Đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể diễn ra từ tháng 11 đến tháng 12/2022
21/10/2022 10:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai), số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng, đỉnh điểm có thể là tháng 11 đến tháng 12/2022.
PGS-TS.Đỗ Duy Cường- Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai) cho biết, theo chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch SXH lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch SXH lớn xảy ra. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, nếu trong tháng 8 chỉ 70 bệnh nhân nhập viện, thì sang tháng 9 có 160 bệnh nhân và từ đầu tháng 10 đến nay có 250 bệnh nhân. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện ngoại thành Hà Nội như: Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên…; sau đó lan vào các quận nội thành như: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, số ca mắc và nhập viện do SXH tăng vọt so với những năm trước. “Chúng tôi lo ngại trong tháng 11-12 tới sẽ là đỉnh điểm của SXH và nguy cơ dịch chồng dịch khi Covid-19 vẫn đang tồn tại, thêm vào đó bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch khác (vào mùa Đông) như: Cúm, sởi, thủy đậu, aenovirus...”- PGS-TS.Đỗ Duy Cường chia sẻ.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai), trung bình mỗi ngày có 10-20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng...; thậm chí có nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có bệnh nền (gan, thận, tim), phụ nữ có thai và trẻ em, nên cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Bệnh nhân N.M.Đ (39 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xung huyết, men gan tăng, suy gan, ứ đọng đờm dãi, tổn thương phổi, gan, tiểu cầu hạ, cô đặc máu, có dịch ở bụng, suy đa phủ tạng… Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức tích cực điều trị, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, vợ và con bệnh nhân cũng đã mắc SXH. Trước khi vào viện 12 ngày, bệnh nhân có sốt cao, đau mỏi người, có xét nghiệm SXH cho kết quả dương tính, điều trị tại nhà. Sau đó, bệnh nhân rét run, tự truyền dịch 2 ngày không đỡ mới đến BV Bạch Mai.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân T.H (26 tuổi, Nam Định) nhập viện tuyến dưới sau 2 ngày sốt, đau mỏi người. Khi nhập viện, bệnh nhân đã hết sốt, nhưng xuất hiện tình trạng đau bụng thượng vị nhiều. BV tuyến dưới đã chẩn đoán viêm túi mật cấp, mổ nội soi cắt túi mật. Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhân xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai) và được bác sĩ chẩn đoán mắc SXH Dengue. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện...
Theo PGS.Cường, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc SXH; chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5- lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá mới đến viện. Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. "Chúng tôi đã có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu”- PGS.Cường thông tin.
Do đó, theo PGS.Cường, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân SXH cũng như mức độ giảm tiểu cầu, cần thiết phải làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450 G/L; mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L; mức nghiêm trọng là 10-20 G/L. “Nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao…, bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường”- PGS.Cường nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng lưu ý thêm, người dân khi có biểu hiện sốt, nên đến BV để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1 để phát hiện SXH sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng SXH, sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải BV. “Hiện nay, một số bệnh dịch khác vẫn còn (Covid-19, cúm, thủy đậu...), nên dễ chẩn đoán nhầm với SXH. Nếu như vậy có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng”- PGS.Cường khuyến cáo.
PGS.Cường thông tin thêm, SXH trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như Aspirin, Ibuprofen- vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, Albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc Oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết- đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc