Phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động, công đoàn, BHXH

04/03/2019 01:37 AM



(Ảnh minh họa)

Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ như nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, an toàn, vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp…; tổ chức tốt công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động, BHXH trong doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động; triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động, Chương trình Quốc gia về việc làm; tham gia đàm phán, ký kết, gia nhập và báo cáo việc thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế; thực hiện các biện pháp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…

Phát huy những điều đã đạt được, tại Hội nghị liên ngành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa hai bên, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Trong khuôn khổ Hội nghị liên ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất xây dựng Chương trình Phối hợp hoạt động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động, công đoàn, BHXH trong doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/05/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Ngoài ra, đôi bên tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động, tổ chức Công đoàn (riêng việc xây dựng Bộ luật Lao động, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến trực tiếp từ người lao động). Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, triển khai các chương trình hành động cụ thể, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động trong cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng của người lao động; tổ chức lễ phát động Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm; tăng cường công tác quản lý máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, rà soát, kiểm tra các khu vực có nhiều nguy cơ mất an toàn lao động nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động, người dân. Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; chủ động theo dõi, tích cực phối hợp xử lý các tranh chấp lao động, không để đình công kéo dài, lan rộng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền định hướng, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp các thông tin, số liệu liên quan trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của hai bên./.
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội