Đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân (*)

17/01/2024 01:45 PM


Sáng 17/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác BHXH, BHYT năm 2024 của ngành BHXH Việt Nam. Tạp chí điện tử BHXH trân trọng trích đăng phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diến biến phức tạp, khó lường, tình hình kinh tế-xã hội trong nước cũng còn nhiều khó khăn. Với nhiều nỗ lực, cố gắng, các chỉ tiêu quan trọng đã được cả nước cùng nỗ lực thực hiện và hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về BHXH, BHYT.

Bên cạnh những khó khăn chung, ngành BHXH Việt Nam cũng phải đối mặt với những yếu tố đặc thù, nhất là tình hình khó khăn của đơn vị SDLĐ và người dân, ảnh hưởng đến việc đóng và tham gia BHXH, BHYT trong các năm gần đây. Dù vậy, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, những kết quả nổi bật mà ngành BHXH Việt Nam đạt được trong năm 2023 là:
Công phối hợp của BHXH Việt Nam với các bộ, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được triển khai một cách chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, nổi lên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Minh chứng rõ ràng nhất là, hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tới cấp xã (tương ứng với 10.595 xã đã thành lập Ban Chỉ đạo); 46/63 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 60/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện; 62/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT…

Những con số này cho thấy sự quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị các cấp, nhằm thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân đều được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.

Mặc dù nền kinh tế năm 2023 có sự hồi phục nhưng chưa đạt được như kỳ vọng và tác động đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN như không có đơn hàng, số lượng và thu nhập của NLĐ đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thực hiện nhiệm vụ, nhưng ngành BHXH Việt Nam vẫn hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT; vượt số thu và số tiền chậm đóng giảm sâu nhất từ trước đến nay.

Về độ bao phủ, tỷ lệ người tham gia BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,26 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ). Trong đó, khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện (với gần 1,83 triệu người)- vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Tỷ lệ người tham gia BH thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi với 14,7 triệu người. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35%- vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, với trên 93,3 triệu người tham gia, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Số tiền thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 472.381 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng chiếm 2,69% so với số phải thu. Đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69%).

Công tác quản lý tài chính, tài sản, kế toán được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phục vụ chi trả kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng gắn thực hiện nhiệm vụ thu-chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển người tham gia BHXH, BHYT; chống trục lợi quỹ. Công tác quản lý đầu tư quỹ được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả, tối ưu hóa phương án đầu tư.

Công tác thực hiện chính sách BHYT được triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT; chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT. Năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt KCB BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022; số chi KCB BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.

BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và Bộ Tài chính triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Đến nay, BHXH Việt Nam đã kịp thời thanh toán chi phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định số 146/218/NĐ-CP được thanh toán theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP trong dự toán.

Công tác giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia và thụ hưởng, với thực trạng cải cách đơn giản, tiện lợi, tăng cường kiểm soát chống trục lợi quỹ; góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ.

Cùng với Bộ Công an đi đầu trong triển khai Đề án 06, tạo đột phá trong quản lý, được người dân, xã hội đánh giá cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ số; các TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa trong việc phục vụ người dân, DN khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Đặc biệt, CSDL của ngành BHXH Việt Nam được xây dựng rất hiệu quả. Điều này được minh chứng rất rõ qua quá trình chi trả hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do COVID-19. Chỉ trong khoảng 2 tháng đã triển khai hỗ trợ rất nhanh chóng, trực tiếp đến hàng triệu NLĐ và hàng trăm nghìn DN. Nếu như không có sự chuẩn bị, sẵn sàng từ hệ thống cơ quan BHXH, chính sách hỗ trợ khó có thể đến kịp với người dân, DN.

Thay mặt Lãnh đạo Chính phủ, tôi đánh giá cao những thành tích và sự cố gắng của toàn ngành BHXH Việt Nam. Năm 2024, nền kinh tế-xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tôi đề nghị ngành BHXH Việt Nam tiếp tục duy trì sự đoàn kết, nhiệt huyết, quyết tâm; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp trọng tâm như sau:

Bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trong toàn Ngành. Đặc biệt là các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam.

Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự thảo sửa đổi Luật BHXH, với Bộ Y tế xây dựng dự thảo sửa đổi Luật BHYT để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Các vấn đề về BHXH một lần, vấn đề thanh toán KCB BHYT... cũng cần được nghiên cứu kỹ để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn.

Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm vi phạm. Ngành BHXH có phạm vi tác động rất rộng, trực tiếp đến người dân; do đó phải thực hiện hiệu quả các yêu cầu này.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Quản lý tài chính các quỹ đảm bảo đúng quy định, an toàn, bền vững và hiệu quả. Khai thác, phát huy tối đa hiệu quả CNTT, CSDL của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng các hình thức cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; CSDL quốc gia về bảo hiểm... gắn với Đề án 06 và quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT. Đặc biệt, khi các dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT được thông qua, phải chủ động truyền thông đến người dân để đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của BHXH Việt Nam, đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với BHXH Việt Nam để giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Cụ thể: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế nghiên cứu, khẩn trương báo cáo, trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung đồng bộ Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật liên quan phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Trung ương về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện CSDL quốc gia về dân cư, về KCB, lao động... để liên thông, chia sẻ với cơ quan BHXH, đảm bảo tính pháp lý, toàn vẹn của dữ liệu được liên thông; cũng như tạo thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch điện tử, nhằm tăng cường tính chính xác, công khai, minh bạch, cải cách TTHC và nâng cao hiệu quả công tác quản lý người đóng-hưởng BHXH, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; đồng thời đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào nghị quyết, chương trình hành động- xác định đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bởi vì, để thực hiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, cần huy động tổng thể các nguồn lực từ NSNN, ngân sách địa phương và sự chung tay của toàn dân để mở rộng độ bao phủ.

Với những thành tích đạt được trong năm 2023, tôi tin tưởng rằng, tập thể lãnh đạo, CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2024, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân.

Tạp chí BHXH