Quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên nên biết
02/09/2022 07:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Số học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tăng dần trong những năm gần đây. Với số tiền đóng hơn 560 nghìn đồng/năm, mức phí này đem lại lợi ích lớn, giúp các em được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh, có thể tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may mắc bệnh.
Các mức hưởng khi đi khám, chữa bệnh
Khi học sinh-sinh viên khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định, các em được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến, học sinh-sinh viên được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nếu thuộc một trong các trường hợp sau. Đó là: Tổng chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương khoảng 223 nghìn đồng); khám, chữa bệnh tại tuyến xã (trạm y tế xã, phường, thị trấn); Có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 8,94 triệu đồng).
Bên cạnh đó, học sinh-sinh viên được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế. Phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám, chữa bệnh.
Qua việc tham gia bảo hiểm y tế, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh-sinh viên, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.
Thứ hai, đối với trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng tuyến sẽ có các mức thanh toán khác nhau.
Tại bệnh viện tuyến trung ương, mức thanh toán là 40% chi phí điều trị nội trú.
Tại bệnh viện tuyến tỉnh, mức thanh toán là 100% chi phí điều trị nội trú.
Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú.
Quỹ Bảo hiểm y tế cũng góp phần giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình học sinh-sinh viên trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Theo thống kê, đến nay, đã có hàng chục triệu lượt học sinh-sinh viên được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả kinh phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Trong đó, có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, bệnh mạn tính đã được thanh toán hàng tỷ đồng.
Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của học sinh-sinh viên
Thẻ bảo hiểm y tế được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông cũng như học sinh-sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục dạy nghề.
Riêng đối với học sinh lớp 1, giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế bắt đầu từ ngày 1/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học.
Đối với học sinh lớp 12, thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm học.
Đối với sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ khi nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng.
Đối với sinh viên năm cuối của khóa học, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế tương ứng với số tiền đóng bảo hiểm y tế theo số tháng đã tham gia của học sinh-sinh viên.
Cách tra cứu thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế với học sinh-sinh viên:
- Truy cập vào Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam (https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the- bhyt.aspx)
- Nhắn tin theo cú pháp: BH THE “Mã thẻ bảo hiểm y tế” gửi 8079. Mức phí phải trả là 1.000 đồng/tin nhắn, là phí dịch vụ của nhà mạng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thu tiền dịch vụ trên.
- Gọi điện đến Tổng đài 1900.9068 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ.
- Cài đặt và sử dụng ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để theo dõi quá trình đóng - hưởng bảo hiểm y tế của bản thân; cập nhật các thông tin về chính sách bảo hiểm y tế; thực hiện một số dịch vụ công của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm y tế.
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc