Lật tẩy trò buôn bán Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH rởm (Bài 2)
10/08/2021 06:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bài 2 Không “qua mắt” được cơ quan BHXH Thực trạng mua bán Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH (GCN) đang diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng luôn khẳng định, với loại giấy này, NLĐ có thể dễ dàng hưởng chế độ mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, chỉ với vài biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ BHXH đã dễ dàng xác định ra thủ đoạn này.
Việc gian khó lọt
Sau một thời gian “đặt hàng” trên trang Facebook, Zalo của một số đối tượng, phóng viên Tạp chí BHXH đều nhận được “cam kết” GCN mà mình nhận được là hợp pháp và không bị cơ quan BHXH từ chối. Để xác thực, chúng tôi đã mang toàn bộ số giấy tờ này tới BHXH TP.Hà Nội để “check”.
Bà Trần Thị Thu Hà- Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TP.Hà Nội) hướng dẫn PV cách nhận biết những giấy tờ giả
Vừa lướt qua tờ GCN mà tôi đưa, bà Trần Thị Thu Hà- Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TP.Hà Nội) bật cười nói luôn: “Hàng giả rồi em ơi!”. “Đây không phải vấn đề mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các loại giấy tờ giả hưởng chế độ BHXH ngày càng được làm tinh vi hơn, khiến nhiều NLĐ lầm tưởng là giấy thật. Thoạt nhìn có thể thấy mẫu giấy giống hệt với mẫu giấy theo Thông tư 56 của Bộ Y tế, con dấu BV cũng được làm giả một cách hết sức tinh vi…”- bà Hà tiếp lời.
Ngoài ra, bà Hà cũng nhận xét “phần chẩn đoán bệnh cũng khá chính xác, cụ thể là có mã bệnh đi kèm”. “Điều đó chứng tỏ những đối tượng làm giả giấy đã tìm hiểu rất kỹ, nhằm tạo lòng tin cho người mua. Tuy nhiên, dù có tinh vi đến mấy cũng không thể qua mắt được cơ quan BHXH”- bà Hà khẳng định. Lý giải rõ hơn, bà Hà cho biết, theo Thông tư 56, BHXH TP.Hà Nội đã yêu cầu tất cả các cơ sở KCB đưa mẫu dấu, mẫu GCN, giấy ra viện… lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Nhiều GCN giả bị BHXH TP.Hà Nội phát hiện
Theo đó, cơ sở KCB nào mang tính pháp nhân chỉ cần cung cấp mẫu dấu, còn cơ sở KCB không mang tính pháp nhân cần đưa cả các phụ lục như chữ ký của những người được cấp Chứng chỉ hành nghề. Trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ, cán bộ BHXH sẽ đối chiếu với mẫu dấu, chữ ký trên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định BHYT nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường. “Tuy nhiên, đã gọi là chứng từ không đúng quy định thì các cán bộ nghiệp vụ sẽ dễ dàng phát hiện được sai sót”- bà Hà chia sẻ.
Để thuyết phục hơn, bà Hà cho chúng tôi “mục sở thị” cách phân biệt GCN giả đang được bán công khai trên các trang mạng xã hội. Theo đó, điểm nhận biết dễ thấy nhất chính là chữ ký của Thủ trưởng đơn vị KCB và bác sĩ chuyên môn. Do các đối tượng không thể biết được chính xác tên bác sĩ chuyên môn và chữ ký trong danh sách đã đăng ký với cơ quan BHXH, nên thường “ký bừa” với vài nét chữ nguệch ngoạc. “Đa số chữ ký, dấu là của Giám đốc cơ sở KCB, nhưng theo nguyên tắc, người ký đóng dấu sẽ là người được ủy quyền theo văn bản gửi cơ quan BHXH- điều này khiến các đối tượng làm giả không biết đằng nào mà lần”- bà Hà cho hay.
