Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT
03/08/2022 09:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 2/8, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Hội nghị có sự chủ trì của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cùng các đơn vị nghiệp vụ BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, đại diện của 8 đơn vị BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số cơ sở y tế: BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Hà Nội...
Chủ động đảm bảo chi phí KCB cho cơ sở y tế
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, Hội nghị là hoạt động tiếp nối chương trình phối hợp với ngành Y tế của BHXH Việt Nam trong tháng qua. Trước đó, BHXH Việt Nam đã cử các Đoàn công tác xuống nắm bắt tình hình trực tiếp tại một số cơ sở KCB tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai về việc tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giai đoạn trước năm 2021. Giám đốc BHXH nhiều địa phương đã trực tiếp làm việc với từng cơ sở y tế nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện KCB BHYT.
Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành BHXH và Y tế trong nhiều năm qua, với mục tiêu chung là tạo điều kiện thuận lợi tối đa chăm sóc sức khỏe người dân, tuy nhiên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ: Hội nghị chuyên đề về công tác KCB BHYT này được tổ chức nhằm hai bên trao đổi, cung cấp thông tin và giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT. Đồng thời, định hướng giải quyết những vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách đang được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp thực hiện. "Mục tiêu lớn nhất chúng ta hướng tới là đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT để tạo điều kiện tốt cho các cơ sở KCB tổ chức cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT theo đúng các quy định của pháp luật; mặt khác phải tối ưu hóa nguồn quỹ BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nữa...", Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế- Trần Văn Thuấn đánh giá, về cơ bản, hai ngành đã đạt được sự đồng thuận, phối hợp chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vướng mắc phát sinh mà trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Y tế cũng như BHXH Việt Nam chưa thể bao phủ hết. Đặc biệt, trong gian đoạn dịch bệnh Covid-19 phức tạp vừa qua, nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, những vấn đề phát sinh trong KCB BHYT chưa từng có tiền lệ nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Hoan nghênh sáng kiến của BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Y tế, sở y tế và các BV cùng chia sẻ các vướng mắc, làm cơ sở để BHXH và Bộ Y tế tháo gỡ, giải quyết ngay trong phạm vi trách nhiệm của mình. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền sẽ trình cấp có thẩm quyền cao hơn.
Làm rõ những vướng mắc bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật BHYT thời gian qua, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Công tác tổ chức thực hiện công tác KCB BHYT thời gian qua cũng cho thấy một số hạn chế, khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện về BHYT. Cụ thể như các quy định về thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế; vấn đề xác định tổng mức thanh toán quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Một số chi phí KCB vượt dự toán, vượt trần thanh toán của các năm trước chưa được xử lý triệt để; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua... Trong đó, có những khó khăn vướng mắc cần được điều chỉnh qua văn bản pháp luật. Nhưng có những khó khăn hoàn toàn có thể tháo gỡ trong hoạt động nghiệp vụ, cần sự đồng thuận giữa hai ngành BHXH và Y tế.
Thời gian qua BHXH Việt Nam đã luôn đồng hành cùng ngành Y tế, các cơ sở KCB tích cực chủ động để tìm các giải pháp và tổ chức triển khai tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ sở KCB đặc biệt trong các năm 2020, 2021 khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên phạm vi cả nước, các cơ sở KCB tập trung cao độ mọi nguồn lực để chống dịch. Trong hơn 2 năm qua, nhiều khó khăn vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB đã được từng bước giải quyết. Bao gồm các vướng mắc về cơ chế chính sách, về tổ chức thực hiện.
Trong các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, một số vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng. Cụ thể, trong các năm 2016- 2019, chi KCB BHYT hằng năm gia tăng mạnh, tình trạng bội chi quỹ lớn, nhiều cơ sở KCB bị vượt quỹ, vượt trần thanh toán tuyến 2, vượt dự toán. Các văn bản quy phạm pháp luật đều quy định cơ sở KCB phải thuyết minh các nguyên nhân vượt trần, vượt dự toán, cơ quan BHXH thực hiện thanh toán nếu đó là nguyên nhân khách quan.
"Tuy nhiên, tại thời điểm quyết toán, nhiều chi phí chưa được thuyết minh đúng quy định, chưa đủ hồ sơ thủ tục dẫn đến chưa đủ căn cứ đưa vào quyết toán theo quy định. Cơ quan BHXH đã chủ động tăng cường phối hợp với cơ sở KCB để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán đảm bảo tiến độ, đúng quy định của luật pháp", ông Lê Văn Phúc cho biết.
