“Chìa khóa” phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
17/04/2023 04:20 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã linh hoạt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT).
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Với tinh thần chủ động, “đi trước một bước” để đưa chính sách BHXH đến với người dân, người lao động; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, BHXH tỉnh và các địa phương đã đa dạng công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực.
Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử BHXH; các cơ quan thông tấn, báo chí; pa nô, áp phích; phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền; tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT; phối hợp với đơn vị dịch vụ thu tổ chức hội nghị tuyên truyền, hội nghị khách hàng cho các nhóm đối tượng tại cơ sở…
Đặc biệt, thông qua công tác phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh để tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến công nhân lao động, cán bộ công đoàn cơ sở; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể của các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với cán bộ không chuyên trách cấp xã, hội viên các hội đoàn thể cấp xã, chủ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân trên địa bàn; tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về chính sách BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, ngành BHXH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua mạng xã hội như Fanpage và Zalo page của BHXH tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; quán triệt với tinh thần mỗi viên chức, người lao động chủ động sưu tầm những thông tin chính thống về chính sách BHXH, BHYT, VssID trên Fanpage, Zalo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh… để chia sẻ, đăng tải, tuyên truyền trên trang mạng xã hội cá nhân với mục tiêu mỗi viên chức, người lao động là một tuyên truyền viên chính sách BHXH, BHYT nhằm đưa chính sách đến gần với người dân hơn.
Ngoài ra, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng trở thành phương tiện quan trọng giúp chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, chính xác thông tin; tạo sự đồng thuận trong nhân dân về những đổi mới của ngành BHXH.
Đưa chính sách đến gần dân hơn
Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong năm 2022, BHXH tỉnh đã phát 8.080 lượt tuyên truyền các chính sách BHXH, BHYT trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở bằng ba thứ tiếng: Kinh, Êđê và M’nông; tổ chức 2 lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT đã vận động được 3.098 người tham gia BHYT hộ gia đình và 716 người tham gia BHXH tự nguyện; 420 hội nghị khai thác mới 3.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 6 hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp với hơn 900 công nhân lao động, cán bộ công đoàn cơ sở; 345 cuộc tuyên truyền, đối thoại trực tiếp cho hơn 18.000 người là cán bộ không chuyên trách cấp xã, hội viên các hội đoàn thể cấp xã, chủ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân; đối thoại trực tiếp với hơn 900 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về chính sách BHXH, BHYT….
Đơn cử như cuối tháng 3 vừa qua, tại trụ sở UBND xã Krông Na, BHXH huyện Buôn Đôn đã phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức hội nghị giới thiệu chính sách BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn xã. Trong buổi tuyên truyền, cán bộ BHXH huyện đã giới thiệu, giải đáp những thắc mắc về chính sách BHXH tự nguyện một cách gần gũi, dễ hiểu để người dân tiếp cận thông tin bằng những hình thức ngắn gọn, trực quan qua ví dụ từng trường hợp cụ thể và tờ rơi. Nhờ đó, tại hội nghị, BHXH huyện đã vận động được 6 người dân tham gia. Chị H Hiệp Glan (buôn Ea Mar, xã Krông Na) chia sẻ: “Trước đây tôi cũng đã nghe đến việc người dân lao động tự do như mình có thể tham gia BHXH tự nguyện; tuy nhiên, do chưa hiểu rõ, tôi lo sợ sẽ bị lừa gạt như các loại hình bảo hiểm thương mại khác nên chần chừ không dám tham gia. Bây giờ, khi đã được cán bộ BHXH huyện giải thích rõ quyền và lợi ích khi tham gia nên tôi đã đăng ký ngay”.
Theo BHXH tỉnh, thông qua việc tăng cường công tác truyền thông, cán bộ BHXH các địa phương đã tập trung vào các đối tượng khách hàng tiềm năng và nhóm đối tượng hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình để vận động, tuyên truyền. Từ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều người đã biết đến chính sách, lợi ích và tham gia vào hệ thống BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày một nhiều hơn. Đến cuối tháng 3/2023, toàn tỉnh có 107.219 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 4.370 người so với cùng kỳ năm 2022; 17.452 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 708 người; 1.621.517 người tham gia BHYT, tăng 58.139 người.
Báo Đắk Lắk
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc