Cải cách chính sách BHXH: Góp phần hạn chế mất cân bằng giới tính

22/05/2022 01:59 PM


Trong các nỗ lực xóa bỏ mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam cần tập trung xử lý tâm lý chuộng con trai. Trong đó, việc hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH có vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề này.

Theo nghiên cứu chuyên đề về giới vừa được Chương trình Đối tác chiến lược Australia và nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, đầu những năm 2000, xuất hiện thêm một hình thức phân biệt giới ở Việt Nam, đó là lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Hành vi này bắt nguồn từ văn hóa chuộng con trai ăn sâu bén rễ từ xưa và nguyện vọng có ít nhất một con trai, rất phổ biến tại một số địa phương ở Việt Nam hàng nghìn năm qua…

Phân tích cơ cấu dân số cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trong các năm 2018-2019, ở mức cao thứ hai trên thế giới. Xu hướng được dự báo là Việt Nam sẽ có khoảng 1,75 triệu đàn ông “dôi dư” vào giữa những năm 2050. Do đó, Việt Nam cần phải có các chính sách thích ứng để xử lý những vấn đề phát sinh về “mất cân bằng nam nữ ở độ tuổi kết hôn” và những hệ quả liên quan đến buôn người, mại dâm, bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục và các hành vi liều lĩnh tăng lên.

Theo nhóm nghiên cứu, trong 20 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh qua việc ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật. Cam kết chính trị của Chính phủ Việt Nam về chống lựa chọn giới tính được coi là hình mẫu cho các nước khác. Tuy nhiên, có quá nhiều chính sách liên quan đến vấn đề này, dẫn đến sự chồng chéo trong thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai.

Do đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên chú trọng các thay đổi về chính sách dân số và an sinh xã hội. Theo nhóm nghiên cứu, Luật Dân số (đang soạn thảo) và Luật BHXH 2014 có vai trò quan trọng trong xử lý vấn đề này. Đáng chú ý, khi dân số Việt Nam già hóa, nhu cầu cấp thiết xử lý vấn đề bao phủ an sinh cho người cao tuổi sẽ ngày càng tăng. Cùng với đó, nhu cầu phải có con trai chăm lo tuổi già cũng dự kiến tăng lên, nếu phạm vi bao phủ BHXH không được mở rộng thực chất cho nhóm người cao tuổi. Do đó, mục tiêu đặt ra cần hướng tới an sinh xã hội toàn dân. Các quốc gia như Việt Nam có thể chủ động giảm mất cân bằng giới tính khi sinh nếu tăng chi cho lương hưu. Hiện nay, so với nhiều quốc gia, Việt Nam đầu tư thấp nhất cho an sinh xã hội tính theo tỷ lệ phần trăm GDP (4,3% ở Việt Nam, so với 7,2% ở Trung Quốc, 6,3% ở Hàn Quốc, 7,1% ở Gruzia…). Việt Nam cũng không tránh khỏi nhu cầu phải tăng chi an sinh để đối phó với dân số đang già hóa nhanh, vì cần thêm nguồn lực tài chính để chi lương hưu và chăm sóc người cao tuổi...

Căn cứ vào các bằng chứng có được và so sánh giữa các quốc gia, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 4 nội dung cải cách chính sách BHXH để phòng chống tâm lý chuộng con trai ở Việt Nam. Đó là, mở rộng phạm vi bao phủ BHXH cho nhóm người cao tuổi; tăng chi cho an sinh; mở rộng BHXH cho khu vực phi chính thức; thu hẹp khoảng cách giới trong độ tuổi nghỉ hưu và từng bước nâng tuổi nghỉ hưu chính thức lên 62 cho cả 2 giới.

“Hiện nay, độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam khá thấp so với khu vực và toàn cầu. Nhiều quốc gia trong khu vực đang trong quá trình nâng tuổi nghỉ hưu. Xét đến dân số đang già hóa nhanh và tuổi thọ khỏe mạnh tăng ở Việt Nam, hệ thống BHXH nên khuyến khích người dân đóng góp cho nền kinh tế bằng cách làm việc sau độ tuổi 60, thay vì nghỉ hưu sớm. Hơn nữa, cần hài hòa độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ”- nhóm nghiên cứu khuyến nghị thêm.

Tạp chí BHXH