Từ đại dịch nghĩ về triết lý xây dựng hệ thống y tế

27/04/2020 09:58 AM


Với những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều quốc gia đánh giá cao năng lực của hệ thống y tế cũng như khả năng ứng phó hiệu quả với đại dịch của Việt Nam. Cũng từ đây, có thể thấy được nền tảng, chiều sâu trong quan điểm phát triển y tế của nước ta, vốn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt móng, xây nền từ những năm đầu tiên thành lập nước.

Việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công

Trong “đêm trước” của Cách mạng tháng Tám, khi thảo Chương trình Việt Minh, Bác đã đề cập tới việc làm cho nòi giống ngày thêm mạnh. Với ý nghĩa là “tiền Hiến pháp”, Chương trình Việt Minh đã đề cập ngày làm 08 giờ, định tiền lương tối thiểu, cứu tế thất nghiệp, cứu tế nông dân, xã hội bảo hiểm, chăm nom cấp dưỡng người già tàn tật, săn sóc thể dục, trí dục cho nhi đồng, lập ấu trĩ viên chăm nom trẻ con, lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão…Trong các tầng lớp Nhân dân, Bác đặc biệt quan tâm tới sức khỏe của trẻ em, người già, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Chuyện kể rằng trong thời gian ở Pác Bó, cuối năm 1944, thấy việc giữ vệ sinh nước ăn và nơi ở chưa được người dân ở đây chú ý, Bác cùng mọi người trong cơ quan bắt tay dọn dẹp. Chính Người tự tay tắm gội cho các cháu. Cháu nào có chốc đầu, Bác còn lấy thuốc dịt. Người nói với thanh niên ở đó rằng: các cô, các chú vợ chồng còn trẻ phải giữ gìn quanh năm sạch sẽ cho con cái, bệnh ghẻ lây nhanh lắm đấy, khổ cho các cháu. Một cụ già gần một trăm tuổi hết sức cảm động trước việc làm của Bác, bảo con cháu mang đến cho Bác bát cháo có trứng gà. Bác tỏ vẻ không bằng lòng và nói: “Các đồng chí làm cách mạng, tôi cũng làm cách mạng, tại sao tôi được ăn đặc biệt hơn các đồng chí?”. Người đưa bát cháo trứng gà đến cho cụ già, nói: Đây mới là người cần được đặc biệt bồi dưỡng. Bà đã sống gần trăm tuổi rồi, khổ cực nhiều, cần ăn cho khỏe, để sống đến ngày độc lập, vui hưởng thái bình.
Một lần khác, tháng 8/1945, khi Ủy ban Cách mạng họp ở Đình Tân Trào (Tuyên Quang), nhiều đoàn đại biểu đồng bào các dân tộc đến chào mừng, thăm hỏi. Có mấy em nhỏ ra chơi ở sân đình. Thấy các em gầy gò, xanh xao, Bác nói với các đại biểu, nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc, không để các cháu xanh gầy, bụng ỏng, đít beo, trần truồng, lấm lem, đi chân đất. 

Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, trong việc đề ra cách tổ chức các Ủy ban nhân dân ở địa phương, Bác rất quan tâm đến một bộ phận trong Ủy ban phụ trách xã hội, có nhiệm vụ tổ chức và giám sát các cơ quan y tế, vệ sinh, cứu tế, bài trừ hủ tục.

Đầu năm 1946, trong bài viết Sức khỏe và thể dục, Bác đã chỉ rõ giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì quốc thịnh”. Người kêu gọi mọi người nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe, đó là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Một trong những biện pháp để bồi bổ sức khỏe cho Nhân dân, Người ký Sắc lệnh số 14 ngày 30/01/1946 thành lập Nha Thể dục trong Bộ Giáo dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, để giữ gìn và bồi đắp sức khỏe. Với việc ký sắc lệnh đó, Bác đã nêu tấm gương sáng mẫu mực về việc “tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”.

Đất nước bước vào thời kỳ “kháng chiến - kiến quốc”. Để giành thắng lợi trong nhiệm vụ cao cả đó, Hồ Chí Minh giáo dục mỗi người dân phải thực hành đời sống mới, mà điều quan trọng vừa trước mắt vừa lâu dài là mọi người phải sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Dẫn tục ngữ “đói cho sạch, rách cho thơm”, Bác chỉ bảo rằng mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ?. Người nói rõ hơn sạch sẽ tức là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần nói chuyện với cán bộ ngành Y. (Ảnh tư liệu)

“Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho cán bộ y tế việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào” 

Trong việc chăm lo sức khỏe Nhân dân, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, mỗi người và toàn xã hội phải có trách nhiệm, Bác đặc biệt quan tâm, gửi gắm niềm tin vào đội ngũ cán bộ y tế. Nếu mỗi người dân chủ yếu thực hiện công tác phòng bệnh thì cán bộ y tế không chỉ có trách nhiệm giúp Nhân dân phòng bệnh mà quan trọng nhất là trị bệnh, chữa bệnh. Trị bệnh, chữa bệnh phải kết hợp chặt chẽ đức với tài, trong đức có tài, trong tài có đức. Trong công tác trị, chữa bệnh, cán bộ y tế phải đặt tình thương yêu người bệnh lên hàng đầu, “lương y phải như từ mẫu”. Nếu sức khỏe được hiểu là khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, tức bao gồm cả thể chất và tinh thần, thì trong công tác điều trị, chữa bệnh, vấn đề nâng đỡ tinh thần người bệnh là hết sức quan trọng. Thương yêu người bệnh không chỉ thể hiện tình cảm bên ngoài bằng hỏi han, chăm sóc mà phải có tài năng thật sự. Cứu người không thể chỉ bằng tình cảm như tấm lòng của người mẹ đối với con mà nhiều khi phải có “bàn tay vàng”.

Theo quan điểm của Bác, cán bộ y tế gồm bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng viên và cán bộ, công chức trong hệ thống ngành y có trách nhiệm nặng nề, vinh dự lớn lao. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 02/1955, với một tình cảm đặc biệt, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho cán bộ y tế việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Điều đó chứng tỏ rằng Chính phủ hết sức tin tưởng vào đội ngũ những người làm công tác y tế. Bác tin đội ngũ cán bộ y tế vì họ biết xây dựng, đắp bồi và khai thác một nền y học Việt Nam có tính chất dân tộc - khoa học - đại chúng. 

Nền y học đảm bảo nguyên tắc và có tính chất dân tộc là một nền y học thích hợp với nhu cầu của Nhân dân ta, với những kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta của ông cha ta ngày trước. Nền y học dân tộc còn là sự kết hợp giữa quân y và y tế Nhân dân, để chế ra nhiều thuốc hay, tìm được nhiều cách chữa tốt, góp phần tổ chức, hướng dẫn cho bộ đội và Nhân dân cách ăn, ở tốt và đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ y tế có chuyên môn, nghiệp vụ tốt. 

Nền y học đảm bảo nguyên tắc và có tính chất khoa học là một nền y học chú ý về nhân tài y tế, phải có sự kết hợp Đông y và Tây y. Bác Hồ đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các thầy thuốc Việt Nam trong việc chữa bệnh cứu người. Nhiều bác sĩ Việt Nam không những có Tâm mà còn có Tầm; không những có trách nhiệm cao mà còn có tài năng. Chính “bàn tay vàng” kết hợp và xuất phát từ “từ mẫu” mà các bác sĩ Việt Nam đã làm nên được những điều kỳ diệu. 

Nền y học đảm bảo nguyên tắc và có tính chất đại chúng là nền y học của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả các cán bộ y tế dù ở cương vị nào, công việc gì, ở đâu đều phải có trách nhiệm chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe cho Nhân dân, phục vụ Nhân dân, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân. Bác Hồ yêu cầu người thầy thuốc phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Đạo đức, lương tâm của nghề y, của người thầy thuốc là đau nỗi đau của người bệnh, lo nỗi lo của người mẹ, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân. Đó cũng là nhiệm vụ vẻ vang, ý nghĩa sâu xa, trọng đại của nghề y.

Tuy nhiên, người thầy thuốc cũng rất cần nhận được sự cảm thông, chia sẻ, đồng hành của Nhân dân, của người bệnh. Nhân dân và người bệnh không chỉ có quyền được chăm sóc, chữa bệnh mà cũng phải có trách nhiệm với ngành y, với các thầy thuốc, các "chiến sĩ" áo trắng trên "trận tuyến" chữa bệnh cứu người. 

Trong những tháng ngày hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, nhìn lại tư tưởng với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, mới thấy được chiều sâu, giá trị nhân văn tạo nên những thành công bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19.

Từ "cuộc chiến" chống "giặc" Covid-19 hôm nay, phải vận dụng và phát triển sáng tạo tư
tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo sức khỏe cho Nhân dân. Mỗi người dân phải sửa đổi, tạo ra cách riêng của mình trong cách ăn, mặc, ở, đi lại, cách làm việc, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, phải siêng năng, đều đặn tập thể dục như lời dạy của Bác.

Thực hiện lời Bác dạy, những "chiến sĩ" áo blouse trắng không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình, vẫn miệt mài trên tuyến đầu chống dịch vì sức khỏe và tính mạng của người dân. Họ cũng rất cần sự thông cảm, chia sẻ của người dân đối với ngành y, với bộ đội, với công an và các lực lượng chống dịch.

Sự đoàn kết của toàn dân tộc, sự đồng lòng, đồng sức, ủng hộ của Nhân dân đối với Đảng và Chính phủ là sức mạnh không gì phá vỡ được trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, làm nên chiến thắng, cũng sẽ là sức mạnh vô địch hiện nay trong cuộc chiến chống dịch Covid19./.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội