Các chính sách An sinh xã hội có hiệu lực từ ngày 01/03/2019

04/03/2019 01:41 AM



(Ảnh minh họa)

Chế độ sinh hoạt phí, phụ cấp, trợ cấp, BHXH, khám, chữa bệnh đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Ban hành ngày 23/01/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 11/03/2019, Nghị định số 08/2019/NĐ-CP của Chính phủ về một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quy định mức sinh hoạt phí cơ sở áp dụng chung cho tất cả các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là 650 đô-la Mỹ/người/tháng và sẽ được xem xét điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tại các địa bàn tăng từ 10% trở lên hoặc tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Về chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh, thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hỗ trợ mua bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài; căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể mức hỗ trợ. Ngoài ra, được hưởng một số chế độ khác như được Nhà nước thanh toán tiền nhà ở, tiền điện, tiền nước, tiền chất đốt, tiền thuê bao cáp truyền hình, tiền thuê bao điện thoại, tiền thuê bao internet; hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có), phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở trong nước, được tiếp tục đóng BHXH như khi công tác trong nước; nhận phụ cấp 01 khoản tiền khoán cho cả nhiệm kỳ để mua trang phục đối ngoại, đồ dùng cá nhân thiết yếu trong nhiệm kỳ công tác; được thanh toán tiền vé máy bay và cước hành lý khi đi công tác; hưởng tiền công tác phí khi đi công tác trong nước sở tại hoặc ở nước khác; được nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH; được bố trí nghỉ bù hoặc hưởng phụ cấp làm thêm giờ nếu phải làm việc ban đêm hoặc làm thêm giờ...

Nạn nhân bom mìn được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT


“Nạn nhân bom mìn được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua BHYT và được hưởng chính sách BHYT theo quy định về BHYT; hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm cho nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh; hỗ trợ sinh kế và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội” - là nội dung cơ bản của Điều 27 Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về Quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/03/2019. Ngoài ra, nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh (là người bị chết, bị khuyết tật hoặc dị tật do bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh) sẽ được Nhà nước hỗ trợ y tế ban đầu, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm và bảo trợ xã hội; con của nạn nhân bom mìn vật nổ là trẻ em thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ học bổng, kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật; được hưởng các quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

Hộ nghèo được nâng mức vay tối đa 100 triệu đồng

Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 01/03, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ nâng gấp đôi mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nh cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Kể từ ngày 01/03/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Đồng thời, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.

Chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số

Thông tư số 45/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/04/2016 quy định chi tiết Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2019. Theo đó, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) sẽ được hỗ trợ khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau: Sinh một hoặc hai con; sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; đã có một con đẻ nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận; sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); không áp dụng cho trường hợp hai vợ chồng đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống; phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận trực tiếp 02 triệu đồng/người bằng tiền mặt từ tháng đầu sau khi sinh con và phải tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.

Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân

Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn một số hoạt động của HĐND, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2019, quy định nếu đại biểu Hội đồng nhân dân chuyển công tác thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trước khi quyết định chuyển công tác của đại biểu Hội đồng nhân dân ra khỏi đơn vị hành chính nơi người đó được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải thông báo đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp; Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất, thông báo đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cử tri nơi bầu ra đại biểu đó biết việc chuyển công tác của đại biểu. Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chuyển công tác hoặc nơi cư trú đến địa phương khác trong cùng đơn vị hành chính nơi người đó được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu đó có thể chuyển sinh hoạt Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân từ nơi mình đang sinh hoạt đến Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân nơi mình công tác hoặc cư trú.

Đến năm 2024 - 2028: Toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai bệnh án điện tử

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2019, Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tại Thông tư, Bộ Y tế cũng đề ra lộ trình thực hiện việc triển khai bệnh án điện tử, cụ thể:

Giai đoạn từ năm 2019 – 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư.

Giai đoạn từ năm 2024 – 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bộ ngành khác chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế; các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử phải có văn bản báo cáo Sở Y tế. Văn bản báo cáo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.

Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ

Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/03/2019, về sửa đổi, bổ sung 01 số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 01 số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Sửa đổi, bổ sung 01 số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học công nghệ, doanh thu phải đạt tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp); miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Người ký kết quả xét nghiệm trong khám, chữa bệnh phải có trình độ Đại học trở lên

Theo Thông tư 49/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2019, về Hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh, Trưởng khoa xét nghiệm - người trực tiếp ký kết quả xét nghiệm hoặc bác sỹ chuyên khoa, kỹ thuật viên xét nghiệm được phân công ký kết quả xét nghiệm đều phải có trình độ Đại học trở lên. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định nhiệm vụ của bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm là thực hiện các xét nghiệm được phân công theo đúng quy trình kỹ thuật, quy trình quản lý chất lượng; ký kết quả xét nghiệm trong phạm vi được phân công; kiểm tra lại kết quả xét nghiệm của kỹ thuật viên trong phạm vi được phân công; tham gia thường trực theo phân công của trưởng khoa; tư vấn về các xét nghiệm; tham gia hỗ trợ kỹ thuật, quản lý chất lượng xét nghiệm cho tuyến dưới; tham gia hội chẩn, kiểm thảo tử vong khi được yêu cầu; tham gia công tác nghiên cứu khoa học, thông báo thông tin khoa học về xét nghiệm theo sự phân công; chịu sự chỉ đạo và trách nhiệm trước trưởng khoa về những công việc được phân công, tuân thủ quy định, quy chế chuyên môn liên quan trong nội dung quản lý hoạt động xét nghiệm; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng khoa.

Quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thông tư số 04/2019/TT-BLĐTBXH ngày 21/01/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 08/03/2019, về Hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Chủ tịch, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên (sau đây gọi chung là người quản lý); cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng quy định tại Thông tư. Riêng về thang lương, bảng lương và phụ cấp lương, Quỹ Bảo lãnh tín dụng xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương và Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/04/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Phương pháp xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với 01 chủ thể

Theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2019, phương pháp xác định mức độ khuyết tật thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Người khuyết tật. Hội đồng quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại Phiếu xác định mức độ khuyết tật ban hành kèm theo Thông tư này và các phương pháp đơn giản khác để xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật. Trường hợp trẻ em dưới 06 tuổi, Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật quy định Thông tư; phỏng vấn người đại diện hợp pháp của trẻ em và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 06 tuổi” theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật./.
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội