Bảo hiểm thất nghiệp: Kết quả và yêu cầu rà soát, đánh giá việc thực hiện

19/02/2019 03:22 AM



(Ảnh minh họa)

Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cung cấp thông tin, lực lượng lao động Việt Nam hiện vào khoảng 55,11 triệu người, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động luôn duy trì trên 70%. Số lao động có việc làm  là 53,4 triệu người, so với năm 2008 số người có việc làm đã tăng thêm 6,15 triệu người, gần bằng số tăng lực lượng lao động trong cùng giai đoạn. Mặc dù vẫn tập trung chủ yếu ở nông thôn, song những năm qua, bắt đầu có sự chuyển từ nông thôn ra thành thị mỗi năm từ 5 – 6% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 56,1% (năm 2018), song tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 23,6%. Năm 2009, chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN thì năm 2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành),  số người tham gia BHTN tăng lên 10,3 triệu người, tăng 173% so với năm 2009; năm 2018, cả nước có 12,68 triệu người tham gia BHTN với số thu 15.531 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm khoảng 26,2 lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tuy nhiên, Việt Nam đang có tới 18,9 triệu lao động phi chính thức và phần lớn lực lượng này chưa được bao phủ bởi BHTN. Trong khi đó, việc triển khai chính sách BHTN – theo các chuyên gia – chính là phương thức hữu hiệu nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm giảm nguy cơ sa thải lao động; đồng thời, bảo đảm An sinh xã hội cơ bản cho người lao động. Trong những năm qua, mặc dù chính sách BHXH được đánh giá là ưu việt, song theo đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, là vẫn nặng giải quyết hậu quả (khi người lao động đã rơi vào tình trạng thất nghiệp thì mới được hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo) song nhẹ về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật BHTN của một số chủ sử dụng lao động chưa cao, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thường có tỷ lệ trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng lớn của người lao động vào Quỹ BHTN; doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động, chưa quan tâm đến quyền lợi BHTN đối với người lao động; sự phối hợp trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHTN còn hạn chế, không thường xuyên… Vì vậy, trong Đề án về Cải cách chính sách BHXH, BHTN do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách BHTN bởi “thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giữa doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh với những doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp yếu; giữa những người có trình độ, kỹ năng cao hơn, công việc ổn định hơn với những người có trình độ thấp, công việc bấp bênh hơn và chính sự gắn kết sẽ làm cho cộng đồng doanh nghiệp mạnh hơn, người lao động cũng được đảm bảo hơn về mặt An sinh xã hội”.

Trong một Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, năm 2019 chính là thời điểm rà soát, đánh giá, tổng kết lại việc thực hiện chính sách BHTN, để sẵn sàng cho việc sửa đổi Luật Việc làm khi thực hiện Đề án về Cải cách chính sách BHXH, BHTN: Trong lĩnh vực việc làm, cũng phải xây dựng đề án về nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thực hiện chính sách BHTN. Chẳng hạn, vấn đề tài chính trong việc thực hiện chính sách BHTN của các Trung tâm dịch vụ việc làm cần phải làm  rõ, từ việc thu thập thông tin, tư vấn, bố trí sắp xếp việc làm cho người lao động, hỗ trợ đào tạo nghề; đội ngũ cán bộ, viên chức tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần chuyên nghiệp hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng làm việc; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của những người tổ chức thực hiện chính sách BHTN - mà nòng cốt là bộ phận BHTN của BHXH Việt Nam và các Trung tâm Dịch vụ việc làm; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo đảm An sinh xã hội cho người lao động, giúp họ duy trì việc làm ổn định bền vững, tránh sa thải... và một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là cố gắng dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính  thức sang chính thức, tăng diện bao phủ BHTN./.
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội