BHXH tỉnh Đắk Lắk: Nỗ lực đảm bảo an sinh

13/02/2020 10:29 AM


Ngành BHXH đã đi được chặng đường 25 năm. Đó cũng là khoảng thời gian mà ông Trương Văn Sáng gắn bó với Ngành. Chứng kiến rất nhiều khó khăn mà Ngành phải đối mặt, hơn ai hết, ông Sáng hiểu rõ ý nghĩa cũng như vai trò của chính sách BHXH, BHYT trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Chia sẻ cùng phóng viên Báo BHXH, ông Sáng cho rằng, quãng thời gian 25 năm hoạt động và trưởng thành của BHXH tỉnh Đắk Lắk trải qua rất nhiều thăng trầm. Ngày 15/6/1995, BHXH tỉnh Đắk Lắk chính thức được thành lập; đến ngày 7/1/2014, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có Quyết định thành lập BHXH tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở chia tách tỉnh Đắk Lắk cũ thành tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông. Sự xáo trộn về tổ chức đã gây không ít khó khăn trong thực hiện chính sách nhưng BHXH tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực vượt qua.

* Ông có thể nói rõ hơn về những thuận lợi cũng như khó khăn mà BHXH tỉnh gặp phải trong chặng đường 25 năm qua?

- Ông Trương Văn Sáng: Về mặt con người và cơ sở vật chất, khi mới thành lập năm 1995, cả đơn vị chỉ có khoảng 14-15 nhân sự; quản lý 37.462 người tham gia BHXH với tổng số thu 7,227 tỉ đồng và số chi giải quyết các chế độ 21,7 tỉ đồng.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện tốt chính sách. Trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như BHXH Việt Nam; cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đặc biệt, “nội lực” của tập thể CCVC đã giúp BHXH tỉnh Đắk Lắk không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được BHXH Việt Nam giao. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có trên 108.000 người tham gia BHXH, trong đó có 6.770 người tham gia BHXH tự nguyện; trên 1.631.640 người tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ 87,3% dân số)…

Còn về khó khăn, ai cũng biết Đắk Lắk là tỉnh miền núi, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, có ít KCN, trong khi DN hầu hết có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, phân tán và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực buôn bán cà phê, xăng dầu và một số ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng... Chính vì thế, số lao động rất ít, chủ yếu làm theo mùa vụ. Những năm gần đây, do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giá cao su, cà phê giảm, các DN phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, lao động không có việc làm phải nghỉ việc hoặc đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục ký hợp đồng nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, cơ chế khoán sản phẩm (NLĐ phải đóng 100% BHXH, BHYT) chưa phù hợp, phần nào hạn chế quá trình tham gia BHXH, BHYT của NLĐ. Mặt khác, NLĐ khối sự nghiệp tiếp tục giảm do thực hiện tinh giản biên chế, dẫn đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hết sức khó khăn.

Đắk Lắk là một tỉnh mà nông dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào DTTS chiếm tỉ lệ khá lớn. Do đó, NLĐ thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là nông dân, lao động tự tạo việc làm; thu nhập ở khu vực này thường thấp và không ổn định; nhận thức, hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT chưa đầy đủ, nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn.

Tất nhiên, tất cả những khó khăn trở ngại này BHXH tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, cùng các cấp chính quyền, đoàn thể trong tỉnh có những giải pháp trong thời gian tới.

* Theo ông, kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT có ý nghĩa thế nào với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn?

- Có thể nói, việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đã góp phần ổn định cuộc sống NLĐ, trợ giúp họ khi gặp rủi ro như ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, thất nghiệp... sớm trở lại trạng thái sức khỏe ban đầu cũng như sớm có việc làm, giúp NLĐ khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động có lương hưu để đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, còn góp phần ổn định và nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế xã hội của NLĐ trong các thành phần kinh tế…

Khi các chế độ, chính sách đối với người dân, NLĐ được chăm lo đảm bảo, DN cũng an tâm sản xuất kinh doanh. An sinh xã hội được đảm bảo thì mọi mặt đời sống xã hội cũng sẽ tốt hơn.

* Ông có kiến nghị gì với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT trong thời kỳ mới?

- Để làm tốt công tác BHXH, BHYT trên địa bàn, chúng tôi luôn mong muốn mỗi một chính sách mới, các đề xuất, tham mưu mà ngành BHXH đưa ra sẽ được các cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ, vào cuộc tích cực.

Cán bộ BHXH bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động

Tôi cũng mong rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT; chủ động đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền đảm bảo phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế địa bàn; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ tuyên truyền viên; biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng những cách làm hay, tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đặc biệt, cần phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Để tăng tỉ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT đảm bảo tính bền vững, BHXH tỉnh Đắk Lắk đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tiếp tục gia hạn Nghị quyết hỗ trợ đóng BHYT 30% còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ nguồn ngân sách địa phương từ năm 2021.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Bảo hiểm xã hội