Xử lý DN có chủ bỏ trốn: Quyền lợi của NLĐ cần đặt lên hàng đầu

17/06/2019 07:35 AM




Trao đổi với phóng viên Báo BHXH, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: Trong những năm gần đây, tình trạng chủ DN nước ngoài mất tích hoặc bỏ trốn xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, để lại những món nợ khổng lồ về tiền lương, BHXH…; ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của hàng trăm nghìn NLĐ. Tính đến 31/11/2018, số nợ BHXH, BH thất nghiệp phải tính lãi trên cả nước là 6.760 tỉ đồng, trong đó riêng đối với DN đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn có 2.270 DN với số nợ khoảng 147 tỉ đồng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khoảng 17.728 NLĐ...

TP.HCM được xem là “điểm nóng” diễn ra tình trạng DN phá sản, chủ bỏ trốn. Trong giai đoạn 2013-2018, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 20 trường hợp DN phá sản, chủ bỏ trốn. Theo đó, có 4.282 NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi, chủ yếu tập trung ở các DN may (với 3.746 NLĐ). Tổng số tiền DN nợ lương là hơn 23 tỉ đồng, nợ BHXH hơn 58 tỉ đồng. Còn tại Đồng Nai, việc DN phá sản, chủ bỏ trốn cũng để lại hậu quả nặng nề mà đối tượng chịu tác động trực tiếp là NLĐ. Trong 7.272 NLĐ làm việc tại các DN có chủ bỏ trốn, phá sản có tới trên 5.000 NLĐ bị ảnh hưởng liên quan đến việc DN chi trả chế độ chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT… Vụ việc có quy mô lớn gần đây là vụ “biến mất” của Công ty TNHH KL Texwell Vina (100% vốn Hàn Quốc, KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) vào dịp cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, để lại khoản nợ gần 13,7 tỉ đồng, khiến hơn 1.900 NLĐ lao đao...

*PV: Trong những vụ việc này, tổ chức Công đoàn đã vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ như thế nào, thưa ông?

- Ông Ngọ Duy Hiểu:


Trước những khó khăn NLĐ gặp phải, LĐLĐ các cấp đã kịp thời đi thăm và hỗ trợ cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 14,107 tỉ đồng; tạm ứng tiền quỹ Công đoàn để đóng BHXH cho NLĐ với 1,368 tỉ đồng; giúp NLĐ được thanh toán 98,879 tỉ đồng tiền nợ lương, BHXH, trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng đã làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản đối với 8 DN; khởi kiện tranh chấp lao động theo ủy quyền của NLĐ và hỗ trợ NLĐ làm đơn khởi kiện liên quan 1.407 vụ tranh chấp lao động cá nhân; kiến nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan BHXH thực hiện chốt sổ BHXH cho NLĐ; đồng thời giới thiệu việc làm khác cho NLĐ...

*Hiện nay, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ tại các DN phá sản, có chủ bỏ trốn, nhất là quyền lợi về BHXH, BHYT. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Việc bảo đảm quyền lợi tại các DN này vẫn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trước tiên, đối với trường hợp DN phá sản, quy định pháp luật về phá sản DN quá phức tạp, kéo dài; Luật Phá sản chưa có quy định về thủ tục giải quyết án phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của DN. Đối với DN có chủ bỏ trốn thì Luật DN chưa có quy định về DN có chủ bỏ trốn; chưa có các quy định của pháp luật về quy trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng DN có chủ bỏ trốn. Chế tài xử lý đối với các chủ DN không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ tính răn đe.

Vụ việc chủ DN bỏ trốn tại Công ty Nam Phương khiến NLĐ lao đao

Tiếp đến, về xử lý tài sản của DN phá sản, có chủ bỏ trốn, Luật Đầu tư không quy định xử lý tài sản của DN ngừng hoạt động do vắng chủ. Trong khi đó, Luật Phá sản 2104 quy định đối với các khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó; tiền lương, tiền BHXH mà DN còn nợ của NLĐ phải chi trả sau, bằng các tài sản còn lại của DN.

Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như: Tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện DN trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt tiền đóng BHXH của NLĐ vì lý do Tòa không có trách nhiệm giải quyết hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; Tòa án không thụ lý tranh chấp lao động tập thể dẫn đến việc Công đoàn phải khởi kiện nhiều vụ tranh chấp lao động cá nhân nên mất nhiều thời gian và công sức; chưa có hướng dẫn thực hiện việc khởi tố hình sự đối với tội trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt tiền đóng BHXH của NLĐ; ngân sách của Công đoàn còn hạn chế nên hoạt động hỗ trợ, chăm lo NLĐ tại các DN phá sản, chủ bỏ trốn bị nợ lương, nợ BHXH ở mức thấp...

*Từ thực tế trên, theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu để quyền lợi của NLĐ tại các DN phá sản, có chủ bỏ trốn được bảo đảm?

- Theo dự báo, trước những biến động về môi trường kinh doanh, tình trạng DN phá sản, có chủ bỏ trốn sẽ ngày càng phức tạp. Do đó, Chính phủ cần bổ sung vào luật những quy định pháp lý để giải quyết tình trạng chủ DN bỏ trốn nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, nhất là khi tiến hành tuyên bố phá sản DN. Bộ KH-ĐT và UBND các tỉnh khi thu hút đầu tư cần lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính, quản trị DN, đặc biệt là những DN có ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội.

BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam cần liên kết đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu BHXH, BHYT tại những DN có dấu hiệu làm ăn kém hiệu quả. Khi DN có dấu hiệu chậm đóng BHXH, chậm trả lương thì các cơ quan cần nhanh chóng nắm bắt để sớm vào cuộc bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đồng thời, cần quy định trong Luật Xuất nhập cảnh về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp DN còn nợ BHXH, BHYT.

Ngoài ra, trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, cần đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

*Trân trọng cảm ơn ông!


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội