Cần tháo gỡ khó khăn về BHYT cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 861/QĐ-TTg

25/10/2022 03:09 PM


Ghi nhận kết quả kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2022 cao hơn kỳ vọng, song ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, công tác an sinh xã hội cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT để người dân được hưởng phúc lợi tốt hơn.

Theo ĐB Trần Thị Hiền, trong 9 tháng năm 2022, việc chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm so với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cụ thể: Khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%. Trong khi đó, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,54 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản (giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,9 triệu người (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước); khu vực dịch vụ 19,7 triệu người (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước). Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu là gần 4,5 triệu người (trong đó, 52,2% trong độ tuổi lao động), gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 63,1%) và hầu hết không có trình độ tay nghề.

Bên cạnh đó, BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, song việc phát triển đối tượng tham gia khá khó khăn. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH không có nhiều cải thiện, dù tỷ lệ phần trăm thấp nhưng số tuyệt đối khá lớn. Cụ thể: Năm 2018 là 7.308 tỷ đồng, năm 2019 là 7.480 tỷ đồng, năm 2020 là 9.221 tỷ đồng, năm 2021 là 10.233 tỷ đồng và chủ yếu nợ của nhóm DN ngoài quốc doanh. Mặt khác, tỷ lệ tham gia BHYT cũng rất khó đạt chỉ tiêu. Hết tháng 9/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ đạt 87,42% dân số và để thực hiện đạt mục tiêu 92% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu của Quốc hội, thì từ nay đến cuối năm 2022, cần phấn đấu tăng khoảng gần 5 triệu người.

Cũng theo ĐB Trần Thị Hiền, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo vẫn tập trung tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, cả 3 Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG về giảm nghèo đều đang thực hiện rất chậm và tỷ lệ giải ngân rất thấp. Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG để các địa phương triển khai. Và, Quốc hội nên đồng ý cho kéo dài thời gian thực hiện vốn đã phân bổ của 3 Chương trình này năm 2022, giúp cho các địa phương có đủ thời gian để hấp thụ, giải ngân vốn và thực hiện Chương trình.

Cùng với đó, Chính phủ cần có giải pháp quan tâm đến lực lượng lao động phi chính thức, bởi nhóm này ít được sự bảo vệ của các chính sách an sinh xã hội và các địa phương đến nay cũng ít thống kê được cụ thể. “Đồng thời, tháo gỡ khó khăn do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg thông qua việc kéo dài một số chính sách hỗ trợ, cụ thể là về chính sách BHYT, để nhóm đồng bào DTTS bớt khó khăn…”- ĐB Hiền đề nghị.

Tạp chí BHXH