BHXH tự nguyện: Thu hút người dân bằng cách nào?

02/01/2022 02:48 PM


Năm 2021, số người nhận BHXH một lần tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, chính sách BHXH cần sửa đổi phù hợp, nhằm tạo sức hấp dẫn thu hút NLĐ ở lại hệ thống BHXH.

Hệ lụy khó lường…

Không khó nhìn ra bức tranh NLĐ “gặt lúa non” đang diễn ra ở nhiều địa phương. Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay có trên 95.000 NLĐ đăng ký nhận BHXH một lần. Trong khi đó, tại Bình Dương, chỉ trong tháng 10 có 6.421 hồ sơ, đến tháng 11 có 6.988 hồ sơ đăng ký nhận BHXH một lần…

 

Việc tuyên truyền về BHXH tự nguyện phải cụ thể, thiết thực

Theo ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc nhiều NLĐ nhận BHXH một lần là thách thức đối với an sinh xã hội trong những năm tới, khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa. “Điều này sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về sau, không chỉ cho chính bản thân họ, mà còn cho lưới an sinh xã hội mà Nhà nước đang thực hiện”- ông Huân nhấn mạnh. Vì vậy, NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận BHXH một lần, để sau này không lo phụ thuộc vào con cháu…

Theo chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), để bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ trong dài hạn, các quốc gia trên thế giới không cho phép người tham gia BHXH được rút BHXH một lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, Nghị quyết 93/2015/QH13 lại cho phép NLĐ chưa hết tuổi lao động (sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH) được nhận BHXH một lần khi có yêu cầu- điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy cho mục tiêu an sinh mà Việt Nam hướng tới.

Nên giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật BHXH 2014 quy định điều kiện tối thiểu 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng là quá dài, chưa khuyến khích NLĐ tham gia khi tuổi đời đã cao, không phù hợp với quan điểm tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động tham gia BHXH. Trong khi đó, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhiều NLĐ chỉ quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, từ đó không tiếp tục tham gia BHXH.

Chính vì vậy, trong Tờ trình Chính phủ mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và hưởng quyền lợi BHXH. Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây là giải pháp nhằm khắc phục những bất cập của chính sách và góp phần hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Chia sẻ việc này, bà Nguyễn Thị Thủy- Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tuổi nghỉ việc và tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động trực tiếp sản xuất ở Việt Nam đang cách xa nhau (20-25 năm). Bên cạnh đó, nhiều NLĐ ngành dệt may ngoài 40 tuổi sẽ tự nghỉ việc, trong đó phần lớn là nữ và họ sẽ trở về quê chăm sóc gia đình, con cái hoặc do sức khỏe kém. “Một nữ công nhân đi làm năm 18 tuổi và nghỉ việc lúc 40 tuổi, đã có 22 năm tham gia BHXH bắt buộc. Họ không thể chờ sau 15 năm để đủ tuổi hưởng lương hưu, nên nhiều người mới quyết định “gặt lúa non”. Thêm vào đó là tâm lý e ngại, chưa thực sự tin tưởng vào chính sách nên dẫn đến quyết định không chờ nhận lương hưu”- bà Thủy phân tích.

Theo các chuyên gia an sinh, mỗi NLĐ đều có những lý do riêng về việc nhận BHXH một lần, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 khiến họ gặp khó khăn về tài chính. Do đó, để hạn chế tình trạng này, việc thiết kế lại chính sách theo hướng giảm số năm đóng BHXH là rất cần thiết, giúp NLĐ trong một số lĩnh vực dễ có nguy cơ bị mất việc làm khi ngoài 45 tuổi yên tâm tham gia để được hưởng lương hưu.

Tạp chí BHXH