Ngành BHXH Việt Nam tập trung toàn lực đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024

04/10/2024 07:45 PM


Sáng 4/10, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 10/2024. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; cùng đại biểu tại hơn 700 điểm cầu BHXH địa phương.

Xu hướng tích cực trong tháng 9/2024

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2024, các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT của toàn Ngành gia tăng rất tích cực. Cụ thể: Về BHXH bắt buộc, toàn quốc có 17,033 triệu người tham gia, tăng 7,25% so với cùng kỳ năm 2023; về BHXH tự nguyện có 1,993 triệu người tham gia, tăng 39,35% so với cùng kỳ năm 2023; về BH thất nghiệp có 15,312 triệu người tham gia, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023; về BHYT có 93,455 triệu người tham gia, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bên cạnh đó, toàn Ngành luôn tập trung đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT. Theo thống kê, số chi BHXH trong 9 tháng năm 2024 tăng 11,25% so với cùng kỳ năm 2023, chi BH thất nghiệp tăng 4,03% và chi KCB BHYT tăng 14,12% với số lượt KCB BHYT tăng 5,34%. Toàn Ngành đã tập trung triển khai các chế độ, chính sách BHXH theo quy định mới; tăng cường công tác quản lý, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp và quản lý người hưởng các chế độ; giải quyết kịp thời, đúng quy định nhiều công văn, đơn thư của các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao trong công tác ứng phó với hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi). Theo đó, đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão; thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân và DN như: Triển khai linh hoạt, phù hợp, kịp thời về thời gian, phương thức, cách thức chi trả các chế độ BHXH, BHYT; đơn giản hóa các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận và giải quyết các chế độ, đảm bảo không xảy ra gián đoạn trong việc thụ hưởng quyền lợi liên quan BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Ngoài ra, toàn Ngành khẩn trương triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về việc nghiên cứu gia hạn nộp BHXH đối với các DN du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3. Đồng thời, đã có Báo cáo số 3314/BC-BHXH ngày 24/9/2024 gửi Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương…

Linh hoạt các giải pháp mở rộng bao phủ BHXH, BHYT và kiểm soát quỹ KCB BHYT

Tại Hội nghị, BHXH một số địa phương có số thu lớn (Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Thanh Hóa, Cần Thơ, Hải Phòng…) đã chia sẻ nhiều giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT. Cụ thể như: Tích cực tham mưu, tranh thủ sự ủng hộ và chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; tích cực phối hợp với cơ quan Thuế, KH-ĐT rà soát dữ liệu DN đóng thuế, đăng ký mới... để đối chiếu, phân loại, khai thác các nhóm tiềm năng. Qua chia sẻ cho thấy, những địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp này đều tăng đáng kể số người tham gia BHXH, BHYT trong tháng 8-9/2024.

Với hoạt động kiểm soát chi phí KCB BHYT, BHXH các địa phương cũng tham mưu để có sự chỉ đạo tích cực từ UBND tỉnh; chủ động thực hiện phân bổ chỉ tiêu, dự toán chi KCB BHYT đến cơ sở KCB. Cùng với đó, phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, làm việc với các cơ sở KCB có chi phí cao bất thường, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, vi phạm để nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT...

Đại diện các đơn vị nghiệp vụ phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Tuy nhiên, báo cáo của BHXH các địa phương cũng cho thấy không ít khó khăn mà ngành BHXH Việt Nam phải vượt qua. Trong đó, đáng chú ý, nhiều địa phương dù có sự gia tăng số người tham gia BHXH, BHYT, nhưng vẫn chưa đạt tiến độ theo kế hoạch được BHXH Việt Nam giao năm 2024; số chi KCB BHYT vẫn tiếp tục gia tăng, có nguy cơ vượt dự toán được giao trong năm...

Nhấn mạnh sự gia tăng mạnh mẽ số người tham gia BHXH, BHYT từ tháng 7/2024 đến nay, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ chỉ rõ 3 kinh nghiệm đúc rút được từ sự thành công của BHXH các địa phương và cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới, đó là: Bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, tham mưu sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị, tổ chức dịch vụ thu; linh hoạt các giải pháp sáng tạo và phù hợp với địa phương.

Về lĩnh vực chính sách BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT nhận định: Chi phí KCB BHYT mặc dù gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, cho thấy hiệu quả các hoạt động quản lý chi phí của toàn ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn có những địa phương có sự gia tăng cao chi phí KCB BHYT, thậm chí có những địa phương tăng đến 20% so với cùng kỳ năm 2023. "Ngay trong tháng 9, có những địa phương có số tăng đột biến mà không phải do yếu tố khách quan… Đây là những nội dung mà BHXH các địa phương cần phải đặc biệt lưu ý, phân tích để có giải pháp phù hợp"- ông Phúc lưu ý.

Tập trung tổng lực hoàn thành và vượt mọi nhiệm vụ năm 2024

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường cũng đánh giá cao sự gia tăng tích cực và ấn tượng về số ngươi tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là trong tháng 9 vừa qua. Theo ông Cường, có nhiều yếu tố tích cực tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ này của BHXH Việt Nam như: Luật BHXH 2024 được ban hành; công tác truyền thông hiệu quả; các giải pháp phát triển người tham gia của BHXH Việt Nam được triển khai phù hợp; công tác thanh tra của Ngành có bước chuyển biến...

Đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH TP.HCM

Trên cơ sở đó, ông Cường đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục tổng kết, đánh giá đầy đủ các kinh nghiệm hiệu quả thời gian qua, tìm giải pháp đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ để đạt hiệu quả thực tế cao hơn trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng cần có giải pháp mạnh mẽ kiềm chế tốc độ gia tăng chi phí KCB BHYT để tình trạng vượt quỹ ở mức thấp nhất.

Đề cập các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu, mở rộng người tham gia BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ ra rằng, số liệu gia tăng tích cực trong tháng 8-9/2024 thể hiện rõ nét ở các địa phương đã được BHXH Việt Nam trực tiếp làm việc, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các giải pháp, kịch bản thu và phát triển đối tượng. Một trong những kinh nghiệm thành công, đó là các địa phương phải thống nhất thực hiện quy trình chặt chẽ từ triển khai, đến giám sát thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp.

Do đó, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ tích cực hướng dẫn BHXH các địa phưong thực hiện đúng kịch bản đã xây dựng; phát động phong trào thi đua các tháng cuối năm. Đồng thời, BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương cần tham gia tích cực vào sửa đổi Luật BHYT, thể chế hóa các quy định mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT đã được hướng dẫn trong Nghị định 75/2023/NĐ-CP…

Đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH TP.Hải Phòng

Cũng đề cập đến sửa đổi Luật BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết, BHXH Việt Nam ủng hộ chủ trương mở rộng quyền lợi người tham gia; đồng thời đảm bảo cơ quan BHXH thực hiện trách nhiệm kiểm soát quỹ KCB BHYT hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian tới, nhiệm vụ của toàn Ngành là tiếp tục nâng cao hiệu quả và tinh thần trách nhiệm trong công tác giám định chi phí KCB. "Đề nghị Ban Thực hiện chính sách BHYT làm việc với 20 địa phương đang có số chi lớn, bởi theo quy luật hằng năm, quý IV sẽ có số chi KCB BHYT tăng cao, trong khi mục tiêu là cần kiểm soát chi phí KCB BHYT trong dự toán cho phép..."- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa lưu ý.

Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ được ngành BHXH Việt Nam tập trung thực hiện trong thời gian qua là thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo phương thức không dùng tiền mặt, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị các địa phương tăng cường quản lý rủi ro. Theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, dữ liệu chi trả đang tập trung xử lý về Hệ thống dữ liệu của BHXH Việt Nam, do đó cần được phân luồng để đảm bảo dung lượng đường truyền, không để tình trạng quá tải. "Trung tâm CNTT đang nỗ lực nâng cấp, tối ưu hóa để việc chi trả theo phương thức này được đẩy lên sớm hơn với mọi nhóm đối tượng, tại mọi địa phương…"- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn thông tin.

Thống nhất với các báo cáo và ý kiến tại Hội nghị, phát biểu kết luận, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn Ngành cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp, đề xuất hỗ trợ người dân, DN sau cơn bão số 3. Yêu cầu BHXH các địa phương chấp hành nghiêm chỉ đạo của BHXH Việt Nam, bám sát và chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo các cấp vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ về BHXH, BHYT. Đồng thời, tích cực tham gia chia sẻ thông tin, đóng góp xây dựng chính sách, đặc biệt là Dự án Luật BHYT (sửa đổi).

Nhấn mạnh nhiệm vụ chung “toàn Ngành phải hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH các địa phương cũng như các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam phải tập trung toàn lực triển khai các nhiệm vụ được giao. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung thực hiện các chuyên đề bám sát thực tiễn; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó các đơn vị; đặc biệt cần thực hiện nghiêm kỷ cương kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần “5 rõ”.

Tạp chí BHXH