IMF hỗ trợ BHXH Việt Nam mở rộng bao phủ BHXH và cân bằng quỹ
02/03/2023 09:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 2/3, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) do ông Francois Painchaud- Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam làm Trưởng đoàn về việc đánh giá, mở rộng độ bao phủ BHXH gồm khu vực phi chính thức và xây dựng, chuyển giao, đào tạo mô hình tính toán hưu trí cho BHXH Việt Nam.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh; ông Csaba Feher- Trưởng nhóm chuyên gia của IMF; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và các thành viên nhóm chuyên gia của IMF.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh bày tỏ sự vui mừng khi BHXH Việt Nam được làm việc với Đoàn chuyên gia kỹ thuật của IMF; đồng thời đánh giá cao hoạt động tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực, đặc biệt là các báo cáo phân tích, đánh giá và khuyến nghị cho các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong thời gian dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng hoan nghênh, chuyến công tác mở đầu cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật tại Việt Nam của nhóm chuyên gia kỹ thuật IMF đã chọn BHXH Việt Nam. Đặc biệt, hai nội dung đánh giá, mở rộng bao phủ BHXH bao gồm khu vực phi chính thức và xây dựng, đào tạo, chuyển giao mô hình tính toán hưu trí, đều là những lĩnh vực mà phía BHXH Việt Nam hết sức quan tâm.
Trao đổi với đoàn công tác về thực trạng chính sách BHXH tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay số lượng lao động trong khu vực phi chính thức chiếm khoảng 28 triệu lao động- đây là dư địa rất lớn, tuy nhiên dộ bao phủ BHXH tự nguyện của nhóm đối tượng này mới chỉ đạt khoảng 5% và không bền vững. Do đó, vấn đề đặt ra cho ngành BHXH Việt Nam là làm sao để 95% còn lại đều tham gia BHXH- lưới an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước để cuộc sống của họ sau này được đảm bảo.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao việc IMF hỗ trợ kỹ thuật cho BHXH Việt Nam
“Riêng với qũy BHXH là quỹ lớn nhất ngoài ngân sách nhà nước được giao cho BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc chính phủ phụ trách. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn quỹ đồng thời đảm bảo chi trả chế độ cho người dân là nhiệm vụ quan trọng được chúng tôi đặt lên hàng đầu”- Tổng Giám đốc khẳng định.
Để hệ thống chính sách BHXH tại Việt Nam phát triển bền vững, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, IMF chú trọng hỗ trợ BHXH Việt Nam một số nội dung như nâng cao năng lực mở rộng đối tượng cho BHXH Việt Nam đặc biệt là khu vực phi chính thức hưởng đến đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người lao động. Thúc đẩy năng lực cải thiện chính sách hưu trí trong việc điều chỉnh sửa đổi Luật BHXH và các luật có liên quan trong khuôn khổ cải cách chính sách tài khóa của Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ hoàn chỉnh mô hình dự báo trong ít nhất 2 năm tiếp theo nhằm đảm bảo năng lực dự báo chính xác, bền vững cho ngành BHXH Việt Nam.
Cùng với đó, tiếp tục đào tạo chuyên sâu cho một số cán bộ chủ chốt nhằm đảm bảo năng lực tính toán cân đối quỹ dài hạn và chủ động, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng chính sách BHXH của BHXH Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cho BHXH Việt Nam về quản lý, đầu tư quỹ và tài chính thông qua việc phối hợp tổ chức hoặc các cán bộ tham gia các khóa đảo tạo phù hợp ở trong nước và ở nước ngoài do IMF tài trợ; tham vấn, điều chỉnh chính sách với Chính phủ và Bộ, ngành hữu quan và phối hợp với các nhà tài trợ, đối tác quốc tế khác để đồng tài trợ cho BHXH Việt Nam trong thời gian tới…
Ông Francois Painchaud (giữa) đề nghị BHXH Việt Nam tạo điều kiện cho Đoàn công tác
Gửi lời chúc mừng tới BHXH Việt Nam về những thành quả trong công tác triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Việt Nam thời gian qua, ông Francois Painchaud- Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam cho biết, mục đích của chuyến công tác lần này là khảo sát, đánh giá để chuẩn bị cho công tác hỗ trợ kỹ thuật của đoàn IMF sắp tới tại Việt Nam. Trong đó, có nội dung đánh giá và tìm hiểu về dữ liệu sẵn có của hệ thống BHXH hiện nay do BHXH Việt Nam quản lý, cũng như nguồn dữ liệu có liên quan khác trong Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, Đoàn công tác sẽ đánh giá năng lực và sự ổn định bền vững tài chính của quỹ BHXH Việt Nam cũng như mục tiêu và định hướng, kế hoạch của BHXH Việt Nam trong việc mở rộng bao phủ BHXH trong khu vực phi chính thức; các vấn đề liên quan đến chính sách trong việc tăng cường độ bao phủ BHXH, đặc biệt trong khu vực phi chính thức.
Ngoài ra, về phía IMF cũng hỗ trợ BHXH Việt Nam trong hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ BHXH Việt Nam. “Đây sẽ là chương trình đào tạo dài hạn hướng tới mục tiêu nâng cao hệ thống CNTT, năng lực nghiệp vụ số… Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn phía BHXH Việt Nam sẽ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu chất lượng cao cho chuyên gia trong đoàn để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc và hợp tác giữa hai bên”- ông Francois Painchaud bày tỏ.
Chia sẻ thêm về nội dung hợp tác giữa hai bên, ông Csaba Feher- Trưởng nhóm chuyên gia của IMF cho biết, IMF mong muốn thông qua hoạt động này, trong tương lai hai bên sẽ có những hợp tác mang tầm trung hạn cũng như hoạt động dài hơi hơn. IMF cũng coi đợt làm việc này như một sự chuẩn bị để cho quá trình đối thoại và hợp tác lâu dài hơn giữa BHXH Việt Nam và IMF cùng các cơ quan liên quan trực tiếp đến vấn đề BHXH.
Theo ông Csaba Feher, trong khoảng thời gian một tuần làm việc với các cơ quan liên quan, đoàn công tác sẽ tìm hiểu, tìm kiếm sự hợp tác giữa các bên để xác định mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật trong trung hạn. “Giai đoạn đầu tiên trong lĩnh vực hợp tác thì mục tiêu là tìm hiểu cách thức phát triển BHXH tự nguyện trong khu vực phi chính thức. Chính vì vậy, đối với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật này, chúng tôi không chỉ có chuyên gia về quỹ hưu trí, mà còn có chuyên gia về thuế cũng như thu ngân sách”- ông Csaba Feher thông tin.
Đoàn chuyên gia của IMF sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho BHXH Việt Nam từ ngày 3-14/3
Liên quan đến việc đào tạo trong lĩnh vực dự báo quỹ, ông Csaba Feher đưa ra một số đề xuất như: Việc đào tạo không chỉ riêng cán bộ BHXH Việt Nam mà nên mời cán bộ của các bộ, ngành liên quan, bởi đây là những đơn vị mà BHXH Việt Nam phải duy trì phối hợp thường xuyên. Bên cạnh đó, mục tiêu cuối cùng của việc đào tạo không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà cho đến cuối chương trình hỗ trợ của IMF, các cán bộ phải sử dụng, sở hữu, điều chỉnh được mô hình và dự đoán được theo mục tiêu cụ thể của BHXH Việt Nam. Vì vậy, các cán bộ tham gia quá trình đào tạo phải có độ tập trung cao để nắm vững, sử dụng và vận hành được mô hình.
Ngoài ra, ông Csaba Feher cho biết, IMF muốn đề xuất xây dựng chương trình hợp tác trung hạn từ 2-3 năm chứ không chỉ dừng lại ở vài tuần như hiện tại. Do vậy, trong quá trình trao đổi, ông đề nghị phía BHXH Việt Nam chia sẻ, gợi mở thêm về yêu cầu chuyên môn có cần sự hỗ trợ của IMF hay không, từ đó có kế hoạch xây dựng hỗ trợ và duy trì đối thoại, trao đổi giữa 2 bên.
Đồng tình với các đề xuất từ phía IMF, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay BHXH Việt Nam đã có quyết định thành lập Tổ cân đối quỹ, với 17 chuyên gia, để dự báo và tính toán cân đối quỹ. Những cán bộ này là nòng cốt tham dự đào tạo trong đợt công tác này của đoàn công tác. Tổng Giám đốc cũng thống nhất và đánh giá cao ý kiến mời thêm các cán bộ của bộ, ngành liên quan.
Về việc mở rộng bền vững BHXH đặc biệt trong khu vực phi chính thức, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm không chỉ riêng ngành BHXH Việt Nam mà còn cả từ Chính phủ, Quốc hội với mục tiêu toàn bộ người dân được tham gia vào lưới an sinh. Để đạt được mục tiêu tổng thể này, Tổng Giám đốc đề nghị phía IMF bổ sung thêm các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đào tạo cán bộ trong lĩnh vực quản lý thu, chi chế độ và đa dạng hoá các danh mục đầu tư…
Về việc xây dựng chương trình hỗ trợ hợp tác trung hạn và dài hạn, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh gợi ý, hai bên có thể xây dựng dự án tăng cường tổng thể trong quản lý quỹ và phát triển mở rộng bao phủ BHXH. Trong đó, sẽ gồm các nội dung như: sản phầm đầu ra dự báo cân đối quỹ, dự báo kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến việc cân đối và phát triển quỹ; những tác động ảnh hưởng đến giải pháp bao phủ BHXH, quản lý thu chi, đa dạng hoá các danh mục đầu tư. Giai đoạn thực hiện có thể từ 3-5 năm (2023-2026) hoặc có lộ trình từng năm một và sẽ có chương trình hoạt động cụ thể…
Theo kế hoạch, từ ngày 3-14/3, đoàn chuyên gia của IMF sẽ triển khai các hoạt động hộ trợ kỹ thuật về việc đánh giá, mở rộng độ bao phủ BHXH gồm khu vực phi chính thức và xây dựng, chuyển giao, đào tạo mô hình tính toán hưu trí cho BHXH Việt Nam. Đồng thời, đoàn cũng sẽ làm việc tại một số bộ, ngành liên quan để tìm hiểu về công tác phối hợp, cũng như thực trạng chính sách BHXH tại Việt Nam.
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc