Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cổ vũ phong trào “Nghìn việc tốt”
24/03/2023 10:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tròn 60 năm ra đời của phong trào thi đua “Nghìn việc tốt” với tên đầy đủ là “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ” (24/3/1963 - 24/3/2023) gắn với tên tuổi của Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ để thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng của thiếu nhi.
TRÂN TRỌNG NHỮNG SÁNG KIẾN CỦA QUẦN CHÚNG
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tin tưởng vào quần chúng, tin vào khả năng sáng tạo vô hạn của quần chúng, vì vậy, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Người khẳng định: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(1).
Theo đó, sáng kiến phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ” của nhà giáo bình dị nhưng có tâm, tầm, trí Nguyễn Đức Thìn được Bác Hồ quan tâm, động viên, cổ vũ nhiệt thành; một năm sau đó, trong “Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt”, ngày 27/3/1964 đăng trên Báo Nhân dân, số 3651 ra ngày 28-3-1964 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới và khen ngợi: “Các cháu nhi đồng ta rất ngoan, chăm học chăm làm; nhiều cháu đã dũng cảm cứu bạn trong cơn nguy hiểm, nhiều cháu thật thà đem trả của rơi, thương yêu giúp đỡ nhau và thi đua làm "nghìn việc tốt"”(2). Hiếm có một vị lãnh tụ nào tại một hội nghị có tính chất đặc biệt lại nêu đích danh tên một phong trào thi đua như Bác!
Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường đại học Sư phạm Hà Nội, trong khi Người nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường, một lần nữa Bác lan tỏa hiệu quả của phong trào này: “Hiện nay có hàng vạn học sinh tốt nghiệp lớp 7, lớp 10 đã xung phong đi tham gia sản xuất ở các công trường, ở miền núi; có 797 cháu cấp I, cấp II, cấp III học giỏi được giải thưởng.
Trong phong trào "Làm nghìn việc tốt" có 40 vạn cháu thiếu nhi có nhiều thành tích”(3). Cũng tinh thần ấy, trong “Bài nói tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm”, Người nhấn mạnh: “Phong trào thi đua làm “nghìn việc tốt” phát triển mạnh. Nhiều cháu mới 11, 12 tuổi mà đã dũng cảm cứu bạn khỏi chết đuối. Nhiều cháu đã nêu gương thật thà, nhặt được của rơi đều đem trả lại. Có cháu đã cõng bạn bị tàn tật đi học suốt mấy năm liền. Cháu Nguyễn Ngọc Ký tàn tật cả hai tay, dùng chân để viết mà đã cố gắng phấn đấu trở thành một học sinh giỏi. Nhiều cháu học sinh lớp 7 và lớp 10 hăng hái xung phong lên miền núi tham gia phát triển kinh tế”(4).
Từ lời động viên, cổ vũ nhiệt thành của Bác Hồ, từ một sáng kiến của một cá nhân được phát động năm 1963 tại Trường trung học cơ sở Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hiệu ứng xã hội lớn và trên thực tế đã đạt nhiều thành quả to lớn, nhưng trước hết và quan trọng là đã được thời gian minh chứng như là “một vườn ươm nhân trí đức tài”. Mục tiêu của phong trào đã sớm đạt được.
Điều này được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân, số 5526 ra ngày 1/6/1969, khi Người khẳng định: “Nói chung trẻ con ta rất tốt. Ở miền Nam, các cháu bé rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có người kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích... Nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ. Ở miền Bắc, các cháu đều hăng hái thi đua làm “nghìn việc tốt” như giúp đỡ gia đình bộ đội, trả lại của rơi, gan góc liều mình cứu bạn... Ở nông thôn thì nhiều nơi các cháu tổ chức giúp các hợp tác xã chăm sóc trâu bò béo khỏe, trồng cây và bảo vệ cây xanh tốt. Các cháu sơ tán xa gia đình vẫn cố gắng vượt mọi khó khăn, kính thầy yêu bạn, đoàn kết với đồng bào địa phương và thi đua học tập tốt, lao động tốt. Nhiều cháu học giỏi, tất cả các môn đều đạt điểm 5, điểm 10, đã được giải thưởng của Bác Hồ. Hàng trăm cháu có thành tích xuất sắc đã được Bác Hồ thưởng huy hiệu. Hơn hai triệu cháu được bình bầu là Cháu ngoan Bác Hồ. Nhân dân ta rất tự hào có nhiều con cháu tiến bộ như thế. Mong các cháu ngày càng cố gắng hơn nữa và tiến bộ hơn nữa”(5).
Không những thế, đây là kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa được Bác Hồ chia sẻ với bạn bè quốc tế khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Granma (Cuba) ngày 14/7/1969, in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Granma (Cuba), số ra ngày 29/7/1969 và bằng tiếng Pháp trên báo Granma (xuất bản hằng tuần), số ra ngày 3/8/1969, dưới đầu đề “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” được Báo Nhân dân dịch và in lại: “Các cháu thanh niên cũng đạt được nhiều tiến bộ. Các cháu đã hoạt động với một tinh thần yêu nước cao trong chiến đấu và trong các đội giao thông vận tải. Ngay cả các cháu thiếu nhi cũng lớn lên nhiều trong đấu tranh. Thiếu nhi làm nghìn việc tốt. Có một phong trào mang tên như vậy. Chúng tôi có thể kể nhiều mẩu chuyện về tinh thần dũng cảm của các cháu thiếu nhi đã hy sinh thân mình để cứu người khác, trong khi đó ở Mỹ, số thanh niên, thiếu niên phạm pháp mỗi ngày một tăng”(6).
PHƯƠNG CÁCH ĐỂ TÌM TÒI, NHÂN RỘNG SÁNG KIẾN, PHONG TRÀO THI ĐUA
Không chỉ vũ phong trào “Nghìn việc tốt” với tính cách là sáng kiến của quần chúng nhân dân, Người còn chỉ ra phương cách tiến hành cho cán bộ, đoàn thể có được nhiều sáng kiến khác có giá trị cho nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể và nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, cụ thể:
Trước hết, phải am hiểu tường tận về sáng kiến. Người giải thích: “Một vấn đề nữa: Chúng ta thường nói đến hai chữ sáng kiến một cách mênh mông, không thiết thực. Như là phải có tài giỏi đặc biệt mới có sáng kiến. Nếu ta thử hỏi: sáng kiến là gì? thì chắc nhiều người trả lời không xuôi. Như thế mà mong cán bộ và đảng viên có sáng kiến thì sao mà có được! Chúng ta phải nhận rõ: bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến. Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực”(7).
Thứ hai, ai cũng có thể có sáng kiến nếu hội tụ điều kiện cần và đủ, đó là: “Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”(8).
Thứ ba, phải lãnh đạo khéo để cán bộ có gan phụ trách, phát huy sáng kiến của cấp dưới. Người nhắc nhở: “Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến”(9), “Đồng thời phải ra sức suy nghĩ, tìm tòi, để tăng thêm sáng kiến của mình”(10).
Thứ tư, phải thực hành và phát huy dân chủ mà Người gọi đó là “cái “chìa khóa vạn năng”” trong bài viết cùng tên, viết ngày 25/3/1967 khi Người căn dặn: “Khi họp bàn dân chủ với toàn thể công nhân, thì anh chị em mỗi người nêu một sáng kiến, chẳng mấy chốc đã giải quyết nốt cả 2.000 giờ thiếu một cách dễ dàng”(11).
Thứ năm, phải tin dân, trọng dân, an dân và phải làm gương cho dân: “Đối với nhân dân: Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(12). Đây chính là điều căn cốt nhất để phát hiện, cổ vũ và nhân rộng các phong trào thi đua.
HIỆN THỰC HÓA CHỈ DẪN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀO PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC CỦA THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG HIỆN NAY
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta hết sức chú ý với quyết tâm chính trị cao để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1969, trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”(13).
Từ lời chỉ dẫn quý báu trên của Bác, phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam được khởi xướng bởi thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Tổng phụ trách thiếu nhi (nay là Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động) phát động ngày cách đây 60 năm với tên gọi “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ”; từ đó đến nay phong trào đã nhanh chóng lan tỏa, trở thành “vườn ươm nhân trí đức tài” - môi trường trong sáng, thấm đẫm tình người nhân ái cho các em thiếu nhi tu dưỡng, rèn luyện, trở thành những công dân tốt, phụng sự xây dựng quê hương đất nước.
Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) đã đánh giá phong trào “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” là một phong trào có tác dụng giáo dục toàn diện đối với thiếu niên, nhi đồng và đã quyết định phát triển sâu rộng trong hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi. Trên tinh thần đó, phong trào “Nghìn việc tốt” nhanh chóng được nhân rộng, thu hút gần như toàn bộ thiếu niên, nhi đồng và các tổ chức Đội ở các địa phương trong cả nước tham gia dưới nhiều hình thức.
Là địa phương khởi xướng phong trào này, đồng chí Trần Văn Túy, ,nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng có lời đánh giá rất sâu sắc về phong trào “Nghìn việc tốt”: “Nghìn việc tốt là phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi, thắp lửa nhân ái. Làm nhiều việc tốt để trở thành người tốt. Người tốt là người làm nhiều việc tốt cho nước, cho dân, cho chính mình. Làm nghìn việc tốt nhân lên cái tốt, xóa đi cái xấu, rèn luyện thiếu nhi tự giác sống có nhân cách, tự quản, nguyện là chiến sĩ nhỏ, cháu ngoan Bác Hồ, con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, hăng hái “Tiến bước lên Đoàn”, trưởng thành là công dân tốt”(14).
Về vấn đề này, Hội đồng Đội Trung ương đánh giá: “Trải qua 60 năm duy trì và phát triển, phong trào “Nghìn việc tốt” không ngừng được nâng cao cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn, từng bước phát triển ngày càng sâu rộng, thể hiện trên tất cả các mặt hoạt động của Đội. Dưới sự dìu dắt, phụ trách của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, phát huy hiệu quả phong trào“Nghìn việc tốt”, nhằm cụ thể hóa 5 điều Bác Hồ dạy, các phong trào thi đua của thiếu nhi ngày càng thêm nở rộ, tạo sức lan tỏa và phổ biến trong các liên đội, đáp ứng được những yêu cầu trong tình hình mới, tiêu biểu như các chương trình, phong trào: “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”;“Rèn luyện đội viên”,“Thiếu nhi Việt Nam học tập tốt rèn luyện chăm”; “Tuổi trẻ Việt Nam - Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai”; “Vì Mái trường xanh”; “Em yêu khoa học, tài năng công nghệ nhí”, “Đọc và làm theo báo Đội”; “Kế hoạch nhỏ”; “Vượt khó học tốt”, “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Giờ học tốt, ngày học tốt”, “Mizuiku - Em yêu nước sạch”; “Áo lụa tặng bà”, “Tấm áo tặng bạn”, “Những địa chỉ nghĩa tình”, “Đi tìm địa chỉ đỏ” và cuộc vận động “Vòng tay bè bạn”…
Nhiều cấp bộ Đoàn, các cán bộ phụ trách Đội đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, sinh hoạt chuyên đề, thảo luận, đi sâu nghiên cứu những điều Bác Hồ dạy, vận dụng vào việc giáo dục, tổ chức hoạt động cho thiếu niên, nhi đồng phù hợp với từng lứa tuổi, làm cho các em ngày càng thấm thía hơn với những lời dạy của Bác, trở thành tâm huyết, thành phương châm hành động, thành dấu ấn trong suốt cuộc đời của các em từ lúc nhỏ cũng như khi đã trưởng thành, tiêu biểu như tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”; “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; “Nói lời hay, làm việc tốt”...Thông qua các phong trào hoạt động, thiếu nhi cả nước đã được trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và được giáo dục những truyền thống tốt đẹp của cách mạng và dân tộc Việt Nam, trở thành nguồn động lực to lớn, vô tận đã và đang dẫn dắt, thúc đẩy hàng chục triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và toàn thể xã hội phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần bồi dưỡng, hình thành cho thiếu nhi những giá trị phẩm chất tốt đẹp, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu” (15).
TS. THÁI SƠN HÀ
_________________
(1) (7) (8) (9) (10) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H, 2011, t.5, tr.335, 284-285, 285, 320, 333, 69.
(2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.276, 401, 401.
(5) (6) (11) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.578, 676, 325, 579.
(14) Ngọc Linh: 50 năm phong trào “Nghìn việc tốt” - vườn ươm nhân trí đức tài, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 12/5/2013.
(15) Hội đồng Đội Trung ươn: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm phong trào “Nghìn việc tốt” (24/3/1963 - 24/3/2023).
Tạp chí Tuyên giáo
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc