Đề xuất nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHYT

07/03/2024 09:50 PM


Cơ bản nhất trí với các chính sách được đề xuất sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, song BHXH Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm lý do lựa chọn xây dựng các chính sách sửa đổi. Đồng thời, cần mở rộng đối tượng tham gia nhằm tăng độ phủ BHYT; cũng như nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý trường hợp không tham gia BHYT bắt buộc…

Tại Phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, do Bộ Tư pháp vừa tổ chức, đại diện Bộ Y tế cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã đi vào cuộc sống và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHYT ngày càng được tăng cường; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật BHYT được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Dự án Luật BHYT dự kiến có 5 nhóm chính sách: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT; điều chỉnh phạm vi quyền lợi hưởng BHYT phù hợp với mức đóng; điều chỉnh các quy định có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật KCB; nâng cao hiệu quả quản lý trong giám định và thực hiện hợp đồng KCB BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Đến ngày 31/12/2023, cả nước đã có 93,628 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu KCB. Công tác tổ chức KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật.

Bên cạnh đó, phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT cũng được đảm bảo. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao; việc ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, quản lý BV và giám định BHYT được thực hiện hiệu quả. Chính sách BHYT bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT; đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh như: Một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi KCB chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT; các quy định về đăng ký KCB ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến chưa tạo điều kiện cho người dân; thiếu các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý BHYT…

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hiện hành là cần thiết, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Đồng thời, đảm bảo thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Cơ bản nhất trí với các chính sách được đề xuất, BHXH Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm lý do lựa chọn xây dựng các chính sách trên; những chính sách này hướng tới việc giải quyết, khắc phục những vấn đề vướng mắc, bất cập nào trong thực tiễn thi hành Luật BHYT thời gian vừa qua.

Đối với chính sách 1, cần mở rộng đối tượng tham gia nhằm tăng “độ phủ” của BHYT; quy định thời gian tối thiếu người nước ngoài phải sinh sống tại Việt Nam để được tự đóng BHYT; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý các trường hợp không tham gia BHYT bắt buộc.

Đối với chính sách 2, theo BHXH Việt Nam, chính sách này đã từng bước cải thiện, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động để đảm bảo cân đối với khả năng chi trả của quỹ BHYT và khả năng hỗ trợ đóng từ NSNN, khả năng đóng của người SDLĐ và người tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá toàn diện tác động của chính sách “thông tuyến” (bao gồm cả định tính và định lượng, tác động tích cực và tiêu cực) đến các cơ sở y tế của từng cấp, đến người tham gia BHYT, đến quỹ BHYT, từ đó có phương án đề xuất phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo thực chất về chất lượng KCB BHYT; nghiên cứu thêm các phương thức thanh toán BHYT phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội.

Tại Phiên họp, ông Trần Tiến Dũng- Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có chuyên môn cao của các thành viên Hội đồng thẩm định. Theo ông Dũng, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên; đồng thời nghiên cứu, bám sát và thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Đồng thời, cần đánh giá kỹ các điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất,... để đảm bảo tính khả thi của Luật; rà soát các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; nghiên cứu thêm nội dung phân cấp, phân quyền và cải cách TTHC...