Mạo danh cơ quan BHXH để bán tài liệu: Cần hết sức cảnh giác
01/04/2021 04:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian gần đây xuất hiện một số đối tượng xưng là cán bộ BHXH Việt Nam hoặc Tạp chí BHXH gọi điện liên hệ với BHXH các địa phương để bán tài liệu. Đây là hành vi mạo danh cơ quan, tổ chức nhằm trục lợi cá nhân.
Mới đây, ông Đỗ Văn Thuyên- Giám đốc BHXH huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã cảnh báo tới các đồng nghiệp về tình trạng mạo danh bán tài liệu liên quan đến ngành BHXH. Theo ông Thuyên, người mạo danh gọi điện thoại, xưng họ tên và giới thiệu mình đang công tác tại BHXH Việt Nam. Sau đó, người này đề cập đến hoạt động của ngành BHXH với sự cần thiết phải phát hành những tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ. Thậm chí, người này còn nêu họ tên nhiều lãnh đạo BHXH các quận, huyện ở TP.HCM và nhấn mạnh “chị A mua 10 cuốn, anh B mua 15 cuốn...”, rồi hối thúc “nạn nhân”. Nếu 2 bên “chốt” số lượng tài liệu, người mạo danh sẽ thông tin tài khoản để “nạn nhân” chuyển tiền và sẽ gửi tài liệu qua dịch vụ Bưu điện.
Trao đổi với lãnh đạo một số BHXH quận, huyện của TP.HCM, phóng viên Tạp chí BHXH ghi nhận đối tượng mạo danh để bán tài liệu “không tha người nào”. Thậm chí, người này không chỉ có số điện thoại của các lãnh đạo trong hệ thống BHXH mà còn tỏ ra “rất rành rẽ về lĩnh vực BHXH, BHYT”.
Trước đó, ngày 5/3, ông Đàm Kiến Tiến- Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh Kiên Giang) cũng thông tin đến Tạp chí BHXH về việc một phụ nữ mạo danh cán bộ Tạp chí BHXH để bán tài liệu. Theo ông Tiến, người phụ nữ đã đề nghị ông Tiến mua tài liệu phục vụ cho công việc chuyên môn. “Rất nhiều lần người mạo danh không chịu xuất hiện để giao dịch trực tiếp, mà chỉ liên hệ qua điện thoại, mỗi lần liên hệ lại dùng một số điện thoại mới...”- ông Tiến thông tin thêm.
Ngay khi nhận được phản ánh, Tạp chí BHXH đã có công văn khẩn gửi BHXH các tỉnh, thành phố, trong đó nhấn mạnh: “Lãnh đạo Tạp chí BHXH không chỉ đạo, không giao nhiệm vụ cũng như không cử bất kỳ cán bộ, phóng viên, nhân viên nào liên hệ với các cơ quan, địa phương về việc mua sách. Việc một số đối tượng tự xưng là cán bộ của Tạp chí BHXH liên lạc với các cơ quan (để bán tài liệu) là hành vi mạo danh cơ quan, tổ chức nhằm trục lợi cá nhân, cần phải được ngăn chặn”. Cũng trong công văn, Tạp chí BHXH đề nghị BHXH các địa phương “phản ánh kịp thời đến Tạp chí BHXH, đồng thời báo cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để kịp thời xử lý, ngăn chặn”.
Liên quan tình trạng trên, hồi tháng 9/2020, BHXH Việt Nam đã lên tiếng về các trường hợp mạo nhận là người của cơ quan BHXH các địa phương, thậm chí là người của BHXH Việt Nam để “hù dọa người dân hòng trục lợi”. Theo đó, những kẻ mạo danh thông báo cho người dân là họ “chưa thanh toán tiền KCB BHYT”, hoặc “đã trục lợi tiền KCB từ quỹ BHYT”… Sau đó, yêu cầu người dân cung cấp thông tin về nhân thân; đồng thời nộp tiền qua tài khoản để thanh toán chi phí KCB BHYT hoặc hoàn tiền trục lợi từ quỹ BHYT, để “tránh bị cơ quan BHXH báo Công an vào cuộc điều tra, phong tỏa tài khoản ngân hàng và cắt quyền sử dụng thẻ BHYT”.
“Người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại lạ, tự xưng là người của cơ quan BHXH. Tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo đến số đường dây nóng của BHXH Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời”- BHXH Việt Nam khuyến cáo.
Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi mạo danh cán bộ các cơ quan để ép buộc cá nhân, DN mua sách, tài liệu là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đồng thời gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh CBCC nhà nước. Do đó, hành vi này cần được xử lý nghiêm khắc, phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
Bên cạnh dẫn quy định của Bộ luật Hình sự về chế tài xử lý, các chuyên gia cũng cho rằng, do các quy định mở tài khoản ngân hàng, mua sim điện thoại (trả trước) còn lỏng lẻo, trong khi đó dịch vụ chuyển hàng qua bưu điện quá thuận tiện nên đã góp phần “nối giáo” cho những kẻ mạo danh trục lợi. Do đó, các cá nhân, đơn vị phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo để tự bảo vệ mình; đồng thời cần chủ động báo lực lượng chức năng tại địa phương để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc
Hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm 2024 với công chức Văn ...
BHXH huyện Cư Kuin: Tuyên truyền chính BHXH tự nguyện, BHYT ...
BHXH huyện Lắk: tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho ...
240 hội viên hội phụ nữ huyện Krông Bông được tuyên truyền ...
02 xã đầu tiên của huyện Krông Ana vận động 100% lực lượng ...