Lên huyện nghèo M’Đrắk nghe chuyện vận động BHXH tự nguyện
19/08/2020 07:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
M’Đrắk – huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk và có lẽ cũng là một trong số những huyện nghèo nhất cả nước. Vậy mà nơi đây đang có một mô hình vận động BHXH tự nguyện hiệu quả và được BHXH tỉnh Đắk Lắk nhân rộng ra các địa bàn khác trong toàn tỉnh.
Từ những lần vượt đèo, vượt rừng chi trả lương hưu
Tháng 8/1995, đang là Phó Trưởng Phòng tổ chức Lao động – Thương binh và Xã hội của huyện M’Đrắk, anh Nguyễn Hồng Tuyên đứng trước một bước ngoặt lớn của sự nghiệp: chuyển công tác sang BHXH huyện M’Đrắk – một đơn vị mới được thành lập với khó khăn bộn bề. Cũng không sao cả, nhà vốn đông anh em, bố mẹ nghèo khó nên người đàn ông quê gốc Nam Định này đã quá quen với cuộc sống bươn chải, khó khăn ngay từ khi tốt nghiệp cấp 3, một mình lặn lội vào Tây Nguyên lập nghiệp theo phong trào làm kinh tế mới những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Cuộc đời anh gắn bó với M’Đrắk từ năm đó, nay tiếp tục gắn bó với mảnh đất nghèo xứ cao nguyên đất đỏ.
Anh nhớ lại, những năm đầu, BHXH huyện chỉ có 03 người, trụ sở nghèo nàn, tạm bợ ấy vậy mà vẫn trụ được qua những mùa mưa dai dẳng ở Tây Nguyên. Một Phó Giám đốc, một kế toán, một cán bộ thu – những chức danh quan trọng nhất được bố trí đủ biên chế nhưng nói vậy thôi chứ tất cả mọi nghiệp vụ đều phải thay nhau làm, không nề hà lãnh đạo hay nhân viên.
Kỷ niệm thấm thía nhất là những lần chi trả trực tiếp, từng người với chiếc xe đạp cà tàng đến từng buôn làng. 30 – 40 km đường đất, leo qua những con dốc thôi đã đủ mệt, chưa kể còn những lần mưa rừng dai dẳng, con đường đặc quánh bùn… Những lần mưa to quá, không thể đi nổi, trú mưa nhưng chỉ lo che bọc tiền chứ người thì chẳng mấy quan tâm. Sợ nhất là dọc đường có thể bị cướp; vì con đường vắng vẻ mấy chục km không một ngôi nhà, không một bóng người. Ai đã từng sống ở Tây Nguyên những năm này hẳn thấm thía sự heo hút, vắng vẻ đến nao lòng. Ấy vậy mà cũng qua, 25 năm qua, ngay cả những ngày đầu gian khó ấy, từng đồng lương hưu vẫn được chi trả đến tận tay người lao động an toàn, chưa một lời kêu ca, phàn nàn hay thắc mắc của người dân.
40 năm gắn bó với M’Đrắk, 25 năm gắn bó với Ngành BHXH, suốt những ngày tháng vượt đèo, vượt dốc đi chi trả lương hưu trực tiếp, anh Nguyễn Hồng Tuyên thấm thía cảnh nghèo khó của người dân nơi đây và càng hiểu giá trị những đồng lương hưu mà anh và các đồng nghiệp đưa tận tay người lao động.
Có lương hưu để xóa nghèo bền vững
Những năm gần đây, được sự đầu tư của Nhà nước, diện mạo của M’Đrắk đã khang trang hơn; điện, đường, trường, trạm đã đầy đủ nhưng đời sống người dân thì vẫn còn nhiều khó khăn, cơ bản vẫn thuộc diện huyện nghèo nhất của Đắk Lắk và cả nước. 11/13 xã của huyện thuộc diện vùng III – kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người không biết chữ, không biết tiếng Kinh; địa hình bạt ngàn đồi núi, chỉ có một vài nông trường cà phê hoạt động không mấy hiệu quả từ nhiều năm nay, một vài doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, thiếu ổn định… Tỷ lệ hộ nghèo cao; nhiều gia đình chỉ lo bữa cơm ăn, quần áo mặc hàng ngày còn chưa đủ. Bấy nhiêu năm qua, BHXH huyện vận động được 20% người thuộc hộ gia đình tham gia BHYT, đưa tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 100% đã là một sự cố gắng lớn.
Nhưng càng nghèo thì càng cần BHXH. Quá thấm thía từ những lần vượt rừng, vượt đèo, chi trả trực tiếp lương hưu đến người dân, Giám đốc BHXH huyện M’Đrắk hiểu rằng: với những người dân ở đây, khi về già, nếu không có lương hưu thì cuộc sống cơ cực sẽ đeo bám họ đến hết đời. Cứ nhìn vào đời sống của hơn 1.550 người trên địa bàn đang có lương hưu sẽ thấy sự ổn định đáng kể, là sự khác biệt rất lớn với nhóm còn lại.
Nhưng làm cách nào? BHXH huyện đang thu BHXH, BHYT của 135 đơn vị, trong đó chỉ có 35 doanh nghiệp với 425 lao động. Từ năm 2008 đến năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện M’Đrắk đạt rất thấp, năm 2016 chỉ có 93 người tham gia, năm 2017 có 106 người; năm 2018 có 166 người tham gia. Những con số quá khiêm tốn với dân số khoảng 76.000 người của M’Đrắk.
Cứ theo đà tăng như thế này, thật khó để hoàn thành chỉ tiêu năm 2019, với con số được giao rất cao; phải đạt 325 người tham gia, tăng trên 200%. Giám đốc BHXH huyện M’Đrắk Nguyễn Hồng Tuyên chia sẻ cảm giác khi nhìn vào con số này ở thời điểm đầu năm 2019: bấy nhiêu năm công tác, chưa có khi nào tôi có cảm giác phải đối mặt với nhiệm vụ khó như thế này.
Trăn trở và trăn trở… anh Tuyên kiên trì mày mò tìm giải pháp, vận dụng bấy nhiêu năm kinh nghiệm, thâm niên gắn bó với huyện nghèo M’Đrắk.
Anh chia sẻ, với thực trạng tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, muốn thu hút tham gia BHXH tự nguyện, buộc phải tăng mức hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như hiện tại còn thấp. Nghiên cứu thật kỹ tình hình kinh tế, xã hội ở từng địa bàn, cân nhắc lựa chọn, BHXH huyện đã phân công lãnh đạo, viên chức làm việc với một số đơn vị có khả năng thực hiện được để tiến hành vận động, hướng dẫn thực hiện hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện tại các đơn vị này. Vận động UBND cấp xã, rồi các doanh nghiệp trên địa bàn; giải thích rõ để họ hiểu lợi ích của BHXH tự nguyện rồi lựa nhóm đối tượng ưu tiên, lựa chọn mức để họ hỗ trợ tham gia.
Kết quả là trong năm 2019, đã có 02 UBND xã trích ngân sách của đơn vị hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho nhóm công an viên, thôn đội trưởng năm 2019. Trong đó, có UBND xã hỗ trợ 98.000đ/người/tháng, một xã hỗ trợ 50.000đ/người/tháng; 04 xã tiến hành hỗ trợ trong thời gian đầu năm 2020. Đặc biệt là 01 đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho 32 lao động trong thời gian ngừng sản xuất do việc làm có tính chất thời vụ; năm 2019 doanh nghiệp này cũng đã hỗ trợ 87,7 triệu đồng cho 32 lao động, tham gia BHXH tự nguyện trong 04 tháng; đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Với sự hỗ trợ về mặt tài chính cho người tham tham gia BHXH tự nguyện ở trên và kết hợp đồng bộ các giải pháp khác, BHXH huyện M’Đrắk đã tạo được sức lan tỏa đến mọi người dân trên địa bàn.
Đặc biệt, tại xã Ea Mđoan - xã đầu tiên triển khai hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho công an viên và thôn đội trưởng, số tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 30 người năm 2018 lên 120 người năm 2019, tỷ lệ tăng là 400%.
Tính đến nay số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện tăng từ 161 người tham gia lên 462 người, tăng 280% về số người, đạt 1,2% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện; vượt kế hoạch BHXH tỉnh giao.
Sức lan tỏa ngày càng xa khi một người có BHXH tự nguyện sẽ chia sẻ để có thêm người thứ hai rồi thứ ba… đây là cách chúng tôi đang làm, Giám đốc BHXH huyện M’Đrắk chia sẻ cùng với thông tin: đã có một vài địa phương đến nghiên cứu mô hình này để áp dụng. Thật ít ai ngờ đây là lại mô hình từ một huyện nghèo như M’Đrắk.
Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk Trương Văn Sáng đánh giá: Cách làm của BHXH huyện M’Đrắk là điển hình của sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho việc huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị đối với phát triển BHXH, BHYT, đúng theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT và Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương. Công tác tham mưu và nhất là dân vận, vận động cả phía cấp ủy chính quyền địa phương, đơn vị sử dụng lao động, người lao động… của cơ quan BHXH luôn đóng vai trò quan trọng. BHXH huyện nghèo M’Đrắk làm được thì các đơn vị khác cũng sẽ làm được. BHXH tỉnh sẽ chỉ đạo để mô hình này được nhân rộng hơn trong thời gian tới./.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc