Phát động chiến dịch toàn cầu khuyến khích ủng hộ vắc- xin

22/04/2019 03:07 AM



(ảnh minh họa)

Chiến dịch này sẽ được triển khai cùng thời gian với Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới từ ngày 24 – 30/4 nhằm truyền tải thông điệp: Sự đoàn kết của cộng đồng, trong đó có các bậc cha mẹ, có thể bảo vệ sức khỏe cho mọi người nhờ vắc-xin.

Từ khóa #VaccinesWork từ lâu đã được sử dụng trên mạng để tập hợp những người vận động cho tiêm chủng. Năm nay, UNICEF hợp tác với Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, Tổ chức Y tế Thế giới World Health Organization (WHO), và Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng (Gavi, the Vaccine Alliance) nhằm đưa vắc-xin vươn xa hơn nữa. Với mỗi lượt “thích” hay “chia sẻ” nội dung trên mạng xã hội sử dụng hashtag #VaccinesWork trong tháng 4, Quỹ Bill & Melinda Gates sẽ đóng góp 1 USD cho UNICEF, tới tối đa là 1 triệu USD để đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều được dùng vắc-xin cần thiết cho sự sống còn và sức khỏe của mình.

Vắc-xin có thể cứu 3 triệu mạng sống mỗi năm và bảo vệ trẻ em khỏi những bệnh truyền nhiễm cao có nguy cơ gây tử vong như sởi, viêm phổi, tả và bạch hầu. Nhờ vắc-xin, số người tử vong vì sởi từ năm 2000 đến 2017 đã giảm và bệnh bại liệt đang sắp được xóa sổ. Vắc-xin là một trong những giải pháp y tế hiệu quả về chi phí nhất từng được phát minh – mỗi USD đầu tư cho công tác tiêm chủng cho trẻ em có thể thu lại giá trị lợi ích tới 44 USD.

Ông Robin Nandy, Trưởng Ban Tiêm chủng của UNICEF cho biết: “Chúng tôi muốn nhận thức của mọi người về vắc-xin an toàn và hiệu quả sẽ được lan tỏa sâu rộng một cách nhanh chóng thông qua chiến dịch #VaccinesWork. Vắc-xin an toàn và có thể cứu mạng sống của con người. Chiến dịch này là cơ hội để chứng tỏ cho thế giới thấy rằng mạng xã hội có thể là một công cụ cực kỳ hữu hiệu để tạo ra thay đổi và cung cấp cho cha mẹ những thông tin đáng tin cậy về vắc-xin. Chiến dịch là một hoạt động trong tuần lễ kỉ niệm trên toàn thế giới với chủ đề Cùng được bảo vệ: Vắc-xin hiệu quả và an toàn (Protected Together: Vaccines Work) để tôn vinh những Anh hùng Vắc-xin – từ cha mẹ, cộng đồng đến cán bộ y tế và những nhà đổi mới sáng tạo”.

Bà Violaine Mitchell, Quyền Giám đốc phụ trách phân phối vắc-xin của quỹ Bill & Melinda Gates nhấn mạnh, ngày nay, hơn bao giờ hết, trẻ em đang được tiếp cận với vắc-xin. Chúng tôi rất vui mừng khi hợp tác với UNICEF và tất cả các đối tác toàn cầu và quốc gia trên khắp thế giới, những người đang làm việc không mệt mỏi để đảm bảo rằng tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những đất nước nghèo nhất trên thế giới, có thể được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm đe dọa đến tính mạng.

Mặc dù vắc-xin có nhiều lợi ích như vậy, nhưng ước tính năm 2017 có khoảng 1,5 triệu trẻ em tử vong vì các bệnh có thể phòng ngừa được. Lý do phổ biến là thiếu vắc-xin, nhưng ở một số quốc gia, chính cách gia đình trì hoãn hay từ chối không cho con mình sử dụng vắc-xin do thái độ thấy không cần thiết và tâm lý hoài nghi đối với vắc-xin. Chính điều này đã dẫn đến một số dịch bệnh bùng phát, trong đó có dịch sởi bùng phát một cách đáng báo động, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập cao. Việc không chắc chắn về thông tin liên quan đến vắc-xin trên internet và mạng xã hội cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng này.

Chính vì vậy, trọng tâm của chiến dịch nâng cao nhận thức của UNICEF lần này là một phim hoạt hình ngắn 60 giây “Những nguy hiểm”, cùng với một số đoạn hoạt hình ngắn khác để minh họa và sử dụng trên mạng xã hội và tranh áp-phích, nội dung xoay quanh những hoàn cảnh mà trẻ em, với bản chất non nớt, như là những con người liều lĩnh liên tục đặt mình vào những tình huống nguy hiểm. Được thể hiện bằng các thứ tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Pháp, Hindi, Nga, Tây Ban Nha và Tagalog, video này truyền tải thông tin rằng dù cha mẹ không thể phòng tránh tất cả những nguy hiểm mà con mình có thể gặp phải, họ có thể dùng vắc-xin để giúp phòng tránh bệnh tật cho con.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của UNICEF cũng sẽ giải đáp các câu hỏi và thắc mắc về tiêm chủng như cơ chế hoạt động của vắc-xin, vắc-xin được kiểm nghiệm như thế nào, tại sao trẻ em cần phải dùng vắc-xin, cũng như những rủi ro nếu không tiêm chủng cho trẻ em kịp thời./.
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội