Đắk Lắk: Hỗ trợ người dân khó khăn tham gia bảo hiểm y tế
12/10/2022 08:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc phát triển bảo hiểm y tế ở vùng khó khăn của tỉnh Đắk Lắk còn nhiều thách thức do đời sống của người dân còn hạn chế, ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài và một số thay đổi của chính sách khiến nhiều người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tại tỉnh không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế… Trước thực trạng trên, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp khắc phục.
Theo ông Tạ Đức Hậu, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã khiến lượng người tham gia bảo hiểm y tế giảm sâu. Khi quyết định có hiệu lực, việc thay đổi về khu vực dẫn đến nhiều người dân không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Tỉnh Đắk Lắk có trên 180.000 người bị ảnh hưởng. Trong số này, phần lớn là người dân tộc thiểu số rất khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp, không ổn định, gia đình đông con nên không có nguồn tài chính để tham gia bảo hiểm y tế.
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân được hưởng các chính sách trong việc khám, chữa bệnh, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với các cơ quan ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc Quốc hội đề nghị kéo dài chính sách này đến ngày 30/6/2021 với số tiền do ngân sách địa phương hỗ trợ đóng trên 14 tỷ đồng.
Ông Tạ Đức Hậu cho biết, Đắk Lắk là tỉnh nghèo, có đông người dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn, việc bỏ một số tiền lớn để chi hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng này là hết sức khó khăn. Trước thực trạng trên, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành, địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền, đến từng gia đình, thôn, buôn để vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình nhằm bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân khi cần. Tùy vào hoàn cảnh, người dân có thể tham gia đóng bảo hiểm y tế với hình thức linh hoạt 3,6,9 tháng.
Phần lớn người dân tại Đắk Lắk chủ yếu làm nông nghiệp. Do đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã vận động người dân tham gia hội gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để được hưởng các chính sách của tỉnh ban hành. Ngày 21/12/2021, HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết 18/2021/NQ-HĐND về việc quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo đó, ba nhóm đối tượng là: hộ cân nghèo; hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế. Đặc biệt, nhóm đối tượng hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách Trung ương hỗ trợ 30%, ngân sách địa phương 30%.
“Đến nay, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã vận động khoảng 90.000 người dân tộc thiểu số khó khăn trong vùng bị ảnh hưởng tham gia lại bảo hiểm y tế. Đây là những cố gắng rất lớn của địa phương”, ông Tạ Đức Hậu chia sẻ.
Đắk Lắk hiện có gần 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số. Toàn tỉnh có 130 xã, gồm 69 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 54 xã khu vực III.
Tính đến hết tháng 9/2022, Đắk Lắk có 105.031 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (tăng 2.954 người so với cuối năm 2021). Người tham gia bảo hiểm y tế chiếm 87,6% dân số, với hơn 1,6 triệu người, đạt 96% kế hoạch. Số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 2.469 tỷ đồng, đạt 70,18% kế hoạch.
Báo Tin tức
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc