Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Thực hiện có lộ trình và không ảnh hưởng đến lực lượng lao động trẻ

01/11/2016 01:39 AM



Do quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay đang bộc lộ một số bất cập như được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, tạo ra sự không đồng bộ, thiếu thống nhất, khó thực hiện; tuổi nghỉ hưu như hiện hành là thấp so với xu hướng tuổi thọ ngày càng tăng và nguy cơ mất khả năng cân đối quỹ hưu trí; quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn nam 5 tuổi là chưa bảo đảm bảo vấn đề bình đẳng giới…

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 187 Bộ Luật lao động 2012 theo hướng điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng.

Xung quanh việc sửa đổi, bổ sung này, dư luận đang đặt rất nhiều câu hỏi băn khoăn như: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ theo hướng nào; điều chỉnh có mất cơ hội việc làm của giới trẻ; sự mất cân đối tuổi nghỉ hưu giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp sẽ được tính toán ra sao; lộ trình xây dựng, triển khai điều chỉnh tuổi nghỉ hưu…

Lý giải nguyên nhân phải tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực sự cần thiết để tận dụng lực lượng lao động vì trên thực tế có nhiều phụ nữ 55 tuổi hay nam giới 60 tuổi vẫn còn sức khỏe muốn tiếp tục làm việc và cống hiến. Trong khi đó, số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân dưa dẫn chứng, năm 1996 có 217 người đóng BHXH thì có một người hưởng lương hưu; năm 2000, số người đóng giảm xuống còn 34; năm 2009 còn 11 người và hiện nay cứ 9 người đóng BHXH thì có một người hưởng lương hưu. Quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu, mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu. Khi GDP tăng, mức sống và tuổi thọ của người lao động tăng thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên việc điều chỉnh như thế nào thì cần tính toán, cân nhắc theo một lộ trình cụ thể.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, về tổng mức đóng vào các quỹ BHXH hiện nay cơ bản là phù hợp, tương đồng với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, về mức hưởng cần xem xét tính toán điều chỉnh lại cho phù hợp. Chẳng hạn ở Thái Lan, Philippin mức hưởng lương hưu tối đa của họ chỉ khoảng hơn 40% mức đóng BHXH. Với mức đóng và tỷ lệ đóng như hiện nay thì mức hưởng lương hưu của Việt Nam chỉ khoảng 55- 60%, nhưng đang thiết kế mức hưởng tối đa 75% nên mất cân đối. Việc điều chỉnh giảm mức hưởng của người lao động rất khó nên phải có sự điều chỉnh giảm thời gian hưởng lương hưu bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu lên.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng cho biết, các nước trong khối ASEAN, khi tuổi thọ bình quân tăng đều có chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên tương ứng nhằm đảm bảo giữ vững ổn định quỹ hưu trí. Chẳng hạn Lào, Campuchia, Philippin, Malaysia, Thái Lan quy định 60 tuổi cho cả nam và nữ; Singapore quy định 62 tuổi cho cả nam và nữ. Trong khu vực Châu Á còn có Nhật Bản, Hàn Quốc thì quy định 65 tuổi cho cả nam và nữ.

Bày tỏ quan điểm tại buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hiện nay Chính phủ đang trình ra các phương án về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Để thuyết phục được Quốc hội về vấn đè này, Chính phủ phải đánh giá được tác động kinh tế của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đến cân đối thị trường lao động như thế nào, tạo cơ hội việc làm cho lao động trẻ ra sao, tạo điều kiện cho đối tượng là lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật ra sao...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, những đối người là lao động nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng sâu, vùng xa, lao động bị suy giảm sức khỏe là nhóm đối tượng chưa bàn đến trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lần này. Cũng có thể, có một số nơi đã cải thiện điều kiện tốt hơn cho người lao động sẽ được sẽ xem xét điều chỉnh, nhưng phải trên cơ sở đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Việt Nam là thị trường lao động đang sung sức, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tính toán để sao cho: Không lãng phí chất xám và lãng phí nhân lực chất lượng cao, nhưng cũng đừng bỏ đi lượng lao động sung sức, được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. 6 tháng đầu năm vẫn có tới 191.000 sinh viên tốt nghiệp mới ra trường chưa có việc làm. Đây là vấn đề xã hội cần được lưu tâm.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng hay không đến cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, 6 tháng đầu năm nay, 191.000 sinh viên ra trường chưa có việc làm nên đây là vấn đề xã hội phải tính toán cụ thể. Chính phủ cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh tuổi hưu, cân đối thị trường lao động để tạo cơ hội cho lao động trẻ, lao động có chuyên môn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chính sách đóng BHXH cần thay đổi, công khai minh bạch để người đóng biết mình được hưởng như thế nào. Hiện nay, có 2,8 triệu công chức đang hưởng lương và 500.000 công chức hưởng lương quản lý, gây khó khăn cho ngân sách. Ông đề nghị chuyển đơn vị công sang tự hạch toán để giảm gánh nặng đóng BHXH cho ngân sách.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, nếu tổng số việc làm không thay đổi thì việc điều chỉnh tuổi hưu sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động. Song nước ta là nước đang phát triển thì còn nhiều khả năng tăng số việc làm nên lao động trẻ, sinh viên mới ra trường có thể yên tâm vì chính sách này không ảnh hưởng đến việc làm.

Trao đổi về việc thực hiện chế độ BHXH trong lực lượng vũ trang, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, lực lượng vũ trang đóng cao và hưởng cao là đương nhiên. Theo đó, ở đây chỉ xét về chế độ đặc thù. Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị phần đặc thù thì ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch của nhóm đối tượng này./.




Nguồn: Trang tin điện tử BHXH Việt Nam