“Sửa đổi lối làm việc” để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

16/09/2019 01:48 AM



Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn
(huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954 (Ảnh tư liệu)
PHÊ BÌNH, SỬA CHỮA LỐI LÀM VIỆC

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo công tác cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, xứng đáng với vị trí cầm quyền được lịch sử và nhân dân giao phó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Người chỉ rõ: Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, đoàn kết và thống nhất nội bộ hơn. Nhờ đó, làm cho sự vững mạnh và tiến bộ của Đảng ngày càng tăng thêm. Theo tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh, việc phê bình và thực hiện tự phê bình vừa phải nghiêm túc nhưng cũng rất thân ái, “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, châm chọc”. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Theo đó, Hồ Chí Minh nêu lên những căn bệnh mà người cán bộ thường mắc phải trong công việc cần phê bình, sửa chữa.

Một là, bệnh chủ quan. Đó là chứng bệnh nguy hiểm gây tác hại lớn cho cách mạng. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là do kém hiểu biết về lý luận, hoặc coi khinh lý luận, hoặc lý luận suông, làm việc chỉ theo kinh nghiệm của bản thân, không biết khái quát thành lý luận chung, giải quyết công việc một cách sự vụ, vụn vặt. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”, rất nguy hại trong công việc của Đảng, nó biến người cán bộ, đảng viên trở thành những ông “quan cách mạng” vừa mù quáng, quan liêu, vừa giáo điều, xa rời thực tiễn và xa rời quần chúng.

Hai là, bệnh hẹp hòi. Đây là căn bệnh cũng rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên vẫn còn mắc phải. Theo Hồ Chí Minh, bệnh này, bên trong thì ngăn cản Đảng thống nhất và đoàn kết, bên ngoài thì phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Biểu hiện của bệnh hẹp hòi là ham danh vọng và địa vị, tự tôn, tự đại, kéo bè, kéo cánh, chèn ép những người không ưa mà quên đi mục tiêu chung của Đảng, gây nên sự lủng củng trong nội bộ, sự mất đoàn kết giữa bộ phận và toàn cục, đảng viên với Đảng. Cũng vì bệnh hẹp hòi mà bỏ mất nhân tài, bỏ mất sự đoàn kết với “các hạng đồng bào (như tôn giáo, dân tộc thiểu số, anh em trí thức…)”, dẫn đến phá hoại chính sách đoàn kết, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Ba là, bệnh ba hoa. Đây là căn bệnh đến nay vẫn còn khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên mà Đảng ta nhận diện là “nói không đi đôi với làm” hay “nói một đường làm một nẻo”. Bệnh ba hoa biểu hiện trước hết là nói và viết dài dòng, rỗng tuếch, dùng chữ cầu kỳ, khó hiểu, không nhằm đúng đối tượng, quần chúng, không thấu hiểu thực tiễn, cho nên không có tác dụng gì cả.

Như vậy, sửa đổi lối làm việc của Đảng ở các cấp, trước hết phải đề phòng, sửa chữa các bệnh nêu trên, các bệnh đó vừa là kẻ địch bên trong vừa là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài, trong đó kẻ địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao cảnh giác, đề phòng các căn bệnh đó, tăng cường phê bình, tự phê bình, kiểm điểm, sửa chữa như “mỗi ngày phải tự rửa mặt”. Được như vậy, cán bộ, đảng viên mới không bị “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” và “suy thoái đạo đức, lối sống”, phấn đấu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

VẤN ĐỀ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

Cán bộ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Triết lý cán bộ đã được Hồ Chí Minh  khẳng định, là “gốc” của mọi công việc. Công việc tốt xấu đều do cán bộ mà ra. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như trong các nghị quyết của Đảng ta đều dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII của Đảng xác định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là then chốt trong then chốt của công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn đã chứng minh rõ điều đó và ngày càng phải chú trọng đến công tác cán bộ.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ, đồng thời đề ra những quan điểm và giải pháp về vấn đề cán bộ mà đến nay những chỉ dẫn ấy vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.

Trước hết, là việc đào tạo cán bộ cho cách mạng. Vì cán bộ là cái “gốc” của mọi công việc, do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc “gốc” mà Đảng thường xuyên phải chăm lo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ huấn luyện nghề nghiệp cho cán bộ là khâu đầu tiên. Vì, vô luận cán bộ ở môn nào, làm nghề nào, ngành nào cũng phải học cho thành thạo công việc ở môn ấy; đồng thời, phải nghiên cứu những chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ; học tập những kinh nghiệm thành công và thất bại; học tập lịch sử truyền thống cách mạng và sự phát triển trong từng thời kỳ… Theo đó, việc huấn luyện phải sắp xếp cách dạy và học, kiểm tra kết quả, sao cho cán bộ dần dần đi đến thạo công việc; huấn luyện chính trị, môn nào cũng phải có, cần coi trọng nâng cao kiến thức văn hóa.

Thứ hai, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng phải luôn nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu; trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của Đảng, của đất nước. Đảng phải biết rõ cán bộ, xem xét lại nhân tài và tìm nhân tài mới. Một trong những vấn đề Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó là đặt đúng người vào đúng công việc thích hợp. Người nói: “Phải khéo dùng cán bộ”. Tức là, phải biết tùy tài mà dùng người; Phải phân phối cán bộ cho đúng. Tức là phải dùng người đúng chỗ, đúng việc.

Kế thừa sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quan điểm rõ ràng về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, có lúc, có nơi chưa làm tốt công tác này để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển… bố trí sử dụng sai cán bộ. Vì thế, làm thui chột ý chí của những cán bộ có năng lực, gây nên nhiều hệ lụy trong Đảng và sự bức xúc, bất bình của quần chúng.

Thứ ba, xây dựng cơ chế làm việc cho cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra năm cách. Một là, chỉ đạo - thả ra cho họ làm, thử cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác để phát triển năng lực và sáng kiến. Hai là, luôn bồi dưỡng cán bộ, nâng cao tư tưởng, trình độ lý luận và cách làm việc cho họ. Ba là, thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Bốn là, khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp họ sửa chữa, cải tạo. Năm là, giúp đỡ họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Những điều đó có mối quan hệ rất quan trọng đối với tinh thần của cán bộ và sự thân ái đoàn kết trong Đảng. Đó là những cách làm khoa học, nhân văn sâu sắc rất cần trong đời sống cán bộ và công tác cán bộ hiện nay.

Thứ tư, về chính sách cán bộ, Sửa đổi lối làm việc theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay của cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết. Hơn lúc nào hết, Đảng phải xốc lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất về đạo đức chính trị, đủ năng lực về chuyên môn, có lề lối làm việc khoa học mới có thể đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, chú trọng một số nội dung sau:

Một là, “cần hiểu biết cán bộ”. Hiểu biết cán bộ là vấn đề không đơn giản. Nếu không biết sự phải trái của cán bộ, thì không thể nhận rõ ai là cán bộ tốt hay xấu. Hồ Chí Minh chỉ rõ, các chứng bệnh thường gặp của cán bộ ta là: tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Phạm một trong bốn chứng bệnh đó “cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ nhìn thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”. Vì vậy, nhận xét cán bộ cần phải phải xuất phát từ hiện thực khách quan, với quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể, đồng thời, phải hiểu biết tâm tư, năng lực, sở trường của họ, không nên chỉ xét ngoài mặt, một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn công việc của họ. Qua đó, mới biết chỗ tốt, chỗ xấu của cán bộ mà nâng cao chỗ tốt và giúp họ sửa chữa chỗ xấu.

Sửa chữa sai lầm cần dùng cách thuyết phục, giải thích, cảm hóa, dạy bảo để cán bộ mắc khuyết điểm nhận thức rõ trách nhiệm của mình mà sửa chữa. Tuy nhiên, không phải tuyệt nhiên không dùng đến các biện pháp xử phạt, răn đe. Nếu không xử phạt thì sẽ mất tính răn đe và sẽ “mở đường cho bọn cố ý phá hoại”. Vì vậy, phê bình cho đúng, xử lý cho nghiêm chẳng những không làm giảm uy tín của cán bộ, của Đảng, mà còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn và do đó mà uy tín và thể diện lãnh đạo của Đảng càng tăng thêm. Đây cũng là cách để thực hiện nguyên tắc vấn đề cán bộ quyết định mọi công việc.

Hai là, “khéo dùng cán bộ”. Mục đích khéo dùng cán bộ (dùng đúng người đúng việc, đúng sở trường), cốt để thực hành đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Đồng thời, chống lại những chứng bệnh như: chạy chức, chạy quyền, chạy vị trí công tác, kéo bè kéo cánh, địa phương, cục bộ như hiện nay đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, khiến cho nhiều cán bộ hư hỏng, suy thoái về đạo đức, lối sống, tha hóa về quyền lực. Nếu chỉ ham dùng những người giỏi nịnh hót, có tiền có của, anh em họ hàng, mà chán ghét những người chính trực… tất yếu sẽ dẫn đến kết quả là bộ máy tổ chức cán bộ càng ngày càng hư hỏng. Cố nhiên sẽ hỏng cả việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo. Uy tín của Đảng đối với nhân dân vì thế sẽ bị suy giảm, thậm chí là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Ba là, “phải có gan cất nhắc cán bộ”. Cất nhắc, đề bạt cán bộ phải vì mục đích cho công việc, vì sự lựa chọn tài năng và vì cổ vũ cho đông đảo cán bộ thêm hăng hái phấn đấu. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang mà cất nhắc, đề bạt, nhất định không ai phục, mà gây nên mối “lôi thôi” trong Đảng, trong tổ chức và xã hội. Như thế là có tội với Đảng, có tội với nhân dân. Vì vậy, trước khi cất nhắc, đề bạt cán bộ, phải nhận xét rõ ràng, phải căn cứ vào kết quả công việc họ làm, từ cách nói, cách viết, cách sinh hoạt cho đến hiệu quả công tác và mức độ tín nhiệm của quần chúng.

Bốn là, “thương yêu cán bộ”, là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa ngay, để vun trồng “cái thói có gan phụ trách và cả gan làm việc” của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của cán bộ để khuyến khích họ “thêm hăng hái, thêm gắng sức”. Từ đó, vun đắp chí khí của cán bộ một lòng một dạ hoàn thành tốt công việc được giao.

Năm là, phê bình cán bộ. Hồ Chí Minh đã dạy: Đối với cán bộ, chúng ta không sợ họ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ họ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Trên thực tế, nếu càng sợ, những người lãnh đạo sẽ không biết tìm đúng cách để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Sự sửa chữa khuyết điểm, cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó, nhưng cũng một phần là trách nhiệm của người lãnh đạo.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay và trước yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, việc thường xuyên sửa đổi lối làm việc khoa học, cách mạng có ý nghĩa to lớn và rất quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là phục vụ kịp thời và thiết thực đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; gắn với thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW gần đây của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.  Theo đó, tích cực đấu tranh quyết liệt với chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc, với bọn tham nhũng và “lợi ích nhóm”, bọn cơ hội chính trị, chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Làm được điều đó mới giúp Đảng ta có cơ sở để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình hiện nay./.
Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương