Hướng về Nhân dân, vì Dân, do Dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Bài 02)

20/01/2020 07:19 AM


Trước khi viết Di chúc, ngày 15/02/1965 Bác về Chí Linh, Hải Dương đọc Nguyễn Trãi, lục tìm trong truyền thống dân tộc những giá trị vĩnh hằng, mà một trong những giá trị đó là LÒNG DÂN, SỨC DÂN: “Chở thuyền là dân, lật thuyền là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước”. Khi viết tài liệu Tuyệt đối bí mật để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cháu nhi đồng và bè bạn quốc tế, Hồ Chí Minh nói rõ ý định của mình sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, sẽ đi thăm đồng bào, chiến sĩ cả nước, bầu bạn khắp năm châu.

Trước khi viết Di chúc, ngày 15/02/1965 Bác về Chí Linh, Hải Dương đọc Nguyễn Trãi, lục tìm trong truyền thống dân tộc những giá trị vĩnh hằng, mà một trong những giá trị đó là LÒNG DÂN, SỨC DÂN: “Chở thuyền là dân, lật thuyền là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước”. Khi viết tài liệu Tuyệt đối bí mật để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cháu nhi đồng và bè bạn quốc tế, Hồ Chí Minh nói rõ ý định của mình sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, sẽ đi thăm đồng bào, chiến sĩ cả nước, bầu bạn khắp năm châu.

Di chúc không bàn về cái chết nhưng Người cũng ý thức rất rõ rằng “người thọ 70 xưa nay hiếm”. Và Người cũng nói đến việc qua đời, tro chia và bỏ vào ba hộp sành, mỗi miền chọn một quả đồi thoáng mát để chôn cất. Quy luật sinh, lão, bệnh, tử là không thể khác được, đúng với mọi người. Biết rõ điều đó, Hồ Chí Minh muốn rằng sau khi qua đời vẫn được trở về với dân, sống trong lòng dân. Người không muốn dùng chữ “Di chúc”. Có lẽ Bác đã suy nghĩ chín chắn điều này. Ngụ ý sâu xa của Bác là không muốn đoạn tuyệt với mọi người, với Nhân dân, với Đảng, toàn thể bộ đội, các cháu thanh niên và nhi đồng, các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế. Sinh ra từ Nhân dân, lớn lên cùng Nhân dân, được dân chúng chở che đùm bọc, Hồ Chí Minh hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ. Người nói và làm theo quan điểm “từ Chủ tịch nước đến Bộ trưởng, thứ trưởng đều là đày tớ trung thành của Nhân dân”. Trong giờ phút lâm chung, Người lại muốn về với dân, sống trong lòng dân: muốn uống một ngụm nước dừa để mang theo tình cảm của đồng bào miền Nam về nơi chín suối; muốn nghe một câu hò xứ Huế, nơi đầy ắp kỷ niệm tuổi trẻ; muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, nơi chôn rau cắt rốn; muốn nghe một đôi làn quan họ trước khi về với thế giới người hiền. Người không quên dặn dò “đầu tiên là công việc đối với con người”. Cả cuộc đời trọn vẹn, toàn vẹn - Bác lại muốn về với dân, làm một công dân “du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn”. Ấy vậy mà Người vẫn chưa yên lòng, vẫn sợ điều gì đó, những ai đó không tôn trọng Nhân dân, làm lãng phí của dân, nên phải dặn lại trong Di chúc: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí ngày giờ và tiền bạc của Nhân dân”. Thế giới nói về Hồ Chí Minh là nói đến “một nhân vật đã trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống”, “một nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam”, “một vị thánh cách mạng”. Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới Rômét Chanđra hoàn toàn có lý khi khẳng định: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”. Hồ Chí Minh là niềm cảm hứng cho cho dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh vì quyền con người, vì tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con người, cho Nhân dân. Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một con người, một lãnh tụ, một nhân vật hiếm thấy, bởi Người cống hiến cho Nhân dân là cực đại. Còn về cá nhân, Người hoàn toàn không có gì riêng cho mình. Cả cuộc đời Người đọng lại trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng, không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” “Chất người” Hồ Chí Minh hiện thân cho một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Bởi vì, Bác Hồ đã cho thấy trong thế giới ngày nay không có gì quý báu hơn Nhân dân, không có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh của Nhân dân. Trong xã hội không có gì đẹp đẽ hơn và vinh dự hơn là phục vụ Nhân dân. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại. Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Nửa thế kỷ trước Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhiều tác phẩm, trong đó hai tác phẩm trên có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc và ý nghĩa thời sự nóng hổi. Nội dung của hai tác phẩm rất phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực, nhưng lõi cốt của nó là Đảng, Chính phủ phải quan tâm toàn diện đến con người; phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”; xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, “hơn mười ngày nay”. Đảng phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Nhiệm vụ đó rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đó là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, mỗi cán bộ, đảng viên phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Đặc biệt, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân. Học tập chủ đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân” là một trong những cách tốt nhất để thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện các nghị quyết gần đây của Đảng về xây dựng Đảng, để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội