Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội

30/01/2019 12:53 AM




Thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội là nghiệp vụ rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, là một nhân tố quan trọng đảm bảo thực thi chính sách, pháp luật. Thông qua hoạt động thanh tra chuyên ngành để phát hiện những sơ hở trong công tác quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về an sinh xã hội.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, nghiệp vụ kiểm tra tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quyết định xử phạt vi phạm hành chính là nội dung rất quan trọng. Mục đích của xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn, chấm dứt ngay các hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thường phát hiện trong quá trình thanh tra, buộc phải xử phạt đó là: Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng không đúng mức quy định; đóng không đủ số người thuộc diện tham gia.

Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động ít chú ý đến như: Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không cung cấp tài liệu, thông tin về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như Đoàn thanh tra); sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội sai mục đích, tức là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động nhưng không nộp vào Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, sử dụng vào mục đích khác...

Đối với người lao động, việc thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi vi phạm hành chính buộc phải xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã phát hiện trong quá trình thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh có thể ủy quyền cho Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh để xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, người được ủy quyền phải là thanh tra viên và người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác.

Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh (hoặc người được ủy quyền) tối đa là 37.500.000 đồng đối với cá nhân và 75.000.000 đồng đối với tổ chức (cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...).

Thực tế trong thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, nhiều doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền rất lớn, việc xử phạt vi phạm hành chính vượt ngoài thẩm quyền của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, do đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội phải đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trong hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, nhiệm vụ chính là uốn nắn, hướng dẫn nghiệp vụ, tư vấn pháp luật để các đơn vị sử dụng lao động và người lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cho doanh nghiệp, đảm bảo công bằng trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo kỷ cương của nền hành chính nhà nước.

Để tránh bị xử phạt trong vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phải thường xuyên tự kiểm tra, tăng cường sự giám sát của tổ chức Công đoàn... Trong trường hợp có xảy ra vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các đơn vị cần khắc phục trước hoặc trong quá trình thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để không phải bị xử phạt vi phạm hành chính.



Trương Văn Bá