BHXH tỉnh Đắk Lắk: Nỗ lực duy trì và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
06/04/2022 08:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong năm 2021, tỉnh Đắk Lắk có trên 18.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp so với tiềm năng trên địa bàn tỉnh.Theo đó, ngay những tháng đầu năm 2022 BHXH tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện, nhất là quy định về mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP). Vì vậy, trong những tháng đầu năm BHXH tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến tận người dân như tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh đưa tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022; Tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2022; phối hợp cơ quan báo đài địa phương thực hiện các tin, bài, phóng sự và chương trình đối thoại trực tiếp trên sóng truyền hình; phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, hệ thống đại lý thu tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân. Đặc biệt là BHXH tỉnh vừa tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch tuyên truyền BHXH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 yêu cầu ngành BHXH phối hợp với Sở, ngành liên quan đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH…
Chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ đại lý thu BHXH, BHYT tại xã Cư Ebur vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện
Chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ đại lý thu BHXH, BHYT tại xã Cư Ebur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đại lý thu của xã đã phối hợp với người có uy tín đến từng nhà dân để vận động, thuyết phục, giúp họ thấy được quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã; nhân viên đại lý thu nhắn tin, gọi điện nhắc thông báo người dân khi sắp đến hạn đóng BHXH tự nguyện hoặc hết hạn thẻ BHYT hộ gia đình.
Tuyên truyền sâu rộng, mưa dầm thấm lâu
Bà Nguyễn Thị Thanh Trà - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cho biết BHXH tự nguyện chính là phương thức mà người dân khi còn trẻ có thể tham gia để dành cho tuổi già. Tham gia càng sớm sự chuẩn bị cho tương lai càng sớm, càng thuận lợi, dễ dàng hơn. Khoản phí tham gia BHXH hôm nay chắc chắc sẽ được hưởng trong tương lai, được Nhà Nước tính chi trả lương hưu, trợ cấp 1 lần .v.v. tính theo chỉ số giá tiêu dùng, như vậy giá trị đồng tiền của người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện luôn được đảm bảo. Hiện nay, nhiều người lao động đã nhìn thấy được lợi ích của BHXH tự nguyện nên đã tích cực tham gia, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thấy các lợi ích này, bên cạnh đó do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 người dân không có thu nhập đóng BHXH tự nguyện, mức đóng từ mức chuẩn nghèo đa chiều 700.000 đồng lên mức 1.500.000 đồng, người lao động chưa tìm được nguồn thu nhập để đóng tiếp dẫn đến chậm trễ.
Phối hợp với người có uy tín tại Buôn Dra Prong tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
Bà Nguyễn Thị Lạt, sinh năm 1972, ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ bán quán tạp hoá nhỏ ven đường, thu nhập tuy không cao nhưng tạm ổn, có đồng ra đồng vào phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn có đôi lúc bà tự hỏi mai này khi già yếu không buôn bán được thì cuộc sống sẽ thế nào. Hiểu được tâm tư của mẹ, con gái bà sau khi tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước đã mua BHXH tự nguyện cho mẹ. Đến nay, bà Lạt đã tham gia BHXH tự nguyện được 2 năm, hơn 1 năm nay do ảnh hưởng của COVID -19 thu nhập của con gái không đảm bảo duy trì tham gia cho mẹ, bà Lạt cũng tự tích góp từ thu nhập hàng ngày tham gia đầy đủ cho bản thân mình.
Tại Hội nghị đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện, bà Nguyễn Thị Chinh, thôn 8, xã Cư Ebur năm nay đã 68 tuổi cho biết, bản thân bà khá may mắn không ốm đau gì lớn, tuổi trẻ chăm chỉ lao động nên về già có của ăn của để, con cái trưởng thành có cuộc sống ổn định, bà không phải lo nghĩ gì nhiều. Tuy nhiên, khi nghe về chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước, bà lại thấy mình có thể có thêm những điều kiện tốt hơn cuộc sống hiện tại nếu trước đó bà có tham gia BHXH tự nguyện.
Người dân tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện
Tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đang trong những ngày trở lại trạng thái bình thường mới, các hoạt động mua bán kinh doanh có hạn chế nhưng cơ bản ổn định. BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội có nhiều tính ưu việt và thủ tục tham gia khá đơn giản, đáp ứng cơ bản nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Sau 14 năm triển khai, dẫu đã có nhiều nỗ lực nhưng số người tham gia vẫn còn ít. Hy vọng với sự phối hợp của các đơn vị có liên quan và nhưng nỗ lực nói trên của cơ quan BHXH tỉnh, năm 2022 và nhưng năm tiếp theo chính sách BHXH tự nguyện sẽ phát huy tốt vai trò ý nghĩa, thực sự là điểm tựa an sinh cho mỗi người lao động./.
Phạm Loan
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc