Gia tăng nhận BHXH một lần: Thách thức đối với an sinh xã hội ở Việt Nam
08/04/2022 01:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH nêu mục tiêu xuyên suốt: “Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội nước ta, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân, trên cơ sở phát triển hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, hiện đại và hội nhập quốc tế”. Mục tiêu trên đang từng bước được hiện thực hóa. Tuy nhiên, tình trạng gia tăng nhận BHXH một lần đang tác động trực tiếp đến việc duy trì và mở rộng đối tượng tham gia BHXH, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Thách thức
Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013) đã quy định: “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”. Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định BHXH là trụ cột chính của hệ thống các chính sách an sinh xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để thời gian qua công tác BHXH đạt được những bước tiến quan trọng, với diện bao phủ ngày càng được mở rộng; số người được thụ hưởng không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, mức độ bao phủ của BHXH còn thấp; số lao động khu vực phi chính thức tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách BHXH còn hạn chế. Trong khi đó, số người nhận BHXH một lần lại đang có xu hướng ngày càng tăng lên. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến diện bảo vệ của BHXH mà còn là thách thức rất lớn và lâu dài đến hệ thống an sinh xã hội. Phạm vi tham gia của NLĐ và toàn xã hội vào hệ thống an sinh xã hội đã hẹp lại càng hẹp hơn. Mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân cũng như mục tiêu gia tăng độ bao phủ của BHXH rất khó được thực hiện.
Cụ thể, theo thống kê, trong giai đoạn 2016- 2019, số người tham gia BHXH đều tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng bình quân hàng năm chỉ đạt 5,86%. Trong đó, tốc độ tăng bình quân về số người tham gia BHXH bắt buộc là 5,42%; tốc độ tăng bình quân hàng năm về số người tham gia BHXH tự nguyện là 5,91%. Tuy nhiên, con số tuyệt đối về người hưởng BHXH một lần cũng tăng, với tốc độ tăng bình quân mỗi năm là 9,17%. Thực tế trên cho thấy, nếu xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra trong tương lai thì không những diện bao phủ của BHXH rất khó đạt mục tiêu như mong muốn, mà còn là thách thức rất lớn đối với cả hệ thống an sinh xã hội nước ta.
Gia tăng nhận BHXH một lần còn là thách thức trực tiếp đối với chính người được hưởng. Bởi trong suốt vòng đời của một NLĐ, có những lúc, những giai đoạn họ sẽ gặp phải rủi ro về thu nhập do ốm đau, tai nạn, thai sản, bệnh nghề nghiệp hoặc về già (hết tuổi lao động). Nếu tham gia BHXH một cách ổn định, lâu dài, họ sẽ được trợ cấp theo từng chế độ BHXH. Dù mức trợ cấp nhiều hay ít, thì đó cũng là khoản thu nhập thay thế, bù đắp cho khoản tiền lương hay tiền công bị mất đi khi họ gặp rủi ro, gặp sự kiện bảo hiểm. Còn nếu nhận trợ cấp BHXH một lần thì bản thân họ và gia đình chỉ khắc phục được khó khăn trước mắt, nhưng khi về hưu- giai đoạn còn khá dài trong vòng đời của NLĐ- thì họ lại vô cùng khó khăn vì không có thu nhập, an ninh thu nhập sẽ không được đảm bảo. Đây là thách thức rất lớn và người già rất khó vượt qua, nếu gia đình và con cháu họ lại rũ bỏ trách nhiệm.
Gia tăng nhận BHXH một lần còn là thách thức không nhỏ đến hệ thống hưu trí- hệ thống mang tính trụ đỡ của an sinh xã hội nước ta. Thật vậy, số người già trong cơ cấu dân số nước ta hiện nay chiếm khoảng 16,8% (số người từ 61 tuổi trở lên đối với nam và 56 tuổi trở lên đối với nữ- số liệu 2019). Trong đó, số người hiện đang được hưởng tiền lương hưu hàng tháng từ quỹ BHXH là 2,21%; số người được trợ cấp lương hưu xã hội (những người từ 80 tuổi trở lên một tháng được trợ cấp 270.000đ/tháng) là 3,62%. Như vậy, số người chưa có tiền lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng hiện nay vẫn còn chiếm 10,97% (xấp xỉ 10 triệu người). Những con số này cho thấy, hệ thống hưu trí nước ta vẫn còn yếu do kinh tế- xã hội chưa thực sự phát triển. Bởi vậy, nếu những người tham gia BHXH nhận trợ cấp hưu trí một lần trước khi về hưu có xu hướng ngày càng gia tăng, sẽ càng làm cho hệ thống hưu trí thiếu bền vững, nhất là trong điều kiện già hóa dân số diễn ra nhanh chóng.
Bên cạnh đó, thực trạng gia tăng nhận trợ cấp BHXH một lần còn tạo ra tâm lý đám đông trong số những lao động đang trong hệ thống BHXH.
Khuyến nghị hạn chế nhận BHXH một lần
Để hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần ở nước ta hiện nay, đứng trên góc độ đảm bảo an sinh xã hội lâu dài và bền vững, tác giả bài viết khuyến nghị:
Trong quá trình cải cách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH theo hướng hạn chế nhận trợ cấp BHXH một lần. Trước hết, cần phải tiền hành điều tra, khảo sát những người đã nhận trợ cấp BHXH một lần và cả những người đang trong hệ thống BHXH để tìm hiểu nguyên nhân. Tiếp đến là đánh giá chính xác và khách quan thực trạng chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này. Sau đó là hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng: Giảm mức trợ cấp BHXH một lần, nhất là trợ cấp hưu trí một lần đối với những người đến tuổi về hưu nhận trợ cấp hưu trí một lần. Phần đóng góp cho chế độ hưu trí của người SDLĐ cần được nghiên cứu cắt giảm nếu NLĐ yêu cầu nhận trợ cấp hưu trí một lần. Thực hiện chiết khấu số tiền trợ cấp BHXH một lần theo số năm đóng BHXH của NLĐ.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, để NLĐ thấy được lợi ích của việc nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng, để họ dễ dàng so sánh thiệt hơn khi nhận trợ cấp hàng tháng hay nhận trợ BHXH một lần. Công tác này phải làm thường xuyên và vai trò của người SDLĐ là vô cùng quan trọng, bởi họ là người gắn bó trực tiếp với những NLĐ mà họ sử dụng. Cơ quan BHXH phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn ở từng cấp. Công đoàn cơ sở cần gắn bó, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ. Khi NLĐ có được những thông tin đầy đủ, chính xác và nhiều chiều thì họ sẽ có nhận thức đúng. Và trong nhiều trường hợp họ sẽ không lựa chọn nhận BHXH một lần.
Nguyễn Thị Chính- Trưởng Khoa Bảo hiểm, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc