Tham gia BHXH tự nguyện, người dân được lợi gì?
26/01/2021 04:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong suy nghĩ của nhiều người, chỉ có công nhân viên chức, lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước mới có điều kiện hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, với chính sách BHXH tự nguyện, tất cả các lao động tự do sẽ được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập và khi hết tuổi lao động sẽ được nhận lương hưu và các quyền lợi đi kèm.
Người dân tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện
Thời gian qua, chính sách BHXH không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo đó đối với BHXH tự nguyện đã mở rộng về đối tượng tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc); được lựa chọn đóng hàng tháng, hoặc đóng 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần, hoặc một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 05 năm) với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng, hoặc một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm) với mức cao hơn mức đóng hàng tháng so với quy định; hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn; được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất khi có đủ điều kiện theo quy định, lương hưu và trợ cấp BHXH không bị đánh thuế, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH, người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT để chăm sóc y tế khi về già; Chính phủ cũng quy định mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn…
Cùng với đó Nhà nước triển khai đồng bộ các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương theo hướng chia sẻ như xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang nhóm đối tượng khác; cải cách trong việc tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH và đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chinh thức.
Tại Đắk Lắk, năm 2019 mới chỉ có 6.949 người tham gia thì đến năm 2020 đã có 13.322 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 1,91 lần so với năm 2019, chiếm tỷ lệ 1,25% so với lực lượng lao động, đạt 101,4% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Số người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng lên điều này minh chứng chính sách BHXH tự nguyện ở nước ta ngày càng phát triển và dần đi vào cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, Đắk Lắk là một tỉnh mà nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ khá lớn trong dân số, thu nhập ở khu vực nông thôn thường thấp và không ổn định, nhận thức, hiểu biết về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế chưa đầy đủ, thiếu thông tin nên chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng khi về già. Bên cạnh đó, thời gian đóng bảo hiểm quá dài, tâm lý đóng hôm nay để 20 năm sau hưởng chưa phải là thói quen của người Việt Nam. Đó là chưa kể mức hưởng hiện nay chưa cao, chỉ có hưu trí và tử tuất, do vậy các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn, tạo ra sự hấp dẫn đối với người lao động khu vực phi chính thức để họ cảm thấy việc tham gia BHXH tự nguyện có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn đối với bản thân họ và gia đình./.
Lê Xuân Khánh
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc