Góp ý kiến dự thảo quy định chi tiết thi hành Luật BHXH năm 2024

06/12/2024 07:50 PM


Trong 2 ngày 6-7/12, tại TP.HCM, BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến đối với dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật BHXH 2024. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo BHXH và phòng chuyên môn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; lãnh đạo Vụ BHXH thuộc Bộ LĐ-TB&XH…

Tại Hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật BHXH 2024. Qua đó, nghiên cứu, tổng hợp, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền sớm ban hành làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện được thuận lợi và hiệu quả. 

Ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH- đại diện Bộ LĐ-TB&XH, đã nêu rõ quá trình xây dựng và trình bày tóm tắt 3 dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH năm 2024. Cụ thể: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH năm 2024 về BHXH bắt buộc; dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH năm 2024 về BHXH tự nguyện; dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH năm 2024 về BHXH bắt buộc.

Ông Nguyễn Duy Cường đề nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung mới sẽ được quy định chi tiết trong các văn bản do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng. Trong đó, một số vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm như phương án quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh; tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc… Những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, nhất là với những đối tượng mới thuộc diện tham gia theo quy định của Luật BHXH 2024; thế nào là chậm đóng, thế nào là trốn đóng BHXH; việc giải quyết quyền lợi NLĐ tại đơn vị chậm đóng BHXH… Đặc biệt, cần quan tâm vấn đề đang tồn tại là câu chuyện tiền lương đóng BHXH và chuyện người SDLĐ không còn khả năng đóng.

Theo ông Cường, đây là 2 câu chuyện “đau đầu” mà ngay từ khi làm luật các chuyên gia rất quan tâm; tiền lương đóng là tiền lương “đầu vào” chứ không phải là tiền lương thực trả, có liệt kê được các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung không… Ngoài ra, một số điểm mới tại Dự thảo nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Tại Chương IV, Chế độ đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; được thực hiện theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật BHXH. Chương V, chế độ hưu trí, tử tuất đối với NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng.

Ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) đưa ra quan điểm cơ quan soạn thảo là quy định pháp luật phải mang tính khả thi đưa vào thực tiễn. Đặc biệt, cần nghiên cứu và xem xét khía cạnh là trong công tác thu và phát triển người tham gia, đối tượng chủ hộ kinh doanh. Hiện về đối tượng chủ hộ kinh doanh, có khoảng 5 triệu hộ trong cả nước, trong đó khoảng 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Dự thảo đưa ra 2 phương án chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: Phương án 1 là “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai”, “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng quy định mà có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.” Phương án 2 là “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc”.

Theo ông Hào, phương án dự thảo đưa ra có thể chưa phải là phương án tối ưu nhất nên đại biểu có thể đưa ra phương án khác. Chẳng hạn quy định chủ hộ kinh doanh có thuê mướn lao động mới thuộc đối tượng tham gia; ý khác là chủ hộ kinh doanh nhưng phải theo mức thu nhập (đóng thuế thu nhập)… Ngoài ra, cần thảo luận vấn đề quan tâm là đơn vị SDLĐ không có khả năng đóng BHXH, trong thực tiễn thì ai phải xác định câu chuyện này; tiền lương làm căn cứ đóng…

Thảo luận tại hội nghị, bà Đỗ Thị Hằng- Phó Giám đốc BHXH Đắk Lắk cho rằng, về chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH, nên chọn phương án 1 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, nộp thuế. Đây là hộ đã thuộc diện kinh doanh và có thu nhập ổn định nên sẽ có khả năng và nhu cầu tham gia BHXH. Với xu hướng ngày càng mở rộng đối tượng tham gia BHXH để hướng tới BHXH toàn dân.

Đề xuất phương án thu BHXH đối với chủ hộ kinh doanh, ông Lò Quân Hiệp- Giám đốc BHXH TP.HCM. TP.HCM có 215.000 hộ kinh doanh vì vậy cần phải có phương án đóng, thu phù hợp vì thực tiễn khối lương công việc của BHXH TP.HCM rất lớn, không đủ lực lượng để thu trực tiếp đối với các hộ kinh doanh này.

Đóng góp ý kiến từ góc độ đơn vị cơ sở thực hiện chính sách trực tiếp, ông Phạm Thanh Nam- Giám đốc BHXH quận Gò Vấp (TP.HCM) nói rằng, Luật BHXH 2024 có nhiều điểm mới mang tính nhân văn, hướng đến NLĐ, đảm bảo an sinh. Song ông Nam cũng bày tỏ sự lo lắng khi cấp quận huyện trực tiếp thực hiện sẽ có nhiều vấn đề khó khăn, phát sinh nhiều công việc trong phát triển đối tượng, chi trả chế độ chính sách nếu không có quy định phù hợp. Ở quận Gò Vấp thống kê có 24.800 hộ kinh doanh, đây là con số rất lớn, trong khi đó cán bộ BHXH quận khối lượng công việc rất nhiều, không thể thu trực tiếp vì việc này là không khả thi mà cần phải có khâu trung gian. Vì vậy, cần phải xác định làm như thế nào và ai làm mới là vấn đề… Về việc này, đại diện BHXH TP.Thủ Đức (TP.HCM) kiến nghị cần có cơ chế về tổ chức ủy quyền thu, có thể phối hợp với UBND phường xã để tổ chức, giám sát công tác thu này thì mới có thể đi vào thực tiễn.

Cũng đồng tình với nhiều đại biểu, ông Võ Oanh Liệt- Phó Giám đốc BHXH Tiền Giang cũng kiến nghị lựa chọn phương án 1 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Ngoài ra, về tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (Khoản 2 Điều 18 Nghị định bắt buộc) là “Công dân Việt Nam là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng mà mất quốc tịch Việt Nam thì chấm dứt hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam thì lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng được tiếp tục chi trả kể từ thời điểm người đó được trở lại quốc tịch Việt Nam và không bao gồm tiền lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng của thời gian mất quốc tịch Việt Nam” ông Liệt đề xuất, cần làm rõ hơn về nội dung “mất quốc tịch Việt Nam”. Trong những trường hợp nào và có hướng dẫn cụ thể hơn về việc công dân Việt Nam mất quốc tịch Việt Nam để cơ quan BHXH có căn cứ thực hiện. Đồng thời, làm rõ hơn về quy định, căn cứ nào để thực hiện chấm dứt, tạm dừng hưởng khi mất quốc tịch Việt Nam. Ngoài ra, đề xuất bổ sung các quy định và thủ tục hồ sơ tạm dừng hưởng, hưởng tiếp đối với các trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng bằng tiền mặt nhưng không đến nhận trong thời gian dài, không liên lạc được, không có ở nơi cư trú.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến khác cũng đã có nhiều đề xuất, đóng góp cho ban tổ chức. Đa phần các ý kiến cho rằng Nghị định, Thông tư hướng dẫn cần phải ngắn gọn, dễ hiểu để người lao động, đơn vị SDLĐ và cơ quan thực thi dễ thực hiện, áp dụng trong thực tiễn.

Tạp chí BHXH