Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Cần thêm nguồn lực hỗ trợ
04/08/2023 03:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bên cạnh gia tăng quyền lợi thì sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và cả địa phương là giải pháp cốt yếu để phát triển đối tượng trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.
Trở ngại từ thực tiễn
Từ ngày 1/1/2018, người dân tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ. Theo đó, các đối tượng hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30% (46.200 đồng/tháng), hộ cận nghèo là 25% (38.500 đồng/tháng) và tất cả các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10% (15.400 đồng/tháng).
Đến ngày 1/1/2022, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện và mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo. Cụ thể, đối với người tham gia thuộc hộ nghèo số tiền hỗ trợ tăng lên 99.000 đồng/tháng, cận nghèo 82.500 đồng/tháng và các đối tượng khác tăng lên 33.000 đồng/tháng.
Với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, thời gian qua, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể.
Nếu như năm 2018, số người tham gia BHXH là 106.486 người (chiếm 11,42% lực lượng lao động trong độ tuổi), trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,4% lực lượng lao động trong độ tuổi thì đến năm 2022, số người tham gia BHXH là 125.377 người, tăng 18.891 người (chiếm 13.03%), trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1,92%.
Trong năm 2023, theo kế hoạch số người tham gia BHXH phải đạt 153.921 người; thế nhưng do ảnh hưởng của nền kinh tế và đời sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn, việc phát triển người tham gia BHXH gặp rất nhiều trở ngại.
Đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh có 125.267 người tham gia BHXH; người tham gia BHXH tự nguyện 17.656 người (giảm 775 người so với thời điểm cuối năm 2022). Với con số này có thể thấy để đạt được mục tiêu đề ra đối với địa phương đang là thách thức lớn. Do đó, đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ để thu hút người dân, lao động tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người hưởng BHXH một lần trên địa bàn tỉnh là 9.756 hồ sơ, tăng 3.298 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh, BHXH là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự thay đổi của một số chính sách đã làm số người tham gia BHXH tự nguyện giảm.
Hỗ trợ từ ngân sách – động lực để phát triển đối tượng
Trước tình trạng đó, BHXH đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước của địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia trên địa bàn tỉnh. Bởi thực tế cho thấy, sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách địa phương sẽ góp phần rất lớn trong việc thực hiện lộ trình BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân trên địa bàn tỉnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội cho người dân.
Mới đây, Chính phủ cũng đã thống nhất về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bổ sung thêm chính sách, tăng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân, thể hiện chủ trương không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Được biết thời gian qua, một số tỉnh thành đã hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện cho người dân tại địa phương mình ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Đơn cử như TP. Hà Nội và Hải Phòng hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% mức đóng đối với hộ cận nghèo và 10% mức đóng thuộc nhóm đối tượng khác theo quy định.
Hay như tỉnh Quảng Trị hỗ trợ tăng thêm 20% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 15% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với người tham gia BHXH tự nguyện là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố…
Có thể nói, với đặc thù đa số đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn; nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa càng không có khả năng tham gia BHXH tự nguyện.
Cùng với đó, mức hỗ trợ của Nhà nước như hiện nay chưa thật sự hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Một khi người dân không còn khả năng lao động nhưng cũng không có lương hưu hằng tháng, không có thẻ BHYT để khám chữa bệnh... thì sẽ tạo gánh nặng cho công tác an sinh xã hội; đồng thời là gánh nặng cho ngân sách trong tương lai vì phải chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội và mua thẻ BHYT cho người cao tuổi. Vì vậy, nếu không có giải pháp và chính sách hỗ trợ sẽ không khuyến khích được người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Báo Đắk Lắk
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc