 138.600 đồng/tháng. Bà Tin cho biết, bà làm nghề nông, thu nhập không ổn định nên quyết định tham gia BHXH tự nguyện để khi về già có lương hưu sinh sống, không phụ thuộc vào con cháu. “Cái hay của BHXH tự nguyện là người tham gia có quyền lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện thu nhập; hằng tháng có nhân viên Bưu điện tới tận nhà thu nên rất thuận tiện cho người tham gia”- bà Tin tỏ vẻ am hiểu.

Còn ông Nguyễn Văn Điều (khu 3, xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng) tham gia đóng theo mức 424.600 đồng/tháng. Ông Điều bộc bạch: “Qua tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với cán bộ BHXH, tôi nắm rõ về những ưu đãi khi tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, ngoài gia đình, tôi sẽ tiếp tục vận động người thân cùng tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu giống như CBVC nhà nước”.

Có thể nói, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực hơn với người dân, NLĐ. Có cuốn sổ BHXH tự nguyện trong tay, người dân như đang cầm “bảo bối” cuộc đời, bởi sau này họ sẽ được hưởng lương hưu, được cấp thẻ BHYT miễn phí. Với nhiều người, giờ đây cuốn sổ BHXH tự nguyện chính là “của để dành” thiết thực nhất.

Tạp chí BHXH