Tiếp theo là căn cứ vào phần chẩn đoán và phương pháp điều trị. Do không có chuyên môn y tế nên các đối tượng sẽ “hiểu gì viết nấy”. Chẩn đoán sơ sài và phương pháp điều trị rất “dân dã” như một số giấy ghi: Về nhà nghỉ ngơi; nghỉ theo chế độ yêu cầu... “Đó là những dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường của người có chuyên môn. Để xác định chính xác hơn, chỉ việc đối chiếu với mẫu dấu và chữ ký của người hành nghề KCB…”- bà Hà chia sẻ.
Hàng nghìn GCN giả được chuyển sang Công an
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hòa- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội- cho biết, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội vẫn xuất hiện tình trạng giả mạo chữ ký, con dấu của cơ sở KCB để cấp giấy ra viện, GCN nghỉ hưởng BHXH nhằm trục lợi BHXH, BHYT. Do đó, BHXH TP.Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị SDLĐ kiểm soát kỹ hồ sơ, giấy tờ đề nghị giải quyết chế độ của NLĐ; đồng thời siết chặt quy trình chỉ trả bảo đảm chi “đúng người, đúng trường hợp”.
BHXH TP.Hà Nội gửi hồ sơ đề nghị Công an Thành phố và chủ DN xử lý các đối tượng mua bán giấy tờ giả
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, khi giải quyết chế độ, cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào dữ liệu cấp GCN của các cơ sở KCB đưa lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định BHYT. Chỉ khi dữ liệu từ các nguồn khớp nhau, thủ tục thanh toán BHXH ngắn hạn mới hoàn tất, tuyệt đối không có sai sót, nhầm lẫn. Cơ quan BHXH từ chối giải quyết hưởng chế độ BHXH khi phát hiện GCN nghỉ hưởng BHXH, giấy ra viện cấp không đúng quy định và thực hiện kiểm tra tại đơn vị SDLĐ. Nếu phát hiện có sự giả mạo, cơ quan BHXH sẽ tập hợp hồ sơ chuyển cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
“Năm 2020, BHXH Hà Nội đã phát hiện 647 chứng từ giả và từ chối thanh toán gần 600 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, BHXH Thành phố cũng phát hiện và từ chối thanh toán 293 chứng từ giả với số tiền hơn 200 triệu đồng. Sau lưu trữ các chứng từ này, hàng tháng, Phòng Chế độ BHXH sẽ chuyển danh sách qua Phòng Thanh tra-Kiểm tra và chuyển sang Công an TP.Hà Nội để điều tra, xử lý”- ông Nguyễn Đức Hòa thông tin.
Bắc Ninh là một trong những địa phương tập trung nhiều DN, đặc biệt là DN FDI quy mô lớn và sử dụng nhiều lao động. Đây cũng là nơi phát sinh nhiều trường hợp vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các hình thức như: Làm giả GCN nghỉ hưởng BHXH, giấy khai sinh, giấy ra viện… để đề nghị cơ quan BHXH thanh toán các chế độ BHXH.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng- Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Bắc Ninh), lợi dụng những thay đổi về chế độ, chính sách, một số tổ chức, cá nhân đã dùng nhiều chiêu thức lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, trong đó có việc làm GCN nghỉ hưởng BHXH giả. Song các hành vi này đã bị BHXH tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời. “Từ năm 2020 đến nay, BHXH tỉnh đã phát hiện gần 800 giấy tờ giả. Toàn bộ số này đã được chuyển sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý”- ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, thời gian qua, BHXH tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với cơ quan Công an và chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các giải pháp, kịp thời ngăn chặn các giấy tờ giả và kiên quyết từ chối thanh toán, chuyển cơ quan điều tra để xử lý. Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã phát hiện và khởi tố hình sự đối với nhiều bị can làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, GCN nghỉ hưởng BHXH mạo danh các BV lớn để bán cho công nhân trong các KCN nhằm trục lợi chính sách.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc
Hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm 2024 với công chức Văn ...
BHXH huyện Cư Kuin: Tuyên truyền chính BHXH tự nguyện, BHYT ...
BHXH huyện Lắk: tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho ...
240 hội viên hội phụ nữ huyện Krông Bông được tuyên truyền ...
02 xã đầu tiên của huyện Krông Ana vận động 100% lực lượng ...