25 năm hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH: Giai đoạn tạo tiền đề

03/01/2020 08:10 AM


BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở có đóng vào Quỹ BHXH. Ngày nay, BHXH được coi là “thước đo” quan trọng, phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Một nền kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân thấp kém, không thể có một hệ thống BHXH vững mạnh. Ngược lại, kinh tế càng phát triển, hệ thống BHXH càng đa dạng, các chế độ BHXH ngày càng mở rộng, các hình thức BHXH ngày càng phong phú. Sự phát triển, hoàn thiện chính sách BHXH ở nước ta trong suốt 25 năm qua chính là một minh chứng cho quy luật ấy.


Hiến pháp 1992 với những quy định "mở đường" cho quá trình đổi mới chính sách BHXH, BHYT
phù hợp với quá trình đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước.

Trước năm 1995, trong hệ thống chính sách pháp luật ở nước ta chưa có pháp luật về BHXH, chính sách BHXH thời kỳ này quy định ở văn bản dưới luật. Các chế độ BHXH ngắn hạn gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đảm nhận. Các chế độ BHXH dài hạn như hưu trí, mất sức lao động và tử tuất do Bộ Thương binh –Xã hội (nay là Bộ lao động - Thương binh và Xã hội) đảm nhiệm. Đặc điểm giai đoạn này là các cơ quan được giao vừa có trách nhiệm xây dựng ban hành chính sách; vừa tổ chức thực hiện. Chính sách BHXH gắn liền với nền kinh tế tập trung, bao cấp; công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước và người làm việc trong lực lượng vũ trang được tham gia BHXH, người lao động làm việc ở các thành phần kinh tế khác chưa có BHXH; diện bao phủ về BHXH hẹp, chưa có sự công bằng  giữa người lao động làm việc ở khu vực ngoài quốc doanh với người lao động trong biên chế Nhà nước, nguồn kinh phí chi trả BHXH do ngân sách nhà nước bao cấp; mô hình quản lý tổ chức thực hiện phân tán, kém hiệu quả, nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước không đảm bảo chi trả kịp thời, tình trạng nợ lương hưu diễn ra phổ biến.  

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo đường lối đổi mới của Đảng, đòi hỏi phải cải cách thể chế BHXH, cũng như hệ thống quản lý, tổ chức thực hiện BHXH phù hợp với yêu cầu thực tiễn.Tại Điều 56 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước ban hành chính sách, chế độ bảo hộ lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ BHXH đối với viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”. Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở tổng kết thí điểm thực hiện BHXH đối với người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, bước đột phá đầu tiên là Chính phủ ban hành Nghị định 43/CP ngày 22/06/1993 quy định tạm thời BHXH gồm 05 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; áp dụng đối với công nhân, viên chức Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, đoàn thể và người lao động làm việc hưởng tiền lương hoặc tiền công trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, còn quy định hình thức BHXH tự nguyện, những người không thuộc đối tượng BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện đây là loại hình BHXH mới nhằm mở rộng mạng lưới An sinh xã hội bảo vệ người lao động và người dân.

Ngày 23/06/1994, Quốc hội khóa IX, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995. Trong đó, Chương XII với 13 điều quy định về BHXH, trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành. Như vậy,  từ ngày 01/01/1995 trở đi, pháp luật về BHXH chính thức được ban hành. Theo đó, Nhà nước quy định về chính sách BHXH nhằm từng bước mở rộng và nâng cao việc bảo đảm vật chất, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và gia đình trong các trường hợp ốm đau, thai sản, hết tuổi lao động, chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, gặp rủi ro hoặc các khó khăn khác. Các loại hình BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện được áp dụng đối với từng loại đối tượng và từng loại doanh nghiệp để bảo đảm cho người lao động được hưởng các chế độ BHXH thích hợp. Loại hình BHXH bắt buộc được áp dụng đối với những doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên (không phân biệt doanh nghiệp trong nhà nước, ngoài nhà nước).

Người lao động làm việc ở những nơi sử dụng dưới 10 lao động, hoặc làm việc theo mùa vụ, hoặc làm các công việc có tính chất tạm thời khác thì các khoản BHXH được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả để người lao động tham gia BHXH theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm. Đặc điểm cơ bản của thời kỳ này là đối tượng tham gia BHXH được mở rộng, tạo sự bình đẵng giữa những người lao động ở các thành phần kinh tế khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, tăng nhanh độ bao phủ về An sinh xã hội, hình thành Quỹ BHXH độc lập với ngân sách nhà nước từ  đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của nhà nước, Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, được Nhà nước bảo hộ.

Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam được tổ chức theo hệ thống ngành dọc gồm 03 cấp từ Trung ương đến cấp huyện (ở Trung ương là BHXH Việt Nam; cấp tỉnh là BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp huyện là BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) để thống nhất thực hiện việc thu, chi, quản lý Quỹ BHXH và thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động, phấn đấu thực hiên mục tiêu BHXH đối với mọi người lao động, góp phần bảo đảm An sinh xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.

Đối tượng tham gia BHXH và chính sách BHXH được mở rộng dần, từ chỗ chỉ áp dụng đối với người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc sử dụng từ 10 lao động trở lên theo Điều lệ BHXH kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995. Đến năm 2003, theo quy định tại Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 đã áp dụng với tất cả người lao động có quan hệ lao động từ ba tháng trở lên, thuộc mọi thành phần kinh tế. Quy định này đã tạo ra sự bình đẳng giữa những người lao động trong các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phân phối lại lao động một cách linh hoạt theo yêu cầu của thị trường. Đối tượng tham gia BHXH đã tăng lên đáng kể từ khoảng 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 6,7 triệu người năm 2006. Trong đó, số lao động tham gia BHXH ở khu vực ngoài quốc doanh có xu hướng tăng. Số thu BHXH cũng tăng nhanh từ 788 tỷ đồng năm 1995, đến năm 2006 số thu BHXH đã đạt mức 18.761 tỷ đồng. Trong thời kỳ này, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 775 nghìn người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng (trong đó có gần 553 nghìn người hưởng chế độ hưu trí), gần 1,9 triệu lượt người hưởng chế độ BHXH một lần, khoảng 13,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, gần 1,9 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản và trên 4,3 triệu lượt người hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Kết dư Quỹ BHXH cũng tăng nhanh, với hơn 4.000 tỷ đồng (năm 1997); đến hết năm 2006, số kết dư đã đạt trên 60.700 tỷ đồng. Nguyên nhân là nguồn chi cho số người hưởng chế độ hưu trí chủ yếu là từ ngân sách, số người hưởng chế độ hưu trí thuộc nguồn Quỹ BHXH chi trả còn ít. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất về chính sách ở thời kỳ này là thiết kế chính sách chưa tuân thủ đúng nguyên tắc đóng – hưởng BHXH, thể hiện chưa quy định mức trần đóng BHXH bắt buộc, quy định điều chỉnh tiền đóng BHXH, điều chỉnh lương hưu, quy định tính tiền lương bình quân tháng đóng BHXH để làm căn cứ tính hưởng BHXH ở giai đoạn này thiết kế chưa hợp lý dẫn đến một số trường hợp hưởng BHXH rất cao bất thường, quá trình tổ chức thực hiện phát hiện sự bất hợp lý nên đã sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội