Sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN trên phần mềm TST - khắc phục tình trạng nợ đọng

19/03/2019 08:25 AM


:

Đối với BHXH cấp tỉnh

Phòng Khai thác và thu nợ tổng hợp, rà soát và đối chiếu các đơn vị thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất do phần mềm TST cung cấp với Kế hoạch thanh tra trên địa bàn; trình Giám đốc BHXH tỉnh phê duyệt, ban hành Quyết định thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất.

Chuẩn bị tài liệu, chứng từ, dữ liệu liên quan đến các đơn vị được thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất, như: Hồ sơ do đơn vị, người lao động kê khai gửi cơ quan BHXH (Mẫu D02-TS, D01-TS, TK3-TS, TK1-TS và giấy tờ kèm theo nếu có; mẫu C12-TS, D02a-TS, D04a,b,e,h-TS, D09a-TS, D10a-TS...ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH); dữ liệu về danh sách đóng BHXH, BHTN, BHYT được kết xuất từ phần mềm TST của cơ quan BHXH; dữ liệu của cơ quan Thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền cung cấp cho cơ quan BHXH...

Tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất; đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định; tổng hợp, cập nhật kết quả thanh tra vào phần mềm TST theo mẫu số 01 - TTTD để đôn đốc, theo dõi và báo cáo BHXH Việt Nam.

Phòng Quản lý thu cung cấp tài liệu, chứng từ liên quan đến các đơn vị được thanh tra theo đề nghị của các Phòng; phối hợp tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất theo quy định.

Phòng Thanh tra - Kiểm tra phối hợp rà soát, đối chiếu các đơn vị thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất do phần mềm TST cung cấp với Kế hoạch thanh tra trên địa bàn; phối hợp tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất và xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện theo quy định;  phối hợp đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Đối với những đơn vị không chấp hành, tổng hợp, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

BHXH tỉnh Đắk Lắk chú trọng phối hợp với các ngành liên quan trong công tác
thanh tra, kiểm tra.

BHXH cấp huyện

Cung cấp tài liệu, chứng từ liên quan đến các đơn vị được thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất theo quy định; phối hợp tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất.

Hiện nay, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT với số tiền lớn, cố tình chây ỳ và thời gian nợ kéo dài của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên tại một số địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Để đạt được mục tiêu đề ra giảm nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT, cùng với việc chủ động công bố danh sách các doanh nghiệp nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng, một trong những giải pháp mạnh để giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN là triển khai quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra.

Yêu cầu đặt ra là phải xác định nguyên nhân các khoản nợ, từ đó bám sát đơn vị đôn đốc thực hiện việc đóng nộp đầy đủ; thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT  từ 3 tháng trở lên mà phần mềm TST đã tự động cảnh báo.

Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động,…) cùng cấp nhằm mục đích báo cáo và làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Đối với những đơn vị không chấp hành Quyết định xử phạt và kết luận thanh tra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý, đồng thời tổng hợp hồ sơ chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để khởi tố theo quy định của pháp luật./.


Lê Xuân Khánh