BHXH Việt Nam đã hướng dẫn các cơ sở y tế xác định nguyên nhân vượt trần, vượt quỹ; tổ chức thẩm định, tổng hợp báo cáo Hội đồng quản lý xem xét thông qua hoặc trình Thủ tướng quyết định theo thẩm quyền (đối với các chi phí vượt dự toán). Các chi phí vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao là gần 6.000 tỷ đã được BHXH thẩm định, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thanh toán bổ sung. Sau khi được thanh toán bổ sung, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp xác định lại tổng mức thanh toán năm 2019, giải quyết các chi phí vượt dự toán năm 2019. Tương tự như vậy đối với năm 2020. "Đến thời điểm này, các chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán trước năm 2020 đã được cơ bản giải quyết do vậy đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn về kinh phí cho các cơ sở KCB. Cơ quan BHXH không nợ chi phí KCB của các cơ sở KCB, các chi phí tồn đọng là do chưa đủ căn cứ đưa vào quyết toán theo quy định", ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.
Về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, để đảm bảo kinh phí cho các cơ sở KCB hoạt động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh khẩn trương thực hiện việc quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí cho hoạt động quý sau. Giai đoạn COVID-19, nhiều cơ sở KCB khó khăn về kinh phí, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tạm ứng đầy đủ, nếu khó khăn, báo cáo BHXH Việt Nam để được giải quyết.
Từ năm 2020, BHXH Việt Nam đã bắt đầu đưa ứng dụng VssID lên điện thoại thông minh, người tham gia BHYT có thể sử dụng hình ảnh thẻ trên ứng dụng này để KCB. Việc này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người bệnh BHYT, rút ngắn thời gian tiếp nhận bệnh nhân của cơ sở KCB.
BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB thực hiện mã hoá, chuẩn hoá thông tin các danh mục dùng chung, chuẩn hoá dữ liệu; hướng dẫn giải quyết các vấn đề vướng mắc trong mã hoá danh mục, dữ liệu điện tử. Nhờ đó chất lượng dữ liệu được nâng lên rõ rệt, hầu hết các tỉnh đã khắc phục được tình trạng gửi lại, thay thế dữ liệu; tỷ lệ liên thông toàn quốc bình quân đạt 92,28%; tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày là 93,15%.
Hiện tại, BHXH Việt Nam đang cùng BHXH Hà Nội hỗ trợ bệnh viện Bạch Mai chuẩn hoá dữ liệu của trên 100 nghìn hồ sơ bệnh án trong 6 tháng đầu năm 2022 để đảm bảo chính xác giữa dữ liệu trong bệnh án và dữ liệu XML trên Cổng giám định.
BHXH Việt Nam cũng có hướng dẫn tạm thanh toán cho thanh toán chi phí gây mê, gây tê (phương pháp vô cảm gây tê) chưa có quy định giá cụ thể, để đảm bảo việc thanh quyết toán cho cơ sở KCB trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với Bộ Y tế triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng và thanh toán chi phí KCB giai đoạn COVID-19, để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân BHYT
Nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách
Tổng hợp các vướng mắc cần tiếp tục xử lý, tháo gỡ, ông Phúc cho biết, đến thời điểm này, tổng chi phí KCB BHYT vượt trần thanh toán, vượt dự toán, hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyêt toán do các địa phương đề nghị thanh toán bổ sung (tại 28 tỉnh thành phố, 320 cơ sở KCB) là 1.601 tỷ đồng. Các chi phí này đang được BHXH Việt Nam tích cực phân tích hồ sơ, phân loại để xác định các chi phí đủ điều kiện thanh toán, tổng hợp báo cáo Hội đồng quản lý xem xét cho phép đưa vào quyết toán chi KCB BHYT năm 2021. Quá trình thẩm định cần có sự phối hợp chặt chẽ của cơ sở KCB, BHXH tỉnh và Sở Y tế về chuẩn bị hồ sơ, chứng từ chịu trách nhiệm khi đề nghị thanh toán chi phí vượt tổng mức, vượt dự toán Chính phủ giao.
BHXH Việt Nam cũng đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ như: Quy trình Giám định BHYT; Quy trình Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Tạm ứng thanh quyết toán chi phí KCB đồng thời triệt để ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo thực hiện minh bạch, hiệu quả, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB, hạn chế tối đa chồng chéo giữa các nghiệp vụ giám định, kiểm tra, kiểm toán.
Ông Phúc cũng chỉ rõ một số khó khăn vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, Chính phủ. Một số chi phí thuốc, vật tư y tế chưa được thanh toán cho các bệnh viện như: xác định tính hợp pháp của việc mua sắm thuốc theo hình thức chỉ định thầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy; mua sắm VTYT theo hình thức chỉ định thầu rút gọn tại Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh, các cơ sở y tế tại Hải Phòng... Thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định 151. Việc hướng dẫn thanh toán chi phí phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê của BHXH Việt Nam chỉ là tạm thời, hướng dẫn đảm bảo tính pháp lý cao hơn để giải quyết triệt để vẫn cần có văn bản của Bộ Y tế. Hiện nay, các cấp có thẩm quyền chậm cấp lại giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB thực hiện chia tách sáp nhập, thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn. Tình trạng thiếu thuốc, VTYT phục vụ người bệnh thời gian qua có nguyên nhân chủ yếu là chậm thầu từ các Hội đồng đấu thầu tập trung cấp quốc gia đến các địa phương và các cơ sở y tế; không lựa chọn được nhà thầu; chậm cấp số đăng ký.
Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn quyết toán chi phí KCB năm 2021, trong khi năm 2021 đã phát sinh một số vấn đề mới mang tính đặc thù. Do năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến hoạt động kinh kinh tế, xã hội nói chung trong đó có hoạt động khám, chữa bệnh. Số lượt người bệnh đến KCB giảm, chủ yếu là các trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính, không thể trì hoãn việc KCB. Chính vì vậy, việc áp dụng xác định tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã có những bất cập nhất định. Tại nhiều cơ sở KCB, chi phí KCB BHYT sau giám định cao hơn rất nhiều so với chi phí được quyết toán theo tổng mức thanh toán (có cơ sở KCB chênh đến 15%- 20%). Ngày 13/7/2022, Bộ Y tế đã có Tờ trình Chính phủ số 923/TTr-BYT đưa nội dung thanh quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021 vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, việc thanh toán chi phí KCB BHYT được thực hiện sau khi cơ quan BHXH giám định, thẩm tra và quyết toán theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật BHYT đã được sửa đổi, bổ sung; không áp dụng tổng mức thanh toán quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (ngày 17/10/2018) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
"Hiện BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở KCB tổng hợp, chuẩn hoá, hoàn thiện số liệu chi phí đưa vào quyết toán năm 2021 (bao gồm số phát sinh trong năm 2021 và trước năm 2021); thực hiện xác định tạm thời tổng mức thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 3144/BYT-BH ngày 22/4/2021 (hướng dẫn quyết toán năm 2020). BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo, hướng dẫn khi có quyết định của cấp thẩm quyền về phương thức quyết toán chi KCB BHYT năm 2021", ông Phúc cho biết. Ngoài ra còn bất cập trong quy định về tạm ứng, thanh quyết toán theo điều 32 Luật BHYT và Nghị định 146. Luật BHYT quy định quyết toán theo quý nhưng tổng mức thanh toán quy định tại Nghị định 146 được xac định theo năm, chưa có hướng dẫn xác định số quyết toán theo quý.
Phối hợp tháo gỡ vướng mắc thanh toán chi phí KCB BHYT
Chia sẻ khó khăn từ phía cơ sở y tế, PGS.Đào Xuân Cơ- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) và TS.Nguyễn Trí Thức- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cùng bày tỏ lo ngại về những chi phí bị "treo" từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định 151.
Hiện tại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chưa có căn cứ để thanh toán các chi phí này. Tuy nhiên, đại diện các BV đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất giải pháp thanh toán phù hợp với thực tế sử dụng của cơ sở y tế, đề nghị sửa đổi các quy định sát với thực tế hơn để không lãng phí các thiết bị y tế này.
Các BV cũng thừa nhận, các chi phí từ việc sử dụng thuốc, vật tư y tế vượt thầu có nguyên nhân chủ quan từ phía BV, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan ngoài tầm kiểm soát, đề nghị BHXH Việt Nam thẩm định, xem xét các chi phí có hồ sơ, bệnh án hợp lệ, đề xuất HĐQL sớm có quyết định các chi phí được chi trả, giảm bớt khó khăn cho cơ sở y tế.
Chung nhận định này, ông Nguyễn Đình Hưng- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh rằng "mục tiêu cuối cùng của hai ngành là thực hiện chính sách BHYT tốt nhất". Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần sớm tháo gỡ vướng về tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP đang khiến nhiều cơ sở y tế lo ngại về số chi hợp lệ nhưng lại vượt mức quy định này.
Đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, VTYT, PGS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết: Vướng mắc chủ yếu đến từ sự bất cập của văn bản pháp luật. Vướng chỗ nào thì cần cùng nhau giải quyết thì sẽ thấy ngay sự khác biệt. Đơn giản nhất là vướng mắc từ Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Ví dụ như hiện nay, BV Bạch Mai vẫn đang phải gửi bệnh nhân sang BV Đại học Y Hà Nội để đặt stent, bởi dù đã đấu thầu thành công nhưng nhà cung ứng không đủ VTYT cung cấp. Theo quy định hiện nay, chúng ta đang chọn thầu theo giá thấp nhất, do đó có thể có công ty trúng thầu ở nhiều cơ sở y tế nhưng khả năng cung ứng của họ rất kém...
PGS Nguyễn Lân Hiếu cũng chia sẻ: Thực tế cho thấy, cả cơ quan BHXH và cơ sở y tế đều cùng nhìn về một hướng là quyền lợi bệnh nhân, không nên có suy nghĩ rằng các vướng mắc là giữa “một bên giữ tiền và một bên tiêu tiền”. Cách thức giải quyết các khó khăn phát sinh trong thời gian tới vẫn là nên cùng ngồi với nhau ngồi bàn bạc, thống nhất cách giải quyết...
Phản ánh khó khăn của địa phương thường rơi vào tình trạng "vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT", ông Dương Đình Chỉnh- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, đặc thù của Nghệ là địa bàn rộng, dân số lớn, nhưng mức đóng của phần lớn người dân lại thấp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên thường gặp khó khăn từ quy định khoán chi phí KCB BHYT. Ông Chỉnh cũng chia sẻ khó khăn từ thực tế chưa tính đúng, tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nhưng lại yêu cầu các cơ sở y tế phải tự chủ. Hiện nay hầu như các BV trên địa bàn Nghệ An (trừ BV tâm thần) đều đã thực hiện tự chủ. Đề nghị Bộ Y tế sớm thực hiện đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm sức ép lên các cơ sở y tế.
Tại Hội nghị, chia sẻ những tháo gỡ từ phía Bộ Y tế, ông Vương Ánh Dương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết: quan điểm đầu tiên của đơn vị này là sẽ cố gắng cùng BHXH, cơ sở y tế tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn. Cục KCB cũng đang gấp rút thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, sửa đổi thông tư về định mức kỹ thuật, danh mục dịch vụ kỹ thuật, rút gọn từ trên 18.000 dịch vụ xuống còn khoảng 10.000 dịch vụ tương đương để thuận lợi cho việc thanh toán chi phí KCB BHYT.
Ông Lê Thành Công- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, với vướng mắc về chi phí từ máy mượn, máy đặt tại các BV công, Bộ Y tế đang trình Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB từ các máy này vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về máy xã hội hóa theo thực tiễn hiện nay trong quá trình sửa đổi Nghị định 151. Đồng thuận với kiến nghị của các cơ sở y tế về tính tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, ông Công nhận xét "chưa tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá, nhưng lại chạy theo tự chủ, trong khi không có quy định NSNN được cấp bù sẽ ảnh hưởng các cơ sở y tế, nhất là tuyến cơ sở. Với vai trò của mình, vụ cũng đang thảo luận về lộ trình sớm tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế". Hiện Bộ Y tế đã soạn thảo Thông tư về giá KCB theo yêu cầu, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét nếu không tác động nhiều đến CPI toàn quốc thì sớm ban hành...
Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cũng đề cập đến vướng mắc thanh toán 5 loại thuốc điều trị ung thư được cơ sở y tế chỉ định cho bệnh nhân, nhưng chưa được quỹ BHYT thanh toán do không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, nhưng lại được sử dụng theo đúng khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, việc thanh toán các loại thuốc này sẽ cần thảo luận riêng giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam để đưa ra quyết định phù hợp...
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng đề nghị các Vụ, Cục của Bộ Y tế nhanh chóng xác định danh mục công việc theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình, đặt ra thời hạn xử lý cụ thể từng vấn đề, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho cơ sở y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: Về nhóm khó khăn vướng mắc không phải xuất phát từ cơ chế chính sách, mà do phát sinh trong triển khai phối hợp thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam sẽ sớm giải quyết. BHXH Việt Nam sẵn sàng cùng ngành Y tế làm rõ vướng mắc, cùng nhau xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB tiếp tục rà soát các chi phí KCB BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021, đảm bảo đủ hồ sơ, điều kiện để báo cáo, đề xuất với Hội đồng quản lý đưa vào quyết toán năm 2021 và cần xử lý dứt điểm, không kéo dài. Tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh để thực hiện tạm ứng, quyết toán đúng quy định, đảm bảo tiến độ.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những vướng mắc, bất cập thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc