Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT

19/05/2022 09:15 PM


Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Tạp chí BHXH trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Thế Mạnh- Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về học Bác, với tiêu đề "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước".

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Trọn cả cuộc đời, Người đã rèn luyện, cống hiến không ngừng nghỉ, tất thảy đều hiến dâng cho Tổ quốc, đồng bào, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

CCVC ngành BHXH Việt Nam luôn nỗ lực hết mình phục vụ người dân, NLĐ

Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành biểu tượng cách mạng, khơi dậy khát vọng và niềm tin cho nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, trước hết là các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

1. Định hướng chủ đạo về an sinh xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người vừa tồn tại với tư cách cá nhân vừa là thành viên của mỗi gia đình, của cộng đồng và xã hội. Người luôn thấu hiểu sâu sắc rằng, giải phóng con người, đem lại lợi ích cho con người chính là tạo ra động lực vô cùng lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người cũng nhấn mạnh những quyền cơ bản của mỗi con người là quyền được sống, quyền được tự do, được hạnh phúc, mà trước hết là có cơm ăn áo mặc, nhà ở, được học hành và chữa bệnh, những quyền cơ bản ấy chính là nội hàm của an sinh xã hội, luôn là mục tiêu phấn đấu của bất kỳ xã hội nào để đem lại hạnh phúc cho con người.

Ngày 5/6/1911, từ Cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Cả cuộc đời Người phấn đấu giành độc lập cho dân tộc, nhân dân được hưởng tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội an sinh, thịnh vượng, phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về mong muốn, tâm huyết lớn nhất của đời mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt đến ngày nay, phản ánh những nhu cầu tối thiểu mà mỗi người dân Việt Nam cần được đáp ứng, đó cũng là nền tảng để phát triển các chính sách an sinh xã hội cho mọi người dân.

Khái niệm an sinh xã hội thường được hiểu với nghĩa rộng, là sự bảo đảm thực hiện các quyền con người được sống tự do, an bình, hạnh phúc, xã hội ổn định, phát triển. Theo nghĩa hẹp, là sự bảo đảm nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh của mỗi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương bởi thiên tai, địch họa, bệnh tật. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về an sinh xã hội bao hàm cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp: Con người sinh ra có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Con người được an toàn sinh sống và được bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm sẽ chỉ có trong điều kiện đất nước độc lập, tự do, bình đẳng, không có áp bức bất công, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, tiêu ngữ “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” trong Quốc hiệu nước ta là định hướng chủ đạo, nhấn mạnh vai trò, vị trí của độc lập dân tộc, trên cơ sở đó xã hội an sinh, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Độc lập dân tộc là tiền đề của tự do, hạnh phúc. Tự do, hạnh phúc là giá trị cao nhất của độc lập dân tộc.

Trong an sinh xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc tổ chức thực hiện chế độ BHXH. Trước Cách mạng Tháng Tám, trong Chương trình và Tuyên ngôn Việt Minh (năm 1941), Người đã đưa ra kế hoạch cấp thiết ngay khi giành được độc lập: Thi hành luật ngày làm 8 giờ và các luật xã hội khác... Thợ thuyền được tự do hưởng Luật Lao động... Thợ thuyền già có lương hưu trí.... Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách an sinh xã hội là việc chăm lo cuộc sống, sức khỏe cho mỗi người dân từ nông dân, công nhân, thương nhân, công chức, binh lính đến thanh niên, trẻ em, phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội như người tàn tật, ốm đau, người già, trẻ nhỏ. Sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đề xuất “Sáu việc lớn cần làm ngay” như một chương trình hành động của Chính phủ lâm thời. Đó là: Chống giặc đói; chống giặc dốt; soạn thảo Hiến pháp dân chủ, chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta; bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện, tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

Cách mạng vừa thắng lợi, thù trong giặc ngoài, mọi việc ngổn ngang trăm mối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng liên quan đến chế độ hưu bổng, trợ cấp thay lương khi CCVC nhà nước bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, già yếu hoặc bị chết. Sớm phát động phong trào đời sống mới, khởi xướng phong trào “Khỏe vì nước”. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Sự quan tâm tới sức khỏe, coi trọng y tế dự phòng và đề cao y đức là nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển BHYT toàn dân sau này.

Thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội, Hiến pháp năm 1946- Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi nhận những điều khoản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành hệ thống quy phạm và chính sách về an sinh xã hội.

CCVC ngành BHXH Việt Nam tham gia Lễ ra quân phát triển BHXH toàn dân

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc thiêng liêng. Đặc biệt sâu sắc là những lời dặn của Bác về vai trò của Đảng trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; theo đó, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Trong bao nhiêu công việc bộn bề, Bác dặn đầu tiên là công việc đối với con người, từ các bà mẹ liệt sĩ, các gia đình thương binh... đến nạn nhân của chế độ xã hội cũ... đều cần được quan tâm chu đáo. Người nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Mỗi cán bộ, đảng viên bằng hành động thực tế của mình phải làm cho dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục; phải tôn kính dân, làm gương cho dân; đồng thời, phải thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân, không vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Theo lời căn dặn của Người, Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mọi chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng trực tiếp tác động đến an sinh xã hội. Đảng không trong sạch, vững mạnh sẽ không thể giữ được vai trò lãnh đạo và đương nhiên, vấn đề an sinh xã hội sẽ bị tác động tiêu cực.

Trong những dòng cuối của bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Điều này cho thấy, nhân dân- hạnh phúc thật sự của nhân dân là mối quan tâm lớn nhất, là “ham muốn tột bậc”, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. BHXH, BHYT giúp đời sống nhân dân được ổn định, bền vững là tiền đề quan trọng để có hạnh phúc. Và, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác BHYT, BHXH thực chất chính là tư tưởng về con người, là phấn đấu và chăm lo cho con người có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự. Tư tưởng đó thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trung thành với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương xây dựng, thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001), thuật ngữ an sinh xã hội lần đầu tiên được ghi trong văn kiện. Đến Đại hội X, vấn đề an sinh xã hội được nhìn nhận rõ nét hơn. Và đặc biệt, tại Đại hội XI, an sinh xã hội đã được xác định là một hệ thống chính sách xã hội quan trọng, nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đại hội XII của Đảng nâng tầm vấn đề an sinh xã hội gắn liền với sự phát triển của đất nước. Đại hội chỉ rõ: Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân...; phát triển và thực hiện tốt các chính sách BHXH, BH tự nguyện, BH tai nạn lao động...; tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT cho toàn dân. Đồng thời, khẳng định ý chí tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, giữ vững, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của đất nước nhằm mang lại lợi ích thiết thân cho người dân, trong đó có vấn đề an sinh xã hội.

Thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định những quy phạm về an sinh xã hội. Trên cơ sở Hiến pháp, các đạo luật về lao động, việc làm, BHXH, BHYT đã thể hiện được tinh thần của Hiến pháp và hình thành hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa các quan điểm của Đảng về an sinh xã hội. Thực hiện các chính sách thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, thể hiện bản chất dân chủ của chế độ ta trong nền kinh tế thị trường, đồng thời là hành động thiết thực thể hiện sự trung thành với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về an sinh xã hội.

Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng; đồng thời, xác định những định hướng mới mang tầm chiến lược: BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội... Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu: Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế... Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội, chính sách BHXH, BHYT.

Gần đây nhất, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) cũng xác định: Thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Có thể thấy, học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về an sinh xã hội, đến nay, chính sách BHXH, BHYT ở nước ta đã khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, là những chính sách xã hội quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, bộ máy tổ chức thực hiện ngày càng được củng cố, kiện toàn vững chắc, góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân trước những biến cố, rủi ro, giúp bảo đảm an sinh xã hội.

2. BHXH Việt Nam với việc đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội của nhân dân, vì sự phát triển bền vững đất nước

Thành lập từ năm 1995, ngành BHXH Việt Nam được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao trọng trách tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Là ngành trực tiếp thực thi các nhiệm vụ quan trọng về an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, ngành BHXH Việt Nam thường xuyên làm việc, tiếp xúc với người dân, thực hiện phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Chính vì vậy, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Cơ quan BHXH Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng, quan tâm đến việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Trên cơ sở đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành; thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng ủy, nhất là trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc của các tổ chức Đảng trực thuộc, cán bộ, đảng viên, CCVC và NLĐ, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành BHXH Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu.

Các tổ chức Đảng trực thuộc đều tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng, thường xuyên, liên tục, có hệ thống, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động giúp cán bộ, đảng viên, NLĐ trong toàn Ngành tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được thực hiện theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cơ quan BHXH Việt Nam; cũng như vào kế hoạch, chương trình hành động, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, đơn vị, gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Đặc biệt, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên mọi phương diện; qua đó, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể:

Thứ nhất, ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động, bám sát các nghị quyết, định hướng của Đảng; giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và mở rộng quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách. Chính vì vậy, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng qua các năm; diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng:

Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên 12,1 triệu người vào năm 2015 (gấp 5,3 lần so với năm 1995), đạt 15,097 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,25 lần so với năm 2015). So với năm 1995, đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 12,8 triệu người (gấp gần 6,6 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,5 triệu người.

Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 218 nghìn người vào năm 2015 (gấp 36,3 lần so với năm 2008), đạt 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 6,65 lần so với năm 2015), đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. So với năm 2008- năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 1,4 triệu người (gấp 241,7 lần), bình quân mỗi năm tăng trên 100 nghìn người.

Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 70 triệu người vào năm 2015 (gấp 9,86 lần so với năm 1995), đạt 88,837 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,27 lần so với năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. So với năm 1995, đến nay, số người tham gia BHYT tăng 81,7 triệu người (gấp 12,5 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người.

Số người tham gia BH thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 10,3 triệu người vào năm 2015 (gấp 1,7 lần so với năm 1995), đạt 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,3 lần so với năm 2015). So với năm 2009- năm đầu tiên chính sách BH thất nghiệp được áp dụng, đến nay, số người tham gia tăng 7,41 triệu người (gấp 2,24 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người.

Có thể thấy, diện bao phủ BHXH, BHYT tăng trưởng nhanh qua từng năm, số người tham gia BHYT đã tiệm cận mục tiêu bao phủ toàn dân, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, NLĐ, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước. Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐQL BHXH Việt Nam. Tỷ lệ chi từ nguồn quỹ BHXH ngày càng tăng, theo đó tỷ lệ chi từ NSNN cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ hai, với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, BHXH Việt Nam đã tập trung đổi mới, linh hoạt, đa dạng nội dung, hình thức, cách thức truyền thông phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm văn hóa vùng miền. Qua đó, định hướng tốt dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách.

Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT thực hiện đầy đủ, đúng quy định, phục vụ kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng; thực sự phát huy vai trò là điểm tựa an sinh xã hội cho NLĐ. Đồng thời, đã chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng BHXH, BHYT, bảo đảm nguyên tắc “đóng-hưởng”. Phương thức hoạt động của hệ thống ngành BHXH Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các DVC ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và nhân dân.

Đặc biệt, các năm 2020-2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, BHXH Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia. Từ năm 1995 đến hết năm 2021, toàn Ngành đã giải quyết cho gần 135,7 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK (bình quân mỗi năm trên 5 triệu lượt người hưởng); từ năm 2010 đến hết năm 2021 giải quyết cho trên 8,7 triệu người hưởng các chế độ BH tự nguyện; đến cuối năm 2021, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với năm 1995); từ năm 2003 đến năm 2021, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi KCB BHYT cho trên 2.217 triệu lượt người.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân và NLĐ, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực và quyết liệt tham gia cùng các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhất là Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Với sự vào cuộc quyết liệt, toàn Ngành đã tập trung mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống CNTT, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả. Theo đó, các chính sách hỗ trợ đã được triển khai đạt kết quả tốt, góp phần hỗ trợ hàng chục triệu NLĐ, người SDLĐ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh. Kết quả, tổng số tiền ngành BHXH Việt Nam đã triển khai hỗ trợ theo các gói hỗ trợ của Chính phủ được quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/2020/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP từ các quỹ BHXH, quỹ BH thất nghiệp tới NLĐ và người SDLĐ là gần 44.786 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp là hơn 38.000 tỷ đồng; quỹ BH TNLĐ-BNN là 4.322 tỷ đồng; quỹ Hưu trí và tử tuất là 1.905 tỷ đồng.

Thứ ba, xác định cải cách TTHC, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới, những năm qua, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch BHXH, BHYT cho người dân, DN theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã được Chính phủ cùng cộng đồng DN, người dân ghi nhận, đánh giá cao.

TTHC trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 TTHC năm 2009 đến nay còn 25 TTHC). 100% TTHC được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; một số thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ được rút ngắn thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc. Cùng với đó, kịp thời cung cấp thêm 8 DVC trên Cổng DVC của Ngành; kết nối, tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ứng dụng CNTT của Ngành được đẩy mạnh triển khai từ năm 2015, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đến nay, đã đạt được các kết quả ấn tượng như: Xây dựng được một hệ thống Chính phủ điện tử thông suốt trong toàn Ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT; Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở KCB BHYT (đạt gần 100%) trên phạm vi toàn quốc...

Trong công tác chuyển đổi số, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện kho CSDL của hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL quốc gia về BH (là một trong 6 CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử); liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là kết nối, chia sẻ đồng bộ hóa dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư (tính đến ngày 10/4/2022, đã chia sẻ để xác thực thông tin của 39,9 triệu công dân); chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19...).

Đặc biệt, sự ra đời ứng dụng “VssID- BHXH số” được đánh giá là một bước tiến mạnh mẽ trong CCHC, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Tính đến hết ngày 31/12/2021, đã có gần 30 triệu người cài đặt, sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, thực hiện các DVC; hơn 570 nghìn lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB trên toàn quốc... Có thể thấy, ứng dụng VssID đã đem đến thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số của Ngành.

Việc triển khai đồng bộ công tác ứng dụng CNTT trong các mảng hoạt động nghiệp vụ thời gian qua của Ngành đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và cán bộ BHXH với người dân và DN. Nhờ thành quả trên, trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2017 đến năm 2020, BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành; đứng thứ nhất Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Những kết quả, thành tựu trên cho thấy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành đã mang lại kết quả rõ nét. Với quyết tâm chính trị của toàn ngành BHXH Việt Nam là luôn ưu tiên đặt công tác bảo đảm quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách làm trung tâm, đã góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, NLĐ đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng chính là những hành động nhất quán, thể hiện sự trung thành, kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội của ngành BHXH Việt Nam.

3. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện an sinh xã hội

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn như: Diện bao phủ của BHXH còn dưới mức tiềm năng, tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT chưa cao. Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút người dân, mức hỗ trợ từ ngân sách còn thấp; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT thấp so với thu nhập thực tế của NLĐ. Số người nhận trợ cấp một lần tăng; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT giảm chưa đáng kể; nhận thức của một bộ phận NLĐ, người SDLĐ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT chưa đầy đủ... Mặt khác, sự xuất hiện của các quan hệ lao động mới cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với nhiệm vụ cải thiện chất lượng an sinh xã hội, trong đó trọng tâm là mở rộng diện bao phủ và tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH, BHYT.

Do đó, BHXH Việt Nam xác định, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên, NLĐ cần thấm nhuần: Ngành BHXH Việt Nam là ngành trực tiếp thực thi các nhiệm vụ quan trọng về an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, thực hiện phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, NLĐ cần đặc biệt chú trọng, quan tâm đến việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Cần nghiêm túc, tự giác thực hiện một cách có hiệu quả những yêu cầu, nhiệm vụ đã được chỉ ra tại Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng quán triệt, tập trung làm tốt 3 vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW tổ chức ngày 12/6/2021.

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, NLĐ cần hiểu sâu sắc, học tập Bác là học tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, đạo đức cách mạng và phong cách của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Thúc đẩy việc học tập Bác trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và NLĐ trong toàn Ngành. Làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh to lớn, để toàn bộ CCVC, NLĐ trong Ngành phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần tư tưởng của Bác, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm. Mỗi người đều tìm thấy ở đó những chuẩn mực đạo đức cần học tập, cần tu dưỡng, rèn luyện, trở thành nhu cầu, lẽ sống tự nhiên, mong muốn vươn lên, hoàn thiện chính bản thân mình. Trên cơ sở đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, làm cho đất nước ngày càng phát triển, dân tộc ngày càng cường thịnh, trường tồn.

Làm theo Bác là thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo”, hiện thực hoá bằng những chương trình hành động cụ thể, việc làm cụ thể, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đề cao chức trách, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, NLĐ; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn, trên nền tảng, kim chỉ nam là tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin trong mọi hành động.

Về nêu gương là thực hiện đồng thời, gắn kết việc học tập với làm theo Bác và nêu gương. Phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa ba nhiệm vụ này, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng nhân dân noi theo. Phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Các cấp ủy Đảng trong toàn Ngành tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nội dung nêu gương theo các quy định của Trung ương: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó tập trung thực hiện tốt việc nêu gương: (1) Về tư tưởng chính trị, (2) Về đạo đức, lối sống, tác phong, (3) Về tự phê bình, phê bình, (4) Về quan hệ với nhân dân, (5) Về trách nhiệm trong công tác, (6) Về ý thức tổ chức kỷ luật, (7) Về đoàn kết nội bộ.

“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hoá tinh thần.

Về nhiệm vụ cụ thể, trên cơ sở định hướng tại Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội- trụ cột là các chính sách BHXH, BHYT, để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Một là, chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, tích cực nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHXH để hoàn thiện khung khổ pháp lý theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt, nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần. Điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ; bổ sung những người có nhu cầu và khả năng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa được luật hóa như: người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, chủ hộ kinh doanh cá thể...

Đề xuất sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bao gồm lao động làm việc theo HĐLĐ, HĐLV từ 1 tháng trở lên; hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN và NLĐ, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHXH. Đề xuất sửa đổi Luật BHYT theo hướng bảo đảm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển BHYT toàn dân đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trên cơ sở có kế thừa, chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật BHYT với các hệ thống pháp luật khác. Sửa đổi Luật BHYT để thống nhất với Luật BHXH về đối tượng tham gia BHXH, BHYT (là NLĐ có HĐLĐ từ 1 tháng trở lên); đồng thời bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT (người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam; nhóm chức sắc, chức việc, nhà tu hành...); bổ sung, đa dạng hóa các sản phẩm BHYT; kết hợp giữa BHYT với mức đóng cơ bản như hiện nay và BHYT bổ sung để người tham gia có thêm các lựa chọn; xây dựng mức đóng BHYT phù hợp với mức hưởng. Phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị đối với quản lý và sử dụng quỹ BHYT, để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững chính sách BHYT. Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ theo hướng giao ngành BHXH Việt Nam được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam.

Hai là, ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT để củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống BHXH, BHYT thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, gắn với chỉ tiêu phát triển người tham gia. Đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC gắn với tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao tính phục vụ, tạo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đối với người dân và DN. Hoàn thiện CSDL quốc gia về BH, kết nối, chia sẻ với các CSDL có liên quan, đẩy mạnh chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành. Nâng cao năng lực quản trị, sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia, thụ hưởng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH Việt Nam với các ngành để theo dõi chặt chẽ quá trình thành lập DN, khai quá trình lao động, thống kê lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, kê khai thu nhập tiền lương và quản lý người tham gia BHXH, BHYT đúng quy định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT.

Bốn là, tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất và quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhằm khẳng định giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước ta trong công tác an sinh xã hội.

Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; thực hiện phân công, phân nhiệm bảo đảm nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, DN.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trên cơ sở những định hướng tại các Nghị quyết của Đảng; giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trong giai đoạn mới, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; đồng thời góp phần khẳng định tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về an sinh xã hội luôn mang tính thời sự, giá trị, sống mãi theo thời gian.