Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19

23/11/2021 09:16 AM


Hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19.

Điều trị HIV/AIDS trong đại dịch

Tính từ đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: Hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; Hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV; Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; Đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh)…

TS.Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục Trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)

Hiện cả nước đang điều trị cho khoảng 161.000 người, trong đó có hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn BHYT chiếm khoảng 53% tổng số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Bên cạnh đó, chương trình Methadone đã được triển khai tại 341 cơ sở điều trị trên 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân.

TS.Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục Trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Để chấm dứt đại dịch, chúng ta xác định mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bằng cách nâng cao nhận thức cho họ để họ tự đi xét nghiệm. Với những người nhiễm HIV thì cần điều trị sớm, có thể điều trị ngay tại xã, phường. Từ đó, củng cố hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, thay đổi hình thức truyền thông về dự phòng, điều trị- thực hiện giải pháp can thiệp, thay đổi hành vi, cung cấp bơm kim tiêm, điều trị methadone,… hướng tới mục tiêu người nhiễm HIV cơ bản được điều trị thuốc ARV và người có nguy cơ cao được điều trị dự phòng Prep (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV)”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp,BS. Võ Hải Sơn- Cục Phòng, chống HIV/AIDS khuyến cáo: Các cơ sở y tế cần có hướng dẫn khám điều trị ARV trong tình hình dịch Covid-19; hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở cấp phát thuốc methadone. Đồng thời, thay đổi mô hình cung ứng dịch vụ xét nghiệm HIV từ trực tiếp sang online, hướng dẫn cấp phát thuốc nhiều ngày. Các cơ sở y tế thành lập nhóm hỗ trợ tránh gián đoạn cấp phát thuốc ARV (nhóm 500 người); giám sát và hỗ trợ kĩ thuật online; làm việc tại nhà, hỗ trợ từ xa hoặc cử cán bộ trực tiếp tham gia hỗ trợ các tỉnh công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, trong đó có chỉ tiêu: ”Năm 2021, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch hoặc đề án đảm bảo tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được duyệt”.

Tính đến hết tháng 10/2021 đã có 32/63 tỉnh/thành phố được UBND tỉnh/thành phố phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính. Trong đó 7/32 tỉnh phê duyệt giai đoạn 2021-2025, 25 tỉnh phê duyệt giai đoạn 2021-2030. Hiện Bộ Y tế đã và đang đôc đốc các tỉnh còn lại hoàn thành việc phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính trước 31/12/2021 theo như chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

Mới đây ngày 24/9/2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có Công văn số 736/AIDS-ĐT hướng dẫn về việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV bị gián đoạn thẻ do dịch Covid-19. Trong đó đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố rà soát, hỗ trợ mua thẻ bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác cho người nhiễm HIV/AIDS bị gián đoạn thẻ BHYT vì doanh nghiệp dừng hoạt động do tác động của dịch Covid-19. Đối với các tỉnh/thành phố thuộc Dự án Quỹ toàn cầu, trong trường hợp không thể huy động kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác có thể đề xuất dự án hỗ trợ kinh phí mua thẻ.

Tạp chí BHXH