Năm 2018: 340 phòng khám bác sỹ gia đình tham gia khám, chữa bệnh BHYT

26/09/2019 09:26 AM



(Ảnh minh họa)

Tham dự Phiên họp toàn thể của Cuộc họp Đại Hội đồng LHQ về Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân với chủ đề Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn tại New York (Mỹ) ngày 23/09/2019, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Trong những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và Quỹ BHYT chi trả. Hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ Trung ương tới địa phương với hơn 11.000 cơ sở y tế cấp xã và hầu hết các cơ sở này có đủ bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh hoạt động dựa trên nguyên lý bác sỹ gia đình. Theo Báo cáo Giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ của Việt Nam đạt 73/100 điểm, có thể coi là khá cao so với mức chung trong vùng Đông Nam Á  là 59/100 và toàn cầu là 64/100. Hiện chương trình BHYT đã bao phủ gần 90% dân số; Chính phủ Việt Nam trợ cấp 100% chi phí mua thẻ BHYT cho hộ nghèo và 70% chi phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo”.

Là 01 trong số nội dung được chú trọng trong chiến lược phát triển nền y tế, mô hình bác sỹ gia đình được Chính phủ Việt Nam quan tâm phát triển. Năm 2015, có 155 phòng khám được thành lập và đưa vào hoạt động; đến tháng 12/2018, con số này đã là 340 phòng khám bác sỹ gia đình với nhiều mô hình khác nhau, trong đó, 256 phòng khám bác sỹ gia đình thuộc các cơ sở y tế công lập, 84 phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân. Trong giai đoạn 2013 – 2017, giai đoạn đầu triển khai Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế (Quyết định số 935/QĐ-BHYT ngày 22/03/2013), các phòng khám bác sỹ gia đình tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 81.765 người bệnh, trong đó, 86,7% người bệnh tại các phòng khám bác sỹ gia đình thuộc khối bệnh viện quận, huyện, 12,8% người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế. Đến hết năm 2017, các phòng khám bác sỹ gia đình tại các tỉnh, thành phố thực hiện 1.166.214 lượt khám, chữa bệnh, 4.285 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu, 13.429 ca thủ thuật, chuyển tuyến 35.708 ca và khám bệnh tại nhà 6.804 ca.

Gần đây nhất, ngày 21/08/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BYT về việc hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình. Theo đó, để trở thành bác sỹ gia đình, từ ngày 15/10/2019, cần phải đáp ứng các điều kiện sau: Bác sĩ đa khoa, chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề phải có 01 trong các văn bằng bác sỹ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, Thạc sĩ, Tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình; có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng; có giấy chứng nhận theo học từng đợt với tổng thời gian tối thiểu 03 tháng các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình. Trường hợp bác sỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề và hiện đang khám, chữa bệnh y học gia đình sẽ tiếp tục được hoạt động khám, chữa bệnh và phải có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục tối thiểu 03 tháng để cập nhật kiến thức về y học gia đình; bác sỹ y học dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề cần có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng sẽ được tham gia khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn…

Thông tư này, cùng với Thông tư số 16/2016/TT-BYT ngày 22/05/2016 hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình, là những cơ sở pháp lý quan trọng để các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục triển khai hoạt động bác sỹ gia đình trên địa bàn. Để hỗ trợ thêm cho hoạt động này, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP.Hà Nội, TP.HCM về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018-2020 – đây là đề án thí điểm áp dụng cho 26 trạm y tế của 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng tới mục tiêu người dân của các xã này được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội