Tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình – chi phí nhỏ, lợi ích lớn

28/03/2023 01:40 PM


Những năm gần đây, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức, tích cực tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Sự tham gia này là cách tốt nhất để chăm sóc sức khỏe cho bản thân mỗi thành viên; đặc biệt, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

BHYT hộ gia đình không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Thời gian qua, chính sách BHYT ngày càng được phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng và bảo đảm tốt nhất quyền lợi BHYT của người tham gia. Theo đó, người tham gia được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng.

BHXH tỉnh ra quân tuyên truyền các chính sách BHXH và BHYT.

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: người dân được tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, trừ đối tượng đã được cấp thẻ BHYT ở các nhóm đối tượng khác và người đã khai báo tạm vắng. Gia đình càng nhiều người tham gia, mức đóng BHYT càng thấp. Theo đó, người thứ nhất mỗi tháng đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở là 67.050 đồng/tháng (804.600 đồng/năm), người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, tương ứng 46.935 đồng/tháng (563.220 đồng/năm), 40.230 đồng/tháng (482.760 đồng/năm), 33.525 đồng/tháng (402.300 đồng/năm), từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất, là 26.820 đồng/tháng (321.840 đồng/năm). Ngoài ra, người tham gia BHYT được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần thông qua các tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT hoặc cơ quan BHXH.

Cùng với đó, thời gian qua ngành y tế cũng đã từng bước nâng cao năng lực khám chữa bệnh ở tuyến xã, đưa dịch vụ y tế đến gần dân. Đối với tuyến huyện, tỉnh thì ngành y tế đang nỗ lực phát triển các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh tại các tuyến.

Với những lợi ích thiết thực này, nhiều gia đình đã lựa chọn đóng BHYT theo hộ gia đình. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Phúc Khoản (xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã tham gia BHYT cho 6 thành viên trong nhà với tổng số tiền phải đóng một năm gần 2,9 triệu đồng. Ông Khoản cho hay, gia đình làm nông, dù phải bỏ ra một số tiền khá lớn để tham gia BHYT cho cả gia đình nhưng ông thấy rất thiết thực. Với số tiền này, nếu may mắn trong năm cả nhà không ai ốm đau, bệnh tật thì đó là một việc đáng mừng; còn không may ốm đau, nằm viện thì sẽ được BHYT chi trả, gia đình cũng đỡ lo lắng chi phí điều trị.

Cán bộ BHXH tỉnh thăm hỏi, động viên bệnh nhân BHYT điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Có thể nói, trong xu hướng giá viện phí ngày một tăng như hiện nay, mỗi cá nhân, hộ gia đình hơn lúc nào hết cần kịp thời tham gia BHYT nói chung, BHYT hộ gia đình nói riêng để hạn chế gánh nặng về tài chính khi rủi ro ốm đau, bệnh tật. Bởi với nhiều người, nhất là người nghèo, chi phí cho việc điều trị bệnh luôn là nỗi lo mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Bà Nguyễn Thị Hồng Lan (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) chia sẻ, bản thân mang nhiều căn bệnh, hằng tháng phải xuống TP. Hồ Chí Minh điều trị. Mỗi lần như thế, tiền ăn uống, đi lại cũng tiêu tốn một khoản không nhỏ; may mắn bà đã tham gia BHYT nên một phần chi phí khám bệnh và thuốc men đã được BHYT hỗ trợ chi trả, giảm được áp lực, gánh nặng kinh tế cho gia đình rất nhiều.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, năm 2022 số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.659.657 người, tăng 115.075 người so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 92,27% dân số. Cũng trong năm 2022 có khoảng 2.423.000 lượt người khám chữa bệnh BHYT với chi phí khoảng 1.234 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, tham gia BHYT theo hộ gia đình nhằm từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau, mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. Tham gia BHYT hộ gia đình được coi là hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành - để dành khi ốm" nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho người đóng và cả khi bản thân hoặc thành viên trong gia đình bị ốm đau, bệnh tật.

Năm 2022, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 39 cơ sở y tế, tăng 3 cơ sở so với năm 2021 (bao gồm 26 cơ sở y tế công lập và 13 cơ sở y tế ngoài công lập); trong đó có 8 cơ sở tuyến tỉnh, 31 cơ sở thuộc tuyến huyện (186 trạm y tế xã, phường, thị trấn).

 

Báo Đắk Lắk