ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Cần có giải pháp căn cơ và lâu dài để NLĐ tiếp tục tham gia BHXH
27/05/2024 09:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trao đổi bên lề nghị trường trước phiên thảo luận về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) diễn ra hôm nay, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) bày tỏ quan tâm đến quy định hưởng BHXH một lần; quy định về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH- đây là những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân, dù lựa chọn phương án nào, điều quan trọng là chúng ta phải có giải pháp để giữ NLĐ ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH. Bởi, đây mới là giải pháp căn cơ và lâu dài.
* PV: Hôm nay (27/5), Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Qua nghiên cứu, bà đánh giá thế nào về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật này?
- ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân:
Ngay từ khi Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được đưa ra thảo luận trên diễn đàn Quốc hội và các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là chính sách về BHXH một lần, cho đến nay đây vẫn luôn là vấn đề nóng từ đời sống xã hội cho đến nghị trường Quốc hội. Nhằm thống nhất phương án, bảo đảm sự hài hoà giữa quyền lợi NLĐ, DN với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tại Kỳ họp này, tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban TVQH.
Dự thảo Luật có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, phải đảm bảo đồng thời tối ưu quyền lợi của NLĐ trên cơ sở nguyên tắc đóng- hưởng và an toàn, cân đối, tăng trưởng của quỹ BHXH trong dài hạn.
Tôi nhận thấy, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sau khi chỉnh lý đã làm rõ nhiều vấn đề, các nội dung được quy định dễ hiểu hơn, nhất là việc bổ sung 6 điều mới nhằm thúc đẩy việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; tăng cường trách nhiệm của không chỉ hệ thống cơ quan BHXH, UBND các cấp, mà cả với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc đôn đốc người SDLĐ thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; bổ sung quy định về cơ chế đặc thù để góp phần bảo vệ quyền lợi NLĐ trong trường hợp người SDLĐ không còn khả năng đóng BHXH.
* Trong số những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ý kiến vẫn bày tỏ băn khoăn về quy định hưởng BHXH một lần. Quan điểm của bà về nội dung này như thế nào?
- Vấn đề hưởng BHXH một lần là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp. Nội dung này đã có tiền lệ trong quá khứ gặp phải phản ứng của một bộ phận NLĐ khi có đề xuất thay đổi. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo và Ủy ban Xã hội trong nghiên cứu, đánh giá tác động một cách thận trọng, đa chiều, để đề xuất 2 phương án có thể nói là tối ưu trình Quốc hội xem xét.
Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm NLĐ khác nhau.
Nhóm 1- đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, nếu có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần (Dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu NLĐ lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần). Nhóm 2- đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
Phương án 2 quy định NLĐ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước những khó khăn trong thời gian qua, cũng như dự báo kinh tế thế giới sắp tới vẫn còn nhiều biến động, dư luận xã hội và NLĐ nhận thức vẫn còn chưa sâu về quyền lợi lâu dài mà BHXH mang lại, thì việc thiết kế có lộ trình hợp lý sẽ giúp NLĐ, người dân hiểu rõ bản chất cốt yếu của chính sách BHXH, từ đó thay đổi dần nhận thức và tạo sự đồng thuận cao với những quyết sách của Quốc hội. Đó mới là sự thành công trong Dự thảo Luật lần này.
Mỗi phương án đưa ra đều có ưu điểm và nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào, thì đều phải có giải pháp để giữ NLĐ ở lại hệ thống BHXH hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH mới là giải pháp căn cơ và lâu dài.
* Việc Luật BHXH hiện hành không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng BHXH và hành vi trốn đóng BHXH, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Tính đến hết năm 2022, cả nước có 2,79 triệu lao động đang bị DN nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Trong đó, có hơn 2,13 triệu NLĐ bị DN chậm đóng BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số người đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng BHXH diễn ra ở các loại hình DN với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến NLĐ đồng loạt đi rút BHXH một lần, khi quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng không được bảo vệ do vi phạm từ người SDLĐ.
Tôi cho rằng, Luật hiện hành cần có quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong trường hợp người SDLĐ không còn khả năng đóng BHXH. Tuy nhiên, quy định đối với những trường hợp NLĐ phải tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì NLĐ được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng... Tôi rất băn khoăn quy định này.
Vì vậy, đề nghị cần làm rõ và đánh giá kỹ quy định này. Bởi, nếu DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, thì NLĐ phải mất một số tiền khá lớn để đóng bù phần của người SDLĐ chậm đóng, trốn đóng (21,5% lương tháng), thậm chí đóng lại phần của mình (10,5% lương tháng) mặc dù DN đã trừ lương của họ trước đó để đóng BHXH nhưng không đóng vào quỹ. Do đó, gây thiệt hại rất lớn với NLĐ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điều này sẽ khiến họ đặt câu hỏi: Tại sao DN nợ mà cơ quan nhà nước không có giải pháp xử lý để NLĐ phải bỏ tiền đóng thay DN (trong khi thời gian đó họ cũng đã bị trừ lương rồi; DN nợ đã chiếm dụng cả khoản 10,5% trừ vào lương và trốn đóng 21,5% phần của DN phải đóng).
Do đó, tôi đồng tình khi Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này- cũng như Luật BHXH hiện hành, đã có chương quy định về tham gia BHXH tự nguyện: Nếu người tham gia đóng BHXH bắt buộc thiếu không quá 10 năm để đủ thời gian hưởng lương hưu thì có thể đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng chính sách hưu.
Tôi cũng thống nhất khi Dự thảo Luật tách riêng các điều về xác định chậm đóng BHXH (Điều 37), trốn đóng BHXH (Điều 38), xử lý chậm đóng BHXH (Điều 39), xử lý trốn đóng BHXH (Điều 40) và đề nghị Nhà nước có quỹ dự phòng để hỗ trợ NLĐ ở những DN bỏ trốn để NLĐ không bị thiệt thòi khi phải vô lý đóng bù số tiền hơn 30% này.
* Trân trọng cảm ơn bà!
